Cập nhật: 15/09/2016 09:27:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Cát Đằng là một làng nghề sơn mài nổi tiếng có bề dày lịch sử lâu đời do hai ông Ngô Dũng và Đinh Ba (từng làm quan trong triều thời vua Đinh) đến làng ở và truyền dạy từ thế kỷ XI. Vô số sản phẩm của Cát Đằng đã được dùng để trang trí nội ngoại thất trong các lăng tẩm, cung đình ở Huế, Hà Nội. Không chỉ có vậy, Cát Đằng còn là cái nôi của nghề nứa ghép độc đáo có một không hai tại Việt Nam.

Như bao làng nghề truyền thống khác, làng sơn mài Cát Đằng cũng đã trải qua bao nỗi thăng trầm của nghề thủ công, và trong sự thăng trầm đó, tài năng và tính sáng tạo của những người thợ Cát Đằng đã được thể hiện. Thay cho việc sơn mài trên chất liệu gỗ, người Cát Đằng đã sáng tạo thêm những sản phẩm từ nứa ghép để sơn mài. So với gỗ, loại mặt hàng này vừa nhẹ, giá rẻ hơn, chất lượng đảm bảo, thu hút được nhiều khách hàng và chủ yếu để xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Tất nhiên, để có được sản phẩm nứa ghép "thành danh" như thế cũng không phải đơn giản. Ngay từ việc chọn mua nứa, người thợ cũng phải chọn những cây nứa bánh tẻ, không quá non cũng không quá già, nứa này phải được ngâm dưới nước ít nhất là 6 tháng để sản phẩm sau này không bị mối mọt, có độ bền lâu. Sau đó, đến khâu pha nứa, pha nan, vót và đánh bóng nan để rồi uốn nan chặt theo hình khuôn của sản phẩm, quết một lớp keo được pha với bột đá sao cho không còn kẽ hở giữa các vòng nứa trước khi phơi khô và đem mài đến khi sản phẩm nhẵn bóng và đạt được độ dầy cần thiết .

 

Trang trí cho sản phẩm là cả một nghệ thuật được những người thợ Cát Đằng thực hiện một cách hoàn hảo. Đó là nghệ thuật “chơi” với sơn để tạo ra các loại họa tiết hay màu sắc trang trí khác nhau. Đến đây coi như khâu sơ chế thô đã hoàn thành. Chất liệu sơn được sử dụng chủ yếu là sơn PU, một số cơ sở lại thiên về sử dụng sơn tự nhiên như sơn ta, sơn điều... Theo như nhiều nghệ nhân trong làng, thì khâu pha chế và phun sơn là khó nhất. Bí quyết của làng nghề cũng chính ở công đoạn này.Đã có nhiều người ở nơi khác đến Cát Đằng học nghề nhưng dù có cùng công thức pha chế thì nước sơn của họ cũng khó có thể so sánh với nước sơn của thợ Cát Đằng. Đặc biệt người thợ Cát Đằng có phương pháp xử lý rất tốt trong trường hợp sản phẩm vừa được phun sơn bỗng gặp trời mưa để sơn không bị bay mất màu trong khi ở các nơi khác đành phải chờ nắng rồi đem sơn lại. Nhiều nghệ nhân của làng đã ra các tỉnh ngoài để làm và mở các lớp dạy nghề sơn mài ở khắp nơi. Dù đi đâu, họ cũng sớm khẳng định sự tài hoa, khéo léo của nghệ nhân Cát Đằng.

 

Đến Cát Đằng hôm nay, điều cảm nhận đầu tiên là khung cảnh tấp nập của không chỉ những người thợ Cát Đằng đang đắm mình vào các sản phẩm mà còn là những đoàn xe nối đuôi nhau đưa hàng của Cát Đằng đến với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, những xe container xếp đầy hàng xuất đi các quốc gia trên thế giới – và đó đây là những nét mặt rạng ngời của khách hàng nước ngoài tỏ lòng thán phục và mãn nguyện khi có cơ hội được đưa các sản phẩm mang tên Cát Đằng về đất nước của mình. Một Cát Đằng của Việt Nam còn mãi đậm sâu trong lòng bạn bè quốc tế ./.

 

ST

Tệp đính kèm