Để ứng phó với bão số 3 (tên quốc tế là bão Thần Sét), chiều 17/8, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai (PCTT) đã tổ chức họp dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai
họp ứng phó với cơn bão số 3. Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương Bão số 3 di chuyển chậm, tốc độ 10-15 km/h, hoàn lưu bão rộng với bán kính 200 km, nhiều khả năng bão vào vịnh Bắc Bộ mạnh lên.
Khi bão số 3 đổ bộ vào Việt Nam, gió từ cấp 10 đến cấp 11, gió giật cấp 12 đến cấp 14. Vùng ảnh hưởng của báo số 3 từ Quảng Ninh - Nghệ An có gió mạnh cấp 6 trở lên. Ngày 19/8, bão vào bờ, vùng Đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa, Nghệ An có gió mạnh cấp 6 cấp 8, giật cấp 9 đến cấp 11.
Bão số 3 khi đổ bộ vào Việt Nam có khả năng gây mưa lớn diện rộng (trọng điểm của mưa lớn phụ thuộc vào đường đi của bão sau khi vào đất liền) với lượng mưa 200-300 mm. Mưa lớn cũng có thể xảy ra ở địa bàn tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Nguy cơ cao gây lũ quét, sạt lở đất xảy ra đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ, đồng thời tại những vùng thấp trũng sẽ bị ngập úng ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
Ông Trần Quang Hoài, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi nhận định: Bão đổ bộ đúng thời điểm triều cường gây nguy hiểm cho hệ thống đê điều ven biển. Hiện có 6.500 tàu thuyền, 35.000 phương tiện tàu bè cần có thông tin hướng dẫn để tránh trú hoặc vào bờ.
Theo thống kê của Tổng cục Thủy lợi, hiện nay có 72 hồ chứa trong diện nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực từ bão số 3. Trong đó có 20 hồ chứa đạt dung tích 100% đang xả tràn, 13 hồ xung yếu. Các hồ thủy điện đang ở mực nước thấp, nếu mưa lớn các hồ này có thể tích được lượng nước 1,8 tỉ m3. Lúa đang ở giai đoạn đẻ nhánh, nếu không chủ động đối phó sẽ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định: “Bão vào khả năng gây mưa lớn ở khu vực các tỉnh từ Bắc Trung Bộ trở ra trong khi nền đất bị bão hòa, ngậm nước nhiều. Đồng thời bão vào khi triều cường lớn, nếu xảy ra mưa lớn thì khả năng tác hại tất lớn nếu công tác chuẩn bị ứng phó không khẩn trương tích cực".
Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT yêu cầu Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương liên tục tăng tần suất tin dự báo, cảnh báo kịp thời. Lực lượng cứu hộ, cứu nạn, công an, bộ đội biên phòng hướng dẫn tàu thuyền, sơ tán dân vào nơi trú tránh an toàn.
Ủy ban PCTT các tỉnh khẩn trưởng kiểm tra các phương án phòng chống bão, giảm thiểu nguy cơ thiệt tới tính mạng tài sản của người dân và Nhà nước. Từ Quảng Trị trở ra Bắc sẽ cấm biển từ ngày 18/8. An toàn đê, hồ, đập, đê kè để đảm bảo an toàn các công trình, riêng sản xuất nông nghiệp phải chủ động tiêu nước đệm, kiểm tra hệ thống thủy lợi để phòng ngập úng. Chuẩn bị lực lượng có giải pháp kỹ thuật, nguồn giống để khôi phục sản xuất. Đối với Bộ Công Thương cần chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam các phương án để đảm bảo nguồn điện phục vụ sản xuất.
Đỗ Hương
Theo chinhphu.vn