Cập nhật: 23/04/2016 09:41:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ngày 22/4, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam, gia đình nhà thơ Ngân Giang phối hợp tổ chức kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ (1916-2016).

Tham dự sự kiện, đa số đại biểu ghi nhận nữ sỹ Ngân Giang là một hiện tượng lạ trong làng thơ Việt Nam. Bà làm thơ từ rất sớm (năm 6 tuổi), 9 tuổi đã có bài “Vịnh Kiều” đăng trên báo Đông Pháp. Năm 16 tuổi, bà ra mắt tập thơ đầu tay “Giọt lệ xuân.”

Nữ sỹ Ngân Giang được tôn vinh là “Nữ hoàng Đường thi Việt Nam” của thế kỷ 20. Trong gần 80 năm cầm bút, bên cạnh việc xuất bản 9 tập thơ, bà để lại 4.000 bài thơ.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Bích Hồng chia sẻ thời trẻ, Ngân Giang là cô gái Hà thành tài sắc vẹn toàn, song cuộc đời bà cũng lắm truân chuyên. Tập thơ “Tiếng vọng sông Ngân” là một dấu ấn lớn trong sự nghiệp thi ca của bà, đưa bà lên vị trí người được mến mộ nhất thi đàn Việt Nam...

Nhà văn Phùng Văn Khai cho rằng nữ sỹ Ngân Giang có cuộc đời đặc biệt, diệu kỳ, dù ở hoàn cảnh nào, khó khăn gian khổ đến mấy bà vẫn giữ trong mình vẹn nguyên tinh thần dân tộc. Cuộc đời làm thơ, cuộc đời cách mạng của nữ sỹ là tấm gương tiêu biểu của văn nghệ sỹ trước cảnh nước mất nhà tan vì giặc ngoại xâm. Tấm lòng của nữ sỹ khó nói hết thành lời nhưng qua thơ bà, người đọc cũng hiểu phần nào tấm lòng ấy.

Nữ sỹ Ngân Giang tên thật là Đỗ Thị Quế, sinh ngày 20/3/1916, trong một gia đình Nho học tại phố Hàng Trống (Hà Nội). Quê gốc của bà ở thôn Hướng Dương, xã Thắng Lợi, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội).

Tham gia cách mạng từ những năm 30 của thế kỷ trước, bà từng làm Trưởng đoàn phụ nữ thành Hoàng Diệu, là người tích cực hoạt động trong Tuần lễ Vàng ủng hộ kháng chiến.

Những năm kháng chiến chống Pháp, bà lên Việt Bắc rồi được biệt phái vào hoạt động nội thành đến ngày giải phóng Thủ đô.

Bà là cây bút thường xuyên của báo Phụ nữ thời đàm, Tri tân, Tiểu thuyết thứ 7...

Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam khóa đầu tiên, nữ sỹ Ngân Giang nổi tiếng trên diễn đàn văn học với các tập thơ “Trưng nữ vương,” “Tiếng vọng sông Ngân."

Bà đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng thơ năm 1946./.

Theo MỸ BÌNH (TTXVN/VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/nu-sy-ngan-giang-mot-hien-tuong-la-trong-lang-tho-viet-nam/382563.vnp

Tệp đính kèm