Cập nhật: 23/05/2016 09:44:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cơ thể người cao tuổi (NCT) thường có nhiều thay đổi so với người còn trẻ nên đã tạo các điều kiện thuận lợi cho những bệnh tật phát sinh và phát triển. Việc phòng bệnh và điều trị bệnh cần dựa trên các đặc điểm thay đổi của cơ thể và bệnh lý NCT để xử trí phù hợp.


Đặc điểm bệnh lý

Tình trạng già nua không phải là bệnh lý nhưng đây là cơ sở tạo điều kiện cho những loại bệnh tật phát sinh và phát triển. Tuổi cao thường bị giảm khả năng và hiệu lực các quá trình tự điều chỉnh thích nghi của cơ thể, giảm khả năng hấp thu và dự trữ các chất dinh dưỡng; đồng thời thường gặp phải những rối loạn chuyển hóa, giảm phản ứng của cơ thể, nhất là giảm sức tự vệ đối với các yếu tố gây bệnh như: nhiễm trùng, nhiễm độc, rối loạn stress... NCT là tính chất đa bệnh lý, nghĩa là NCT thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc. Trong đó có bệnh dễ phát hiện, dễ chẩn đoán nhưng cũng có nhiều bệnh khác xảy ra kín đáo, âm thầm, có khi nguy hiểm phải cần phải quan tâm để tránh bị bỏ sót. Vì vậy khi khám bệnh cần cẩn thận, tỉ mỉ, thăm khám toàn diện để có chẩn đoán hoàn chỉnh, xác định bệnh chính và bệnh phụ, bệnh cần xử trí trước và bệnh cần giải quyết sau.

Các triệu chứng bệnh lý ở NCT ít khi điển hình, do đó dễ làm sai lạc chẩn đoán và đánh giá tiên lượng. Bệnh ở NCT thường bắt đầu không ồ ạt, các dấu hiệu không rõ rệt cả về chủ quan lẫn khách quan; vì vậy việc phát hiện bệnh có thể chậm. Khi bệnh toàn phát, các triệu chứng cũng không rõ rệt như ở người trẻ, do đó việc chẩn đoán đôi khi khó, nhất là đối với người yếu sức, nhiều phương pháp thăm dò không thực hiện được. Mặc dù bệnh xuất hiện kín đáo, triệu chứng không rầm rộ và tiến triển chậm nhưng bệnh lý ở NCT sớm ảnh hưởng đến toàn thân, dẫn đến suy kiệt nhanh chóng và bệnh dễ chuyển thành nặng nếu không điều trị kịp thời. Việc tiên lượng bệnh cũng không bao giờ được chủ quan. Đồng thời khả năng hồi phục bệnh ở NCT thường kém. Do đặc điểm cơ thể NCT đã suy yếu, đồng thời có thể mắc nhiều bệnh cùng một lúc, trong đó có nhiều bệnh mạn tính nên sau khi đã qua giai đoạn cấp tính thường phục hồi rất chậm. Vì vậy, việc điều trị phải mất nhiều thời gian và sau đó cần có một giai đoạn an dưỡng hoặc điều dưỡng. Cùng với việc điều trị bệnh, nên chú ý đến việc phục hồi chức năng thích ứng, kiên trì và phù hợp với tâm lý, thể lực ở NCT.

Những bệnh thường gặp

Bệnh thường gặp ở NCT bao gồm nhiều loại khác nhau như: tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, thận và tiết niệu, nội tiết chuyển hóa, xương và khớp, máu và cơ quan tạo máu, tự miễn, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, ngoài da, tâm thần, thần kinh.

Bệnh tim mạch: thường gặp là cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch. Ngoài ra còn gặp các bệnh tâm phế mạn, rối loạn nhịp tim và dẫn truyền, suy tim, tắc nghẽn động mạch.

 

Bệnh hô hấp: thường gặp là viêm phế quản mạn tính, giãn phế nang, ung thư phổi.

Bệnh tiêu hóa: thường gặp là ung thư gan, xơ gan, viêm túi mật, viêm loét dạ dày - tá tràng, viêm đại tràng mạn tính, táo bón.

Bệnh thận và tiết niệu: thường gặp là viêm thận mạn tính, viêm bể thận mạn tính, sỏi tiết niệu, u tuyến xơ và ung thư tuyến tiền liệt, rối loạn tiểu tiện nhất là tiểu tiện không tự chủ.

Bệnh nội tiết chuyển hóa: thường gặp là đái tháo đường hay có biến chứng thận, suy tuyến giáp trạng, suy sinh dục, tăng chất cholesterol máu, tăng axít uric máu.

Bệnh xương và khớp: thường gặp là loãng xương, thoái hóa khớp, gút, gãy xương các loại do loãng xương, hội chứng vai - tay, bệnh Paget.

Bệnh máu và cơ quan tạo máu: thường gặp là thiếu máu do thiếu sắt, hội chứng tăng đông máu; thiếu máu do thiếu acxít folic hoặc vitamin B12; bệnh bạch cầu mạn tính và cấp tính, đau tủy xương, macroglobulin máu, bệnh ung thư hạch.

Bệnh tự miễn: thường gặp là những loại có tự kháng thể kháng globulin, tự kháng thể kháng nhân; tự kháng thể đặc hiệu kháng hồng cầu, kháng giáp trạng, kháng niêm mạc dạ dày. Ngoài ra ở NCT cũng thường gặp bệnh tự miễn dịch tiềm tàng.

Bệnh mắt: thường gặp là đục thủy tinh thể, thoái hóa võng mạc và mạch mạc, xơ cứng tiến triển các mạch võng mạc.

Bệnh tai mũi họng: thường gặp là giảm thích lực kiểu giác quan, thần kinh, chuyển hóa hoặc cơ học; rối loạn tiền đình; ung thư xoang hàm, xoang sàng, tai, amiđan, vòm mũi - họng.

Bệnh răng hàm mặt: thường gặp là u lành tính và u ác tính khoang miệng, viêm khớp thái dương - hàm.

Bệnh ngoài da: thường gặp là ngứa ở NCT, dày sừng ở NCT, u tuyến mồ hôi, rụng tóc, tổn thương tiền ung thư và ung thư hắc tố, ung thư biểu mô, teo niêm mạc sinh dục nhất là ở nữ giới.

Bệnh tâm thần: thường gặp hai loại chính là loạn tâm thần trước tuổi cao và loạn tâm thần khi cao tuổi. Trong loạn tâm thần trước tuổi cao, những biểu hiện bệnh lý hay được ghi nhận là trạng thái trầm cảm, hoang tưởng, loạn tâm thần ác tính, trạng thái tăng trương lực muộn. Trong loạn thần khi cao tuổi, những biểu hiện bệnh lý hay được ghi nhận là bệnh Alzheimer, thể nhớ bịa, thể mê sảng.

Bệnh thần kinh: thường gặp là rối loạn tuần hoàn não gồm các kiểu và mức độ, u trong sọ não, hội chứng ngoài bó tháp nhất là bệnh Parkinson, hội chứng rối loạn não Steele, run tự phát, rối loạn mạch máu tiểu não, u tiểu não, bệnh tủy sống có nguyên nhân mạch máu, viêm đa dây thần kinh, chèn ép dây thần kinh.

TTƯT.BS. NGUYỄN VÕ HINH

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm