Vi khuẩn Helicobacter Pylory (HP) sống được trong môi trường axit ở dạ dày vì nó là vi khuẩn trong quá trình sinh sống đòi hỏi ôxy ở mức độ rất thấp. Người là ký chủ thường nhất của HP.
Vi khuẩn HP gây loét dạ dày.
Vi khuẩn Helicobacter Pylory (HP) sống được trong môi trường axit ở dạ dày vì nó là vi khuẩn trong quá trình sinh sống đòi hỏi ôxy ở mức độ rất thấp. Người là ký chủ thường nhất của HP. Các chất catalase, protease, ngoại độc tố do HP sản xuất ra gây bệnh cho niêm mạc dạ dày và nếu không được điều trị triệt để sẽ có những biến chứng bất lợi cho sức khỏe con người.
Các kháng sinh diệt HP
Có nhiều kháng sinh đã được nghiên cứu và sử dụng trong điều trị diệt HP, tuy nhiên hiện nay, một số thuốc được khuyến cáo cân nhắc sử dụng cho một liệu trình đầu tay.
Amoxicilline: thuộc nhóm beta - lactamin, thuốc nhạy với HP in vitro. Hoạt tính của thuốc phụ thuộc pH dịch vị. Trong nhiều nghiên cứu, amoxicilline được sử dụng trong các phác đồ diệt HP và cho hiệu quả cao vì hầu như không có hiện tượng kháng thuốc. Tác dụng phụ ít, có thể gặp rối loạn tiêu hóa, viêm đại tràng giả mạc, buồn nôn, nôn...
Nhóm imidazole với các dẫn chất như: metronidazol, tinidazolvà ornidazole: là các kháng sinh thuộc nhóm 5 nitroimidazol, có khả năng tập trung nhiều ở niêm mạc dạ dày, có nồng độ cao trong chất nhầy và không bị ảnh hưởng bởi biến động của pH. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là khả năng dung nạp của người bệnh và tỷ lệ kháng thuốc. Trong thực tế lâm sàng, sử dụng đơn độc metronidazol thì tỷ lệ kháng thuốc cao nhưng khi phối hợp 2 - 3 thuốc thì tỷ lệ kháng thuốc sẽ giảm. Tác dụng phụ của metronidazol khi dùng ngắn ngày có thể bị buồn nôn, đi ngoài, dị ứng; dùng dài ngày có thể bị giảm cảm giác.
Clarithromycin: kháng sinh thuộc nhóm macrolid, có phổ hoạt động rộng với vi khuẩn Gr (+) và Gr (-), trong điều trị HP hiện clarithromycin được khuyên dùng trong phác đồ ba thuốc, vì còn nhạy cảm cao với HP. Thuốc không bị ảnh hưởng của pH dịch vị, dễ hấp thu hơn và tác dụng tích cực hơn đối với HP so với erythromycin, có khả năng lan tỏa vào lớp nhầy và thấm tốt vào niêm mạc dạ dày. Clarithromycin có hiệu quả diệt HP cao, tỷ lệ kháng thuốc của vi khuẩn thấp và ổn định hơn rất nhiều metronidazol.
Bismuth dạng keo
Bismuth là một kim loại nặng, trước thập kỷ 70 của thế kỷ trước, người ta đã sử dụng bismuth để điều trị bệnh loét tiêu hóa có hiệu quả, song dùng liều cao kéo dài gây ra hội chứng não bismuth và từ đó đã có khuyến cáo không nên dùng bismuth. Từ khi phát hiện bismuth có thêm khả năng diệt HP theo cơ chế gây đông vón trực tiếp protein của vi khuẩn này người ta tái sử dụng bismuth để điều trị loét tiêu hóa dưới các dạng keo hữu cơ, các hợp chất bismuth này có kích thước phân tử lượng lớn, hấp thụ váo máu ít, an toàn khi sử dụng liều ngắn hạn, phân có màu sẫm hoặc đen là bình thường. Thuốc có tác dụng băng se niêm mạc, ngăn cản sự tác động của dịch vị vào ổ loét theo cơ chế sau: bismuth dạng keo hữu cơ tan ở trong nước nhưng bền ở môi trường pH < 5, khi vào đến dạ dày sẽ tạo các vi tinh thể bismuth oxychlorid và bismuth citrat. Những vi tinh thể này che phủ lên miền lõm của vết loét từ đó ngăn cản sự tác động của ion H+ và pepsin, nhưng không gắn vào niêm mạc bình thường xung quanh. Đồng thời nó gắn với glycoprotein của màng nhầy tạo thành phức hợp ngăn cản sự trào ngược của ion H+ mà không làm ảnh hưởng tới sự trao đổi ion này ở màng nhầy. Thuốc còn làm tăng bicarbonat tá tràng, kích thích tăng sản xuất và hoạt động của prostaglandin, tăng tiết nhầy do đó làm củng cố thêm hàng rào niêm mạc.
Đã có nhiều công trình nghiên cứu chứng minh rằng, việc sử dụng đơn độc kháng sinh sẽ thất bại trong điều trị HP, các khuyến cáo hiện nay cho thấy, sử dụng kết hợp hai kháng sinh cùng với bismuth và thuốc ức chế bơm proton sẽ cho hiệu quả cao trong diệt trừ HP. Tuy nhiên, việc phối hợp thuốc cụ thể như thế nào, liều lượng ra sao và dùng trong thời gian bao lâu, phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của bệnh nhân, bạn không nên tự ý dùng thuốc mà cần có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
ThS. Nguyễn Bạch Đằng
Theo suckhoedoisong.vn