Cập nhật: 21/09/2016 09:21:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đến  khu du lịch Đồ Sơn xinh đẹp, du khách  có dịp tìm hiểu về tháp và chùa Tường Long. Cùng  với chùa Hang, đình Ngọc Xuyên, suối Rồng...  quần thể di tích chùa, tháp Tường Long  góp phần làm phong phú di sản văn hóa phục vụ khách du lịch  bốn phương mỗi khi về thăm Hải Phòng lộng gió

Theo tư liệu  Bách khoa địa danh Hải Phòng, tháp Tường Long xây từ thời Lý Thánh Tông bằng gạch và đá có kích thước khác nhau. Công trình kiến trúc  Phật giáo này dựng trên bãi đất rộng khoảng 2000 mét vuông, thuộc địa phận phường Vạn Sơn. Bốn góc tháp đều nghiêng vào tâm 19 độ. Lòng tháp rỗng và là nơi đặt tượng A Di Đà. Ngoài loại gạch xây, còn có loại gạch ốp ngoài vỏ tháp với nghệ thuật trang trí độc đáo như hoa sen, hoa cúc, hoa chanh, biểu hiện nghệ thuật điển hình thời Lý

Tháp Tường Long đã được sách “Đại Nam thống nhất chí” ghi: “Tháp cũ Đồ Sơn ở xã Đồ Sơn, huyện Nghi Dương cao 100 thước. Còn “Việt sử lược” ghi: “Năm Mậu Tuất, niên hiệu Long Thụy Thái Bình 5 ( 1058), mùa thu, tháng 9, vua ngự ra cửa biển Ba Lộ, nhân đó ngự ra chỗ xây tháp ở Đồ Sơn. Năm sau, vua Lý Thánh Tông thấy rồng vàng hiện ra ở điện Trường Xuân. Nhân đó, vua ban cho tháp này tên hiệu là tháp Tường Long, ý  muốn ghi lại một điềm lành”. Năm Gia Long 3 ( 1804), tháp bị phá dỡ để  lấy gạch xây thành.

Chùa Tường Long được xây dựng từ năm 1990 trên nền tháp Tường Long. Hương cống triều Hậu Lê là Miễn Trai Hoàng Văn Hoàn biệt hiệu Hiếu tử - người Đồ Sơn có bài “Tháp Sơn hoài cổ” ( nghĩa là Núi Tháp nhớ xưa) trong tập “ Đồ Sơn bát vịnh” ghi lại tâm trạng của ông trước cảnh chuông rơi, tháp đổ:

Tháp Sơn hoài cổ

 Cổ tháp di khư loạn thảo đôi

 Dục vương khứ hậu ủy nhân đồi

  Thiên quân bảo khí minh lưu thủy

 Cửu cấp phù đồ hóa kiếp hôi

 Tiểu tử ỷ kha miên thạch đắng

 Mục nhi khu độc hạ sơn ngôi

 Đăng cao dục hội sơn tăng giảng

 Hà xứ chung thanh khấu nhất hồi”

 Tạm dịch:

 Tháp cổ trơ nền đám cỏ vùi

Dục Vương đi khỏi bỏ hoang thôi

Ngàn quân vật báu reo dòng nước

 Chín đợt phù đồ hóa kiếp đôi

 Chống  búa anh tiều ngơi dốc đá

Đuổi trâu chú mục xuống lưng đồi

Lên cao muốn gặp sư đàm đạo

 Nghe tiếng chuông đâu điểm một hồi”

 Thơ cũ có câu:

 “ Lý gia truyền được mấy đời

 Chùa tan, tháp đổ chuông  rơi nò Hầu”

 “ Chuông” ở câu ca này nói về chuông chùa Vân Bản- Đồ Sơn đúc năm Bính Thìn thời Lý, sau rơi xuống biển. Năm 1957, ngư dân Đồ Sơn kéo lưới phát hiện được chuông, hiện bảo quản tại Bảo tàng lịch sử Viẹt nam. Bài văn khắc trên chuông còn đọc được./.

 

ST

Tệp đính kèm