Cập nhật: 09/10/2016 09:47:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bệnh u gan là một bệnh có thể gặp trong cộng đồng, đa số không nguy hiểm nhưng có một số có thể đe dọa đến tính mạng...

Ung thư gan thường ít có biểu hiện đặc trưng ở giai đoạn đầu của bệnh.

Bệnh u gan là một bệnh có thể gặp trong cộng đồng, đa số không nguy hiểm nhưng có một số có thể đe dọa đến tính mạng, thậm chí gây tử vong. Đối với u gan lành tính, hầu hết người bệnh không thấy có biểu hiện gì, ngoại trừ u gan do sán lá gan hoặc do lỵ amip. Với u gan ác tính thường ít có biểu hiện gì đặc trưng ở giai đoạn đầu của bệnh, vì vậy hầu hết người bệnh không cảm nhận được, chỉ đến khi thấy đau hạ sườn phải hoặc các biểu hiện mệt mỏi, sút cân, chán ăn, vàng mắt, vàng da, bụng trướng, phù... thì bệnh đã ở vào giai đoạn cuối. Vì vậy, việc chẩn đoán bệnh để được tư vấn và điều trị sớm là vô cùng quan trọng.

Tầm quan trọng của gan đối với cơ thể

Gan là cơ quan đầu tiên, kiểm soát, tiếp nhận các chất dinh dưỡng và độc tố khác nhau được hấp thụ từ hệ thống tiêu hóa cho nên gan trở thành “nhà máy lọc máu” chính và quan trọng nhất của cơ thể. Gan còn làm nhiệm vụ chế biến, tích lũy và điều hòa việc cung cấp năng lượng cho cơ thể vào những khi bị thiếu hụt. Gan có khả năng cân bằng hàm lượng các chất đường, đạm, mỡ và cholesterol, triglycerid trong cơ thể. Gan còn làm nhiệm vụ thanh lọc chất độc và đào thải chúng qua hệ tiết niệu và hệ tiêu hóa. Do gan là cơ quan “đứng mũi chịu sào”cho nên các chất độc hại, vi sinh vật gây bệnh hoặc tế bào ung thư từ nhiều cơ quan và bộ phận khác có thể lan sang gan (di căn) một cách dễ dàng và gây bệnh cho gan (gọi khối u ác tính).

Nguyên nhân gây u gan

U gan có hai loại chính, đó là u lành tính và u ác tính. Bệnh u gan lành tính có nhiều loại khác nhau (u máu, u tuyến, u giang mai, hoặc u nang gan), trong đó u nang gan hay gặp nhất. Gọi là nang gan khi tồn tại một ổ trống có thể chứa dịch, máu hoặc không chứa gì và nằm trong tổ chức gan. Nguyên nhân gây nên u gan còn có thể do nhiễm ký sinh trùng sán lá gan hoặc áp-xe gan do vi khuẩn hoặc do lỵ amíp (nếu không điều trị kịp thời có thể bị vỡ rất nguy hiểm) hoặc nhiễm vi khuẩn lao (nang lao) hoặc do nguyên nhân di truyền, bẩm sinh. Đa số chỉ có 1 đến 2 nang, vị trí chủ yếu ở thùy gan phải, kích thước thường nhỏ hơn 40mm. Một số ít nang gan có thể có kích thước rất lớn và chứa tới 1 - 2 lít dịch, nang nước có thể bị vỡ khi có va chạm...

Đối với u gan ác tính thường do nguyên phát là chủ yếu bởi viêm gan virut (A, B, C, D, E), hoặc có thể do uống quá nhiều bia rượu làm xơ gan, cuối cùng là ung thư gan hoặc do ung thư ở cơ quan khác di căn đến gan hoặc có thể do bẩm sinh. U gan có thể do dùng một số thuốc không đúng chỉ định hoặc lạm dụng thuốc (ví dụ lạm dụng thuốc có chứa paracetamol...) hoặc do tiếp xúc nhiều với một số hóa chất độc hại (hóa chất diệt côn trùng, bảo quản thực vật, thực phẩm, thuốc kích thích tăng trưởng thực vật...).

Biểu hiện của u gan

Đối với u gan lành tính, hầu hết người bệnh không thấy có biểu hiện gì, ngoại trừ u gan do sán lá gan hoặc do lỵ amíp. Với các bệnh này có thể đau tức vùng gan (hạ sườn phải), sốt, rét run, nếu có biến chứng do vỡ hoặc tràn vào cơ quan khác (cơ hoành, màng phổi...), triệu chứng sẽ rầm rộ hơn.

U gan ác tính thường ít có biểu hiện đặc trưng ở giai đoạn đầu của bệnh,  vì vậy, hầu hết người bệnh không cảm nhận được, chỉ đến khi thấy đau hạ sườn phải (vùng gan) hoặc các biểu hiện mệt mỏi, sút cân, chán ăn, vàng mắt, vàng da, bụng trướng, phù... do bệnh đã ở vào giai đoạn cuối.

Muốn biết bệnh u gan, cần siêu âm gan, xét nghiệm chức năng gan (men gan), khi cần thiết có thể chụp cắt lớp vi tính (CT), chụp cộng hưởng từ (MRI) gan. Nếu có điều kiện có thể chọc gan để thăm dò (áp-xe), sinh thiết gan (nghi u ác tính) để xét nghiệm tế bào.

Khi bị u gan nên làm gì?

Người bệnh khi được phát hiện là u gan, trước hết hãy thật bình tĩnh và nghe bác sĩ khám bệnh cho mình giải thích, tư vấn, nếu do áp-xe gan hoặc do sán lá gan cần điều trị sớm, nếu u gan lành tính, người bệnh không phải điều trị gì nhưng cần kiểm tra định kỳ. Với u gan ác tính, cần được điều trị (phẫu thuật, hóa trị...) tích cực càng sớm càng tốt.

PGS.TS.BS. Bùi Khắc Hậu

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm