Nổi lên trên mặt biển ngắt xanh, nhiều đảo nhỏ của Vùng 5 Hải quân được đặt tên với chữ “hòn” đứng đầu, vì đảo nhỏ quá, chỉ như "hòn non bộ" giữa mênh mông biển khơi...
Đại úy Nguyễn Minh Dũng và con đường mở đảo. Ảnh: VGP/Việt Hòa
Đảo Hòn Chuối thuộc huyện Trần Văn Thời (Cà Mau), nằm cách bờ 18 hải lý, chỉ có hơn 100 người dân sinh sống là một trong những “hòn” như vậy.
Có người bảo đảo có tên Hòn Chuối vì trông xa đảo như hình quả chuối nhô lên trên mặt nước. Có người lại bảo có tên này vì trước đây trên đảo chỉ có giống chuối rừng là đủ sức sống sót, những loại cây khác rất khó lòng sinh sôi…
Hơn 20 năm trước, Hòn Chuối là hòn đảo hoang, không có cư dân sinh sống. Ông Đoàn Thanh Phong, 60 tuổi, một trong những người dân đầu tiên định cư ở đây kể rằng ngày còn trẻ, những khi đi đánh cá, câu mực ông vẫn thường xuyên lại qua nơi đây. Nhưng khi ấy Hòn Chuối không có ai sinh sống vì không có nguồn nước ngọt. Ông Phong và các ngư phủ chỉ thỉnh thoảng dừng chân trong những chuyến đi đánh bắt xa bờ.
Năm 1972, để trốn quân dịch dưới chế độ ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, ông Phong và 11 người nữa đã ra Hòn Chuối sinh sống một thời gian. Sau đó, khi thống nhất đất nước, chính quyền đã tổ chức di dân từ Hòn Chuối vào đất liền vì điều kiện sống ở Hòn Chuối khi đó quá khắc nghiệt. Từ đó, Hòn Chuối trở lại là hòn đảo hoang, cho tới khi những người lính hải quân ra đảo khai phá…
Ngôi nhà cheo leo trên vách đá ở Hòn Chuối. Ảnh: VGP/Việt Hòa
Năm 1992, Đại úy Nguyễn Minh Dũng (thủy thủ tàu HQ627, Lữ đoàn 127, Vùng 5 hải quân), khi đó là chiến sỹ mới nhập ngũ, cùng 3 đồng đội khác nhận một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng - xây dựng trạm ra đa quan sát trên đảo Hòn Chuối.
Trên con tàu chở đầy đủ tất cả những vật dụng, thiết bị cần thiết, các anh phải đi vòng quanh đảo nhiều lần mới tìm được địa điểm để có thể lên bờ.
Đại úy Dũng vẫn nhớ như in hình ảnh đảo Hòn Chuối khi ấy còn rất hoang sơ, hai loài cây mọc nhiều nhất là mít và chuối rừng. Mặc dù lượng nước ngọt mang theo đủ để dùng trong thời gian xây dựng trạm nhưng để duy trì được sự sống lâu dài và bền vững ở đây, các anh quyết định phải tìm nguồn nước ngọt.
“Đi quanh chân núi một đoạn không xa, dường như có linh tính mách bảo, tôi đào thử dưới chân. Chỉ sau vài nhát xẻng, mạch nước ngầm trào ra giống như một phép màu kỳ diệu”, anh Dũng kể.
Từ chân núi, các chiến sỹ tìm cách mở đường lên đỉnh cao nhất, là nơi sẽ đặt trạm ra-đa. Vừa mang trên vai các vật liệu xây dựng và máy móc, các anh vừa phát cây rừng mở lối. Mất 3 ngày ròng rã các mới lên được tới đỉnh núi và bắt tay vào việc tạo mặt bằng, đặt trạm ra-đa. Trạm ra-đa khi ấy chỉ là ngôi nhà bưng, lợp bằng tôn, đủ để che chắn máy móc và con người những khi mưa nắng. Khi trạm bắt đầu đi vào hoạt động, kiểm soát được vùng biển xung quanh, các chiến sỹ đã mừng rơi nước mắt vì nhiệm vụ đã hoàn thành xuất sắc.
Sau khi bàn giao lại trạm cho những người điều hành tiếp sau, anh Dũng và đồng đội tiếp tục nhận các nhiệm vụ khác nhưng những ngày đầu tiên đặt chân lên Hòn Chuối vẫn khắc khoải mãi trong anh.
Hơn 20 năm sau, trong chuyến công tác đưa đoàn các cán bộ địa phương đồng bằng sông Cửu Long và phóng viên báo chí đi chúc cán bộ, chiến sỹ, người dân trên các đảo dịp Tết Giáp Ngọ 2014, Đại úy Nguyễn Minh Dũng mới trở lại đảo Hòn Chuối.
Sau hơn 20 năm ấy Hòn Chuối đã nhiều đổi thay...
Cả đảo hiện có 34 hộ với 115 người dân sinh sống. Những ngôi nhà bám dưới chân núi tuy còn nhỏ nhoi nhưng cũng mang lại sức sống mới cho hòn đảo này.
Ngư dân Đoàn Thanh Phong chuẩn bị cho chuyến biển. Ảnh: VGP/Việt Hòa
Ông Lê Văn Phương, tổ trưởng của tổ dân cư này cho biết tất cả các hộ đều là người dân ở Cà Mau, Kiên Giang chuyển ra đây sinh sống. Ra Hòn Chuối định cư, nghề nghiệp của họ vẫn là đánh bắt hải sản và làm nhà bè nuôi cá bớp nhưng ổn định hơn ở quê cũ. Một năm hai vụ cá, có ghe buôn tới tận nơi thu mua, ngư dân thu lợi khoảng 70-80 triệu đồng/năm. Số tiền ấy ở trong đất liền họ khó lòng mơ tới. Bởi vậy, Hòn Chuối đã trở thành nơi gắn bó, là quê hương thứ hai của những người dân. Nhiều chàng trai đã vào đất liền tìm vợ, những căn nhà nhỏ mới lại mọc lên, ê a tiếng trẻ con tập nói.
Nguồn nước các chiến sỹ hải quân tìm thấy ban đầu trở thành nguồn cung cấp nước chính cho người dân trên đảo. Vào mùa khô, thiếu nước, bà con xin nước dưới các ghe buôn và được các chiến sỹ hải quân, biên phòng sẻ chia lượng nước mưa tích trữ của mình. Những ngày giông bão không thể ra khơi, cũng không có ghe buôn nào cập đảo, cũng chính bộ đội biên phòng, hải quân cứu trợ lương thực, thực phẩm cho bà con.
“Bộ đội thương mến người dân lắm. Những lúc ốm đau chúng tôi cũng gọi các anh xuống giúp. Các anh còn mở lớp dạy các cháu học, đứa nào cũng ngoan nên chúng tôi ơn các anh nhiều lắm. Tình quân dân ở đây đúng là như cá với nước”, ông Đoàn Thanh Phong, một người dân trên đảo xúc động kể về sự gắn bó giữa những người lính với bà con.
Cuộc sống dù vẫn còn nhiều khó khăn nhưng họ vững tin vào tương lai…
Việt Hòa
Theo baochinhphu.vn