Cập nhật: 04/06/2016 10:49:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đình làng Lưỡng Quán ở thôn Lưỡng Quán xã Trung Kiên, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc, cách thành phố Vĩnh Yên khoảng 20 km về phía Nam. Ngày 13/2/2004  Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã cấp bằng di tích lịch sử cấp tỉnh cho đình làng Lưỡng Quán.

Đình làng Lưỡng Quán thờ thành hoàng Thổ Giang Đại Vương và Vĩnh Hoa Công Chúa. Chuyện kể rằng, xưa có ông Thổ Giang, thân phụ của ông vốn là hậu duệ Hùng Vương làm Bộ chủ ở Hưng Hoá, tên huý là Duệ. Thân mẫu ở trang Hoằng Hoá, tổng Hưng Yên, châu Bảo Lạc, họ Vương, tên huý là Trọng. Năm ông Bộ chủ 56 tuổi và bà vợ đã ngoài 40 tuổi nhưng chưa có con. Sau đó ông bà đi cầu tự  và sinh được một cậu con trai rất kỳ lạ, hình dung khác thường: mày tằm, hàm én, đầu hổ, mắt rồng, sau lưng có 28 ngôi sao sáng như vẩy Kỳ Lân.

Năm cậu lên 3 tuổi, cha mẹ làm biểu dâng tâu lên vua, vua đặt tên là Thổ Giang. Năm lên 8 tuổi, trời đã phú cho tính thông minh, không ai dạy mà biết khuôn phép, chưa đi học mà đã biết văn chương. Tính ông rất thích bơi lội, ngụp lặn. Năm 18 tuổi thì kiêm tài văn võ, tiếng vang đến cả triều đình, bấy giờ thiên hạ có nạn đại hồng thuỷ, vua giao cho Thổ Giang đi tuần ở ấp Lưỡng Quán, đến đây thì nước sông dâng cao thành lũ lụt làm hại đường xá, nhà cửa của dân làng, Thổ Giang truyền cho nhân dân và binh lính chặt cây, đắp đất phòng ngự. Trị thuỷ thành công Thổ Giang lưu lại đất Lưỡng Quán hơn 3 tháng, tại Lưỡng Quán có một nhà họ Nguyễn có đất bãi ven sông và làm nghề trồng dâu, có một cô con gái xinh đẹp tên là Hoa Nương, không biết nói, không ăn cá tanh, chỉ thích trong sạch thơm tho. Đến năm 19 tuổi Hoa Nương ra Cung Sở chơi gặp Thổ Giang và các binh sĩ, Thổ Giang ngắm Hoa Nương rất lâu và nói với nhân dân rằng: Kiếp trước nàng là con vua Thuỷ, vốn là vợ ta. Hai người đã nhận ra nhau, đôi uyên ương sum họp một nhà, nhà vua phong cho Thổ Giang là Thổ Giang Đại Vương, Hoa Nương là Vĩnh Hoa Công Chúa, ở đây được mấy năm Thổ Giang đến cai quản ở Hưng Hoá.

Đến năm Canh Tý, thuyền rồng của Thổ Giang trở về bến Lưỡng Quán của sông Nhị Hà (sông Hồng). Bỗng thấy một trận cuồng phong, trời đất đen tối, trên sông có sóng to, gió lớn. Khi yên tĩnh có ba tiếng hô dữ tợn vang lên: “Triệu gấp vợ chồng trở về Thuỷ Quốc” nhân dân nghe thấy đều sợ hãi, trong chốc lát mưa ngừng bặt. Dân làng đến chỗ Cung Sở thì không thấy Hoa Nương và Thổ Giang đâu cả. Dân làng Lưỡng Quán chạy ra bến sông thấy thuyền rồng và binh sĩ còn dừng tại đó. Họ nói với mọi người rằng : “Tướng quân cùng phu nhân đương lúc mưa tối tăm thì cùng xuống thuyền rồng rồi hoá”. Dân Lưỡng Quán mau chóng trở về Cung Sở tế tự phụng thờ vào ngày 18-11.

Cho đến ngày nay nhân dân Lưỡng Quán vẫn thờ Thổ Giang và Hoa Nương, cứ mỗi độ xuân về vào ngày 10-1 hàng năm nhân dân ở đây mở hội cúng tế Thần, vui xuân đầu năm, với các trò chơi truyền thống như: Cờ người, đập nồi, kéo co, đấu vật...làm tưng bừng khí thế của ngày hội.

Đình làng Lưỡng Quán xây dựng vào năm nào không rõ, không có tài liệu nào ghi chép. Nhân dân chỉ nhớ rằng đình Lưỡng Quán đã có lịch sử 300 năm. Do ảnh hưởng sự sụt lở của dòng sông Hồng và tác động của thiên nhiên, Đình làng Lưỡng Quán được xây dựng ở nhiều vị trí khác nhau. Lúc xây dựng đình Lưỡng Quán dân còn ít lại nghèo nên được các địa phương khác giúp đỡ trong đó có dân Thổ Tang nhờ vậy Đnh Lưỡng Quán to hơn và đẹp hơn các đình làng khác xây dựng trước đó. Theo sử sách ghi lại, trước kia đình có kiến trúc 7 gian  theo kiểu  chữ Nhất, do có chiến tranh nên đình đã bị đốt vào 7-1949. Năm 1991 đình được xây dựng lại trên nền đất của ngôi trường học cũ, với kiến trúc gồm 7 gian Đại Bái và 3 gian Hậu Cung hình chữ Đinh. Lần trùng tu gần đây nhất vào năm 2006 với tổng đầu tư gần 1 tỷ đồng nên đình  đẹp và khang trang như ngày nay. Tam Quan của ngôi đình với kiến trúc 2 tầng 3 cửa, trong tầng hai của cổng có treo một chiếc trống và một quả chuông, dáng cổng cao to và rộng tạo thế cho cả khuôn viên đình. Đình nằm trong khuôn viên rộng 1.900 m2, sân đình phục vụ cho những ngày lễ hội, hai bên sân là 2 nhà bia, nhà bia bên trái ghi lịch sử đình, nhà bia bên phải lưu danh công đức xây dựng đình, bố trí đăng đối hài hoà với nhau. Mặt tiền sảnh của đình là toàn bộ cánh cửa làm bằng gỗ được trạm trổ rất tinh xảo . Mái đình lợp ngói mũi hài hai lớp âm dương hoà hợp, các đầu đao của mái đình cong vút tạo cho mái khoẻ hơn theo hướng đi lên. Đại Bái rộng 7 gian có ban thờ Công Đồng với đầy đủ 5 yếu tố ngũ hành kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ. .Bên trong là 3 gian Hậu Cung được sơn son thiếp vàng rất đẹp, công phu.

Toàn bộ di vật của đình Lưỡng Quán có giá trị văn  hoá cao như: án giang, kiệu, cuốn thư, lư hương, choé xứ. Đây là những tác phẩm nghệ thuật cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn.

Đình làng Lưỡng Quán đã cung cấp nhiều  tư liệu quý cho việc nghiên cứu thời đại Hùng Vương. Chắc chắn trong tương lai không xa đình làng Lưỡng Quán sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách./.

ST

Tệp đính kèm