Cập nhật: 23/09/2016 10:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trẻ em là thế hệ măng non, là những chủ nhân tương lai của đất nước, hơn ai hết, các em cần được sự quan tâm, chăm sóc và tạo những điều kiện tốt nhất để đảm bảo cho sự phát triển toàn diện. Thế nhưng, con đường đến trường của các trẻ mầm non tại xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường - một xã đồng bằng nằm cách trung tâm TP Vĩnh Yên chỉ chừng hơn 10km - thì còn nhiều gian nan, vất vả.

Hàng ngày, các con phải học tập, vui chơi tại những căn nhà cấp 4 chật chội, sập xệ, dột nát, được tận dụng lại từ nhà kho của HTX, có lớp học được thuê lại của nhà dân; cơ sở vật chất tạm bợ, trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi thiếu thốn mọi bề; thậm chí do lớp học chật quá, các cô giáo còn phải tổ chức cho các con học cả ở ngoài sân. Một ngôi trường mầm non khang trang, sạch đẹp đang là mong mỏi cũng là nhu cầu cấp bách của người dân xã Yên Lập hiện nay.

Thiếu phòng học, các cô và trò trường mầm non Yên Lập  phải tổ chức nhiều tiết học ngoài sân

Yên Lập là một xã nằm ở phía Bắc huyện Vĩnh Tường, dân cư đông đúc, hàng năm số trẻ ra lớp khá cao. Tuy nhiên, đến nay địa phương vẫn chưa xây dựng trường mầm non trung tâm, tất cả vẫn chỉ là các phòng học tạm bợ ở các khu lẻ. Do cơ sở vật chất thiếu thốn cho nên đến nay địa phương chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ từ 3 tuổi trở nên, chưa có lớp nhà trẻ cho các cháu.  

Có mặt tại các điểm trường mầm non xã Yên Lập khi chứng kiến cảnh cô và trò phải kê bàn ghế ra ngoài sân trường để học, phóng viên chúng tôi mới thấy hiểu được nỗi vất vả của cô và trò nơi đây. Một phòng học với khoảng 40m vuông mà có đến 70 trẻ của 2 nhóm lớp ghép vào. Vào giờ học tập các cô phải tổ chức lớp theo mô hình lớp trong, lớp ngoài (một lớp ngoài sân, một lớp trong phòng). Vào những ngày nắng nóng hay mưa bão, gió rét không thể chia lớp thì diện tích trong phòng quá nhỏ mà số trẻ lại đông cho nên việc học tập, vui chơi của các em rất khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục và chăm sóc trẻ.

Cô Khổng Thị Thanh Thủy, Phó hiệu trưởng Trường mầm non Yên Lập chia sẻ : “Trường mầm non Yên Lập là một trong những cơ sở giáo dục đang trong tình trạng rất khó khăn do thiếu phòng học. Do chưa xây dựng được khu trung tâm nên nhiều năm nay toàn bộ giáo viên và học sinh phải phân tán ở 3 điểm thuộc các thôn Phủ Yên, Bến Cả và Đồi Me. Cả 3 khu đều có khuôn viên nhỏ, sân chơi bãi tập chật hẹp; thiếu nhà điều hành nên Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng, kế toán, văn thư đều ngồi làm việc chung trong một căn phòng chỉ khoảng 20m2; các phòng chức năng, khu vui chơi ngoài trời cho trẻ hầu như không có. Năm học này, nhà trường có 447 học sinh với 15 nhóm lớp, tuy nhiên ở cả 3 khu chỉ có 8 phòng học và 2 phòng thuê ở nhà dân. Do vậy, một số lớp nhà trường đã phải dồn 2 nhóm lớp vào 1 phòng kiến cho số trẻ lên đến gần 70 trẻ/ phòng. Không chỉ vậy, trong số 8 phòng học ở cả 3 khu thì chỉ có 4 phòng học là thuộc sở hữu của trường, 4 phòng học còn lại thì 2 phòng ở khu Phủ Yên, nhà trường mượn tạm hợp tác xã cũ của địa phương xây dựng từ những năm 1970 , 2 phòng học tại thôn Bến Cả mượn của Trường tiểu học Yên Lập. 100% các phòng học chỉ là phòng học bán kiên cố, nhiều hạng mục đã bị xuống cấp, không đảm bảo cho các hoạt động của nhà trường”.


 Các phòng học được tận dụng từ nhà kho của HTX cũ đã xuống cấp nghiêm trọng

Điểm trường tại thôn Phủ Yên là điểm khó khăn nhất của trường mầm non xã Yên Lập. Tại điểm trường này có hơn 200 học sinh với 5 phòng học, trong đó có 1 phòng thuê ở nhà dân, 2 phòng là hợp tác xã cũ của địa phương đã xuống cấp nghiêm trọng. Xung quanh điểm trường đều là ao hồ và người dân sinh sống nên môi trường rất ô nhiễm do nước thải chăn nuôi, sinh hoạt của người dân đều chảy ra hồ. Vào mùa mưa hay những ngày nắng nóng nước từ hồ bốc lên rất khó chịu, ruồi, muỗi nhiều, điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của trẻ. Trước thực trạng về cơ sở vật chất khó khăn, xuống cấp như vậy đã gây tâm lý lo lắng cho rất nhiều phụ huynh có con em học tại đây. Ông Đào Văn Tứ, Thôn Phủ Yên 1 chia sẻ: “Gia đình tôi có 3 cháu hiện đang học tại điểm trường ở thôn Phủ Yên. Với cơ sở vật chất xuống cấp và môi trường ô nhiễm như vậy chúng tôi rất lo lắng, không yên tâm khi cho cháu đi học. Nhưng cũng không còn cách nào vì đến tuổi vẫn phải cho các cháu đi, muốn đi gửi tư thì đường rất xa mà gia đình cũng không có điều kiện để cho các cháu theo. Giờ chúng tôi chỉ mong muốn địa phương sẽ có một ngôi trường khang trang cho con cháu học tập và vui chơi thôi”.

Giải đáp về những khó khăn này Ông Phùng Thành Công, Chủ tịch UBND xã Yên Lập cho biết: “Để khắc phục tình trạng thiếu phòng học, năm học này địa phương đã bố trí ngân sách để thuê 2 nhà dân làm 2 phòng học tạm để đáp ứng đủ nhu cầu được ra lớp của các cháu 3 tuổi. Đồng thời, tham mưu, đề nghị với UBND huyện bố trí giáo viên cho nhà trường để đảm bảo việc chăm sóc và giáo dục trẻ. Riêng đối với công trình trường mầm non trung tâm xã, hiện nay, công trình đã được tỉnh phê duyệt đầu tư 2 dãy nhà lớp học 2 tầng với 18 phòng học với tổng nguồn vốn đầu tư trên 20 tỷ đồng, để đáp ứng tốt nhu cầu học tập của các cháu trong độ tuổi mầm non, mẫu giáo. Theo kế hoạch công trình sẽ được triển khai xây dựng và hoàn thành trong giai đoạn từ năm 2016 – 2017”.

Trước những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, chính quyền địa phương và người dân xã Yên Lập mong muốn tỉnh quan tâm đẩy nhanh kế hoạch triển khai thi công Công trình Trường mầm non xã để con em của địa phương được học tập và vui chơi trong một ngôi trường khang trang, sạch đẹp, đáp ứng tốt nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ./.

Bài, ảnh: Thu Hoài

 

 

Tệp đính kèm