Làm thế nào để có thể thu hút được nhân tài luôn là bài toán đau đầu với Đảng bộ các trường đại học, nhất là khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp lớn, có vốn đầu tư nước ngoài với thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt, sẵn sàng chào đón.
Giáo sư Nguyễn Quang Kim, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học Thủy
lợi chia sẻ về chính sách thu hút nhân tài của trường. (Ảnh: Tiến Đạt/Vietnam+)
Thuận lợi nhiều nhưng thách thức cũng lắm
Vấn đề trọng dụng nhân tài luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm. Các Nghị quyết, văn kiện đại hội Đảng trong nhiều năm đều đề cập đến vấn đề này.
Đại hội XI của Đảng nhấn mạnh nhân tố con người, coi trọng phát triển bền vững, hài hòa, thay đổi mô hình tăng trưởng (từ chiều rộng sang chiều sâu, từ chú trọng số lượng sang chú trọng chất lượng…).
Trong “Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020”, Đảng ta đã chỉ rõ: “Có chính sách trọng dụng trí thức, đặc biệt đối với nhân tài của đất nước”, “hình thành đồng bộ cơ chế, chính sách khuyến khích sáng tạo, trọng dụng nhân tài và đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ”, “chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, phát huy nhân tài; đào tạo nhân lực cho phát triển kinh tế tri thức”.
Văn kiện Đại hội XII của Đảng cũng nhấn mạnh: “Tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ trí thức” và “có cơ chế, chính sách phát hiện, thu hút, sử dụng nhân tài”.
Thực hiện chủ trương trên cùng với nhu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ, Đảng bộ các trường đại học đã và đang có nhiều chính sách để thu hút lực lượng du học sinh giỏi về nước làm giảng viên và nghiên cứu.
Phó giáo sư, tiến sỹ Lê Văn Chín, cựu du học sinh Đại học Bách khoa Milan (Italy), Phó khoa Kỹ thuật tài nguyên nước, Viện trưởng Viện Kỹ thuật tài nguyên nước, trường Đại học Thủy lợi, cho biết, có hai yếu tố quan trọng mà các du học sinh như anh thường băn khoăn khi quyết định trở về. Đó là môi trường công tác và thu nhập. Trong đó yếu tố môi trường thân thiện, có cơ sở vật chất tốt, tạo điều kiện cho người trẻ phát huy năng lực, là yếu tố quyết định.
Theo giáo sư Nguyễn Quang Kim, Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi, so với các đơn vị bên ngoài, các trường đại học cũng có những lợi thế nhất định trong việc thu hút người giỏi, nhất là ở yếu tố môi trường.
“Trường học thường là môi trường khá lành, có tính ổn định cao, có nhiều cơ hội để phát triển về mặt chuyên môn như làm các đề tài nghiên cứu khoa học, giảng dạy, tham gia các hội thảo khoa học, cơ hội du học rộng mở. Hơn nữa, nghề giáo vẫn nhận được sự tôn trọng nhất định trong xã hội Việt Nam vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo,” ông Kim nói.
Đây cũng là chia sẻ của phó giáo sư, tiến sỹ Hoàng Văn Cường, Ủy viên thường vụ, Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng ủy, Phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân.
Theo ông Cường, là giảng viên đại học ở một trường uy tín là niềm tự hào, ước mơ của nhiều người. Các trường đại học cũng là môi trường lý tưởng để phát triển, nâng cao chuyên môn.
“Tuy nhiên, so với doanh nghiệp bên ngoài, các trường lại có điểm yếu là chế độ đãi ngộ đối với giảng viên trẻ không thể hấp dẫn bằng, đặc biệt là trong khoảng thời gian từ 5 đến 10 năm đầu,” ông Cường chia sẻ.
Cụ thể, giảng viên trẻ, nếu chỉ ăn lương theo khung của Nhà nước thì không đủ sống. Nhà trường phải tìm cách hỗ trợ để lương giảng viên thấp nhất cũng không dưới 5 triệu đồng, nhưng số tiền đó cũng quá ít. Nếu giảng viên nào không có gia đình làm chỗ dựa, phải lo lắng kinh tế gia đình, không đủ đam mê nghề nghiệp để vượt lên thiếu thốn trong gai đoạn đầu, sẽ rất khó để theo đuổi.
“Trong khi đó, ở các doanh nghiệp, sau 5 đến 10 năm làm việc, họ gần như chắc chắn sẽ có địa vị, vị trí nhất định trong công ty, thu nhập cao hơn. Nhưng trong trường đại học, giảng viên thâm niên 5 năm, thậm chí 10 năm, vẫn là giảng viên ‘mầm non’. Trường hợp giảng viên độ tuổi 30 được đề bạt là quá trẻ. Vì thế, họ sẽ thấy mình thua thiệt hơn, nhất là khi so sánh với bạn bè cùng trang lứa, cùng trình độ,” ông Cường nói.
Mặc dù là một trong những đại học được giao tự chủ, nhưng theo ông Cường, trường cũng không thể trả lương cho giảng viên trẻ quá cao vì có rất nhiều giảng viên thâm niên mấy chục năm. Và ở Đại học Kinh tế quốc dân, vẫn có rất nhiều giảng viên trẻ sau khi trường cử đi du học đã không trở về, nhiều người sau một thời gian gắn bó đã bỏ ngang.
Đây cũng là bài toán khó của Đại học Thủy lợi. Theo giáo sư Trần Quang Kim, chế độ lương là một trong những thách thức của trường khi thu hút người giỏi.
“Chế độ lương hiện nay vẫn bị ràng buộc bởi chính sách và rất khó để đổi mới triệt để sự cào bằng về lương trong các cơ quan Nhà nước. Đúng là so với đóng góp, năng lực, có người trả lương gấp 5 lần cũng chưa đủ trong khi có người chỉ hưởng lương cơ bản đã là nhiều,” ông Kim nói.
Thay đổi chiến thuật để giữ chân nhân tài
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: TTXVN)
Với hạn chế về thu nhập, các trường đại học dù có nhiều thuận lợi nhưng người tài vẫn luôn có nhiều nơi mời gọi, nhiều cơ hội lựa chọn mà trường phải cạnh tranh.
Theo ông Nguyễn Quang Kim, Đảng bộ trường đã có nhiều nghị quyết, chính sách để thu hút nhân lực như tạo điều kiện tối đa cho giảng viên vừa dạy học, vừa làm thêm các công tác khác để có thu nhập. Bên cạnh đó, các giảng viên trẻ có năng lực tốt đã được tạo điều kiện để có thể sớm đủ tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư, rút ngắn thời gian so với lên lương thông thường.
“Trường đã xây dựng và sắp ban hành chiến lược phát triển từ nay đến năm 2030, trong đó có nêu rõ chiến lược phát triển nguồn nhân lực và chính sách phát huy tốt nhất năng lực của giảng viên.
Thứ nhất, môi trường làm việc phải tốt, cố gắng tìm nguồn lực để nâng dần nguồn thu nhập cao hơn hiện nay. Hiện nay giảng viên sống tốt nhưng phải làm thêm nhiều việc. Thứ hai là phải có nguồn lực để giảng viên có điều kiện nghiên cứu có chất lượng, đạt tầm quốc tế,” ông Kim nói.
Trong khi đó, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đang phấn đấu tiến tới trả lương theo vị trí việc làm. Theo Phó hiệu trưởng Hoàng Văn Cường, chủ trương của trường là tăng cường hệ đào tạo chất lượng cao, dạy bằng tiếng Anh và chương trình nước ngoài, tạo cơ hội cho giảng viên trẻ “dụng võ” vì giảng viên lâu năm không đáp ứng được yêu cầu.
“Các chương trình chất lượng cao sẽ được trả lương cao hơn, giảng viên trẻ có thể có thu nhập tốt hơn. Trường cũng tạo cơ hội để họ trở thành giảng viên quốc tế qua các chương trình trao đổi giảng viên với đối tác nước ngoài. Những điều này cũng kích thích giảng viên yếu hơn phải phấn đấu và thay đổi,” ông Cường nói.
Những giải pháp này được kỳ vọng là sẽ thu hút hơn nhân tài về các trường đại học.
Theo giáo sư trẻ Thiều Quang Tuấn, Trưởng bộ môn Kỹ thuật công trình biển, Đại học Thủy lợi, người từng có hơn chục năm du học các nước, thường các du học sinh đã quen với môi trường năng động nên sẽ cảm thấy khá bí bách khi về nước.
Anh Tuấn cho rằng, môi trường làm việc ở các trường đại học hiện nay đã khá tốt để các du học sinh có thể phát huy được năng lực của mình.
“Tuy nhiên, nếu cơ chế chính sách cởi mở hơn từ cả các trường và nhà nước, hạn chế các ràng buộc không cần thiết, ví dụ như người trẻ có sự cạnh tranh lành mạnh hơn, cho phép được bổ nhiệm mà không cần trải qua quá trình thâm niên quá dài... thì sức hút của các trường còn lớn hơn,” giáo sư Tuấn nói./.
Theo MAI PHẠM - TIẾN ĐẠT (VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/dang-bo-cac-truong-dai-hoc-dieu-chinh-chien-thuat-de-thu-hut-nhan-tai/413736.vnp