Nghệ nhân dân gian Lương Tấn Hằng, Trưởng đoàn nghệ thuật múa lân-sư-rồng Hằng Anh Đường ở Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nguyễn Luân/Báo ảnh Việt Nam)
Suốt 30 năm qua gắn bó với nghệ thuật múa lân-sư-rồng, nghệ nhân dân gian Lương Tấn Hằng đã xây dựng Đoàn lân Hằng Anh Đường lên tới gần 4.000 thành viên hoạt động ở nhiều địa phương trong nước.
Đặc biệt, các học trò giỏi của ông cũng đã xây dựng được các đoàn lân ở một số quốc gia như: Pháp, Na Uy, Mỹ, Đức... nhằm đưa nghệ thuật múa lân-sư-rồng của Việt Nam đến với bạn bè thế giới.
Lên 10 tuổi, Lương Tấn Hằng đã đội con lân và tập những bước nhảy cơ bản trong múa lân. Đến năm 20 tuổi, anh lập ra Đoàn lân Hằng Anh Đường, sau đó phát triển thành một đoàn múa lân chuyên nghiệp. Năm 2005, Đoàn lân Hằng Anh Đường được mời sang Bắc Kinh tham gia giao lưu cùng với các đoàn lân của Trung Quốc. Phong cách múa lân rất có thần thái và đẹp mắt của Hằng Anh Đường đã gây ấn tượng mạnh đến các đồng nghiệp nước bạn.
Năm 2010, thầy trò Lương Tấn Hằng lại khăn gói lên đường tham gia Lễ hội truyền thống múa lân Nhật Bản. Lần này, anh và các học trò của mình mang đến đất nước Mặt trời mọc 3 tiết mục: tứ quý lân, sư tử hí cầu, lân lên mai hoa thung đã gây được sự ngưỡng mộ từ các đoàn lân khác.
Tiết mục “Lân đi cà kheo” do nghệ nhân Lương Tấn Hằng dàn dựng, các học trò trong Đoàn Hằng Anh Đường biểu diễn. (Ảnh: Nguyễn Luân/Báo ảnh Việt Nam)
Nghệ thuật múa lân-sư-rồng phổ biển ở khu vực châu Á, nhưng mỗi nước lại có phong cách biểu diễn khác nhau thể hiện văn hóa của mỗi quốc gia.
Những lần giao lưu tại Trung Quốc, Nhật Bản đã giúp Lương Tấn Hằng học hỏi và hiểu biết về luật thi đấu quốc tế để mang về nước giới thiệu cho các đoàn lân khác. Hằng Anh Đường từ chỗ chỉ múa lân theo phong trào đã dần đi vào hình thức kinh doanh.
Khi đoàn lân đã có nhiều hợp đồng biểu diễn, Lương Tấn Hằng thành lập Công ty biểu diễn lân-sư-rồng Hằng Anh Đường để đưa đoàn lân trở thành đơn vị hoạt động quy cũ hơn. Hơn nữa, các thành viên của Hằng Anh Đường chỉ chuyên công việc chuyên môn mà không làm thêm các công việc khác nên luôn giữ được phong độ.
Một thành viên trẻ tuổi của Hằng Anh Đường sau khi thực hiện phần biểu diễn của mình. (Ảnh: Nguyễn Luân/Báo ảnh Việt Nam)
Nghệ nhân Lương Tấn Hằng liên tục tìm tòi, sáng tạo ra những bài biểu diễn mới và lồng ghép, truyền tải văn hóa dân tộc vào trong nhiều tiết mục. Những bài biểu diễn như: tứ lân, song tử hý cầu, lân lên mai hoa thung, song sư báo hỷ, lân đi cà kheo…luôn tạo ra được sự khác biệt, hấp dẫn cho người xem.
Năm 2015, Hằng Anh Đường tham gia Liên hoan lân-sư-rồng Kun Seng Keng do Hiệp hội lân-sư-rồng Quốc tế tổ chức thường niên ở Malaysia đã giúp các học trò của nghệ nhân Lương Tấn Hằng có dịp cọ xát với các đối thủ mạnh. Cũng trong năm này, Hằng Anh Đường gia nhập Hiệp hội lân-sư-rồng Quốc tế, một bước đi quan trọng để thầy trò Hằng Anh Đường bước ra sân chơi thế giới.
Bà Nguyễn Thị Kim Hợp, phụ trách bộ môn lân-sư-rồng Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh) nhận xét: “Nghệ nhân Lương Tấn Hằng góp phần rất lớn trong việc phối hợp tổ chức các lớp tập huấn trọng tài, tập huấn chuyên môn mang lại chất lượng, hiệu quả cao.”
Với những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực nghệ thuật múa lân-sư-rồng, nghệ nhân Lương Tấn Hằng vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian (năm 2007) và Nghệ nhân ưu tú (năm 2015). Đến nay, Đoàn lân Hằng Anh Đường có khoảng 4.000 thành viên, hoạt động ở nhiều địa phương trong nước. Đặc biệt, một số học trò giỏi của nghệ nhân Lương Tấn Hằng đã xây dựng được các đoàn lân ở một số quốc gia như: Pháp, Na Uy, Mỹ, Đức./.
Nghệ thuật múa lân-sư-rồng theo chân người Hoa du nhập vào Việt Nam và trở thành nét văn hóa dân gian đặc sắc và phát triển mạnh tại Thành phố Hồ Chí Minh. Múa lân sư rồng thường được biểu diễn ở các dịp Trung Thu, Tết Nguyên đán, khai trương, động thổ, tân gia, sinh nhật, đám cưới,… với mong muốn mang lại may mắn, hạnh phúc, sung túc và trường thọ.
http://www.vietnamplus.vn/nguoi-dua-nghe-thuat-mua-lansurong-viet-nam-ra-the-gioi/411959.vnp