Cập nhật: 09/11/2016 09:24:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trước xu thế hội nhập quốc tế, thị trường lao động của nước ta đang đứng trước nhiều thách thức.

 

Ảnh minh họa.

Để có thể cạnh tranh được với lao động của các nước, hiện các trường đại học trong nước không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, liên kết đào tạo với các trường đại học trong khu vực, thay đổi chương trình và phương giảng dạy, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập.

Theo các chuyên gia giáo dục, hiện nay, trình độ tiếng Anh của lao động nói chung và sinh viên Việt Nam vẫn còn thấp và rất ít người lao động học ngôn ngữ của các nước ASEAN như Indonesia, Thái Lan, Lào, Campuchia…Do đó, người lao động đã mất nhiều cơ hội việc làm tốt, thu nhập cao. Bên cạnh đó, nhiều trường đại học, cao đẳng vẫn còn giảng dạy nặng về lý thuyết mà ít dành thời gian cho sinh viên thực hành.

Ngoài ra, những kỹ năng mềm khác như làm việc theo nhóm, thái độ, tâm lý...của sinh viên tốt nghiệp ra trường cũng kém hơn so với các nước trong khu vực.

Tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, Phó Viện Trưởng Viện nghiên cứu giáo dục, Trường Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh phân tích: “Hiện, chương trình của mình phần lớn cung cấp kiến thức cho các em trong khi những phần như thực hành, kỹ năng nghề nghiệp, thái độ và niềm đam mê công việc, thái độ nghiêm túc, kỷ luật chuyên nghiệp có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động đang yếu. Kỹ năng bây giờ bắt buộc phải có ngoại ngữ tiếng Anh và công nghệ thông tin. Nếu nói kỹ năng chia theo bậc là bậc mới bắt đầu, bậc bắt chước, bậc làm theo rồi làm theo cho tốt hơn, rồi cho tới khi thành thạo, rồi trở lên sáng tạo thì các em mới chỉ ở góc độ bắt chước”.

Nhìn nhận những hạn chế mà sinh viên Việt Nam còn đang thiếu và yếu so với sinh viên các nước trong khu vực là tiếng Anh, các trường đại học đã đưa ra nhiều giải pháp để sinh viên được tiếp cận và học tiếng Anh như: tăng cường số môn giảng bằng tiếng Anh, trao đổi giao lưu với sinh viên các trường đại học trong khu vực và thế giới....để các em trau dồi kiến thức, nâng cao trình độ ngoại ngữ.

Ông Dương Duy Đồng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Đây là một trong những yếu tố quyết định thu hút người học của mỗi cơ sở giáo dục đại học: “Chúng tôi đã thấy việc này nên ngoài việc khuyến khích sinh viên phát triển kỹ năng tiếng Anh ngôn ngữ, còn sử dụng thêm các giải pháp như khuyến khích giáo viên đăng ký những môn mà giáo viên thuận lợi sử dụng Tiếng Anh để giảng dạy, yêu cầu sinh viên tự tra cứu tài liệu bằng Tiếng Anh. Để tăng cường khả năng hội nhập, trong một khóa học 5 năm, các em có dịp 1 đến 2 lần được đi thực tập hoặc đi giao lưu với một vài trường trong khối Đông Nam Á. Như vậy, cơ hội hội nhập của các em cũng tăng lên”.

Cùng với việc tăng cường dạy tiếng Anh, để nâng cao chất lượng đào tạo, các trường đại học đã từng bước đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy, tăng nguồn vốn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phù hợp với chương trình đào tạo, thực tế sản xuất...để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng được thị trường lao động trong nước và khu vực. Đội ngũ giảng viên cũng được các trường đại học chú trọng không những về trình độ chuyên môn mà phải có năng lực kiến thức thực hành thực tế, nhất là tiếng Anh. Tiến sĩ Trần Thị Minh Hằng, Phó Trưởng Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Học viện đã liên kết đào tạo với các trường đại học có uy tín và áp dụng các phương pháp dạy học tiên tiến ở các nước như Nhật Bản, Mỹ, EU...đồng thời liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước...giúp các sinh viên vừa học vừa thực tập ngay trong quá trình học.

Tiến sĩ Trần Thị Minh Hằng cho biết: “Chúng tôi cải tiến chất lượng đào tạo bằng cách xây dựng thêm phòng học, trang bị thêm các phòng thí nghiệm; nâng cấp thư viện, hệ thống máy tính, internet cũng như các đầu sách tăng cường thư viện điện tử. Đối với giảng viên, chúng tôi bao giờ cũng ưu tiên ứng viên tốt nghiệp Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ ở nước ngoài, đồng thời khuyến khích tạo điều kiện cho giảng viên ở trong khoa được đi đào tạo và nâng cao trình độ ở các nước tiên tiến trên thế giới. Để hội nhập chúng tôi đang tích cực tự đánh giá các chương trình đào tạo tiến tới kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế”.

Với xu hướng hội nhập, bằng cấp không còn quá được coi trọng mà quan trọng là năng lực thực sự của người lao động. Thị trường lao động là nơi cuối cùng công nhận và đánh giá sản phẩm nguồn nhân lực đào tạo của các trường đại học. Trước sự cạnh tranh lao động căng thẳng ngay trong nước cũng như ở khu vực và thế giới, bằng đại học chỉ là một trong những điều kiện để đi xin việc. Điều mà người tuyển dụng coi trọng chính là năng lực thực sự của người lao động./.

Theo Thu Hiền/VOV.VN - Trung tâm Tin

Tệp đính kèm