Các chuyên gia dự hội thảo “Di sản văn hóa cung đình thời Nguyễn - Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy” ngày 16/9 tại TP. Huế đánh giá cao quy mô, tầm vóc và giá trị to lớn của các di sản văn hóa triều Nguyễn cũng như công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong những năm qua.
Du khách tham quan Cố đô Huế. Ảnh: VGP/Thế Phong
TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết sau năm 1975 toàn bộ khu vực Tử Cấm Thành gần như bị xóa sổ. Khu vực Hoàng Thành chỉ còn lại 62 công trình so với 136 công trình kiến trúc lúc nguyên thủy. Khu vực kinh thành còn 97 công trình trong tình trạng hư hỏng nặng. Các lăng tẩm hầu hết đều bị hư hỏng ở những mức độ khác nhau, hoặc bị dột nát, có nguy cơ đổ sụp vào bất kỳ lúc nào.
Nhờ sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự nỗ lực của chính quyền địa phương, đến nay đã có khoảng 130 công trình di tích lớn nhỏ đã được đầu tư trùng tu, bảo tồn. Tổng kinh phí trùng tu di tích đã thực hiện vào khoảng gần 1.200 tỷ đồng.
GS.TS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam khẳng định, không nơi nào trên đất nước ta như ở Huế còn giữ lại một quần thể di tích đền đài, cung điện thành quách, lăng tẩm… khá hoàn chỉnh về mặt quy hoạch, cùng với nó là một khối lượng đồ sộ, phong phú đa dạng về tư liệu phản ánh đời sống, nghi lễ cung đình, sinh hoạt nơi cung cấm. Cái đẹp của kiến thúc Huế là sự mực thước trong kết cấu sự tinh tế trong từng chi tiết trang trí mỹ thuật ở đỉnh cao, sự hài hòa giữa công trình kiến trúc và môi trường cảnh quan thiên nhiên.
Trong một khu di sản - quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO ghi danh 5 danh hiệu cao quý: Di sản Văn hóa thế giới (1993), Nhã nhạc cung đình Huế (2003) và 3 Di sản Tư liệu thế giới, gồm Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014) và Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016).
Với sự nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên-Huế, hàng trăm di tích quan trọng trong khu vực di tích Huế đã được đầu tư tu bổ, phục hồi đã góp phần làm cho diện mạo của di sản văn hóa Cố đô Huế dần hiện lên rõ nét.
Với quan điểm duy trì sự hài hòa, cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng Huế là nơi lưu giữ một khối lượng di sản di kiến trúc đồ sộ, mang những giá trị nổi bật toàn cầu, nơi đáp ứng mọi tiêu chuẩn cao nhất được UNESCO đề ra cho một khu di sản thế giới. Do vậy, xây dựng quan điểm về bảo tồn di sản Huế cần xuất phát từ những kiến nghị, nguyên tắc và giải pháp khoa học trong khuôn khổ pháp lý chung mang tính quốc tế liên quan tới di sản thế giới.
Đối với công tác trùng tu di tích Huế, kiến trúc sư Mitsuhiko Nakamura (Nhật Bản) cho rằng trong quá trình tái sinh, bảo tồn di tích Huế, trước hết và quan trọng nhất đó là tính nguyên bản, chú trọng tính hợp tác quốc tế trong bảo tồn. “Phải cân nhắc, tìm ra sự hài hòa, dung hòa làm sao cho cái mới và cái cũ không khác nhau, trong đó cần đáp ứng được những tiêu chí về màu sắc, độ cao, hình dáng để tìm ra những giải pháp xây dựng mà kiến trúc mới không làm lu mờ đi những kiến trúc cũ”, kiến trúc sư Mitsuhiko Nakamura nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế Nguyễn Văn Cao cho biết các di sản văn hóa tại Huế là những tài sản quốc gia đặc biệt giá trị mà nhân dân Huế vinh dự được giữ gìn, đây cũng là trách nhiệm nặng nề để không ngừng bảo tồn bền vững và phát huy có hiệu quả các di sản cho các thế hệ tương lai. Ý kiến các chuyên gia là cơ sở để Huế tiếp tục có những chính sách, chiến lược mới để bảo tồn, gìn giữ và phát huy tài nguyên văn hóa phong phú và độc đáo của Cố đô Huế thời gian tới.
Thế Phong
Theo baochinhphu.vn