Theo Bộ Y tế, thủy đậu là bệnh lành tính, tuy nhiên, cần chăm sóc riêng nếu có bệnh để phòng lây lan và theo dõi để phát hiện biến chứng.
Nên đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu từ 12 tháng tuổi (ảnh: KT) Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), trong 3 tháng đầu năm nay, con số mắc thủy đậu trong cả nước là 4.000 trường hợp, giảm 68 % so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các tỉnh, thành có số mắc cao là Nghệ An, Hà Nội, Thái Bình, Yên Bái, Lâm Đồng, Kon Tum, Đà Nẵng.
Về trường hợp bé gái 14 tuổi tại Nghệ An tử vong do biến chứng của thủy đậu ngày 23/3, hiện Cục Y tế dự phòng chưa nhận được báo cáo ca bệnh này.
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, thủy đậu là bệnh lành tính, tuy nhiên, cần chăm sóc riêng nếu có bệnh để phòng lây lan và theo dõi để phát hiện biến chứng.
Với phụ nữ mang thai bệnh thủy đậu rất nguy hiểm cho thai nhi, có thể gây sẩy thai hoặc để lại dị tật cho thai nhi. Trẻ sơ sinh mắc thủy đậu lây truyền từ mẹ diễn biến cũng rất nặng nề do virus thủy đậu tấn công.
Thủy đậu dễ lây truyền qua dịch của mụn nước trên da, cảm nhiễm cao. Khi nhiễm bệnh, người bệnh mệt mỏi, nhức đầu, sốt nhẹ, chảy nước mũi, đau họng, các nốt ban đỏ ở vùng da đầu, mắt rồi lan ra toàn thân. Để chủ động phòng tránh bệnh thủy đậu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để phòng tránh lây lan.
Những trường hợp mắc bệnh thuỷ đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm việc từ 7 đến 10 ngày từ lúc khi bắt đầu phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, bên cạnh đó thực hiện vệ sinh nhà cửa, trường học và vật dụng sinh hoạt bằng dung dịch sát khuẩn thông thường. Ngoài ra, nên tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi./.
Theo Thy Hạt/VOV.VN