Hương Canh có tên nôm là làng Cánh, ấy là từ tên sản vật ở đây mà gọi thành tên làng. Chẳng biết nguồn gốc của loại lúa này có tự bao giờ nhưng từ ngàn xưa đã được ghi lại trong những thư tịch cổ;
Sách “Đồng Khánh Địa Dư Chí” quốc sử quán triều Nguyễn soạn năm 1886. Phần về tỉnh Sơn Tây trang 4a có viết;
Phiên âm chữ Hán:
….安朗縣香粳玉粳先秔之白米玻佳..
…An lãng huyện Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Hường. chi bạch mễ phả giai”
Tạm dịch: Các xã Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Hường của huyện Yên Lãng có giống lúa trắng, ngon lắm
Trong phần chi tiết về huyện Yên Lãng, có đoạn:
Đồng Khánh địa dư chí- trang 72b
Phiên âm chữ Hán: Duy Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Hường, chi bạch mễ Đạm Xuyên chi hiện phả gia.
Sản vật không có gì đặc sắc chỉ có làng Hương Canh, Ngọc Canh, Tiên Hường( chữ này sách in lại viết sai thành Hàng) có giống lúa trắng, Đạm Xuyên có giống lúa kén ăn ngon lắm.
Lúa gié cánh được cấy trên các dàn ruộng cao hơn, do sinh trưởng ít ngày nên thường chín sớm hơn lúa tám thơm từ 10 đến 15 ngày. Hạt lúa gié cánh vỏ mỏng nhẵn, màu sáng; sau khi phơi khô quạt sạch đổ bồ, hạt thóc vẫn lưu lại trên đầu hai mảnh đài hoa lúa nhỏ xíu trông giống hai cánh con chim cánh cụt. Vì thế mới có tên gọi là gié cánh. Gạo gié cánh hạt dài, vỏ cám mỏng nên xay giã rất nhanh đạt đến độ trắng bóng. Gạo gié cánh nấu cơm rất chóng chín nên mới có câu: “Cơm gạo gié hé nắng đã chín”. Cơm gạo gié cánh rất dẻo và thơm, ngon; cơm nguội hôm trước để đến hôm sau vẫn dẻo, mềm.
Lúa tám thơm cao cây nên thường cấy vào các dàn ruộng thấp hơn vì cần có đủ nước trong quá trình sinh trưởng. Hạt lúa tám thơm có mầu sẫm và ráp; đầu hạt lúa có râu cứng, dài gấp hai ba lần chiều dài hạt lúa do nhị cái lưu lại mà thành; vì thế cũng còn gọi là lúa tám râu hoặc tám soan. “Tiếc thay hạt gạo tám soan, thổi nổi đồng điếu lại chan nước cà”. Cơm gạo tám thơm rất thơm và dẻo, nấu bằng nồi đất, vùi trong bếp hồng than rơm rạ thì đến miếng cháy cơm đáy nồi cũng rất thơm ngon không tả nổi!
ST