Polyp dạ dày là một bệnh thường hay gặp ở người đã có tuổi (trên 50 tuổi). tuy bệnh ít gây triệu chứng điển hình nhưng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người bệnh, thậm chí biến chứng nguy hiểm cho tính mạng.
Qua nội soi, bác sĩ sẽ sinh thiết polyp để tiến hành xét nghiệm tế bào
Polyp dạ dày đó là những khối u lồi có hình dạng khác nhau (dạng êlíp hoặc hình tròn), có cuống, đôi khi còn được gọi là khối u. Khối u này được hình thành do sự tăng sinh quá mức của niêm mạc dạ dày.
Nguyên nhân và tiên lượng của bệnh
Nguyên nhân của polyp dạ dày là do tăng sản các tế bào niêm mạc dạ dày kèm theo là phản ứng viêm mạn tính ở các tế bào lót bên trong dạ dày nhất là ở người bị viêm dạ dày mạn tính. Nguyên nhân của viêm dạ dày mạn tính rất đa dạng, trong đó phải kể đến do vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là nguyên nhân phổ biến của viêm dạ dày góp phần tăng sản và polyp u tuyến), thứ đến là do uống quá nhiều rượu bia hoặc do dùng thuốc điều trị bệnh về khớp (corticoid hoặc không steroid), thuốc hạ sốt (aspirin).
Ngoài ra còn có một số yếu tố nguy cơ làm xuất hiện polyp dạ dày, đó là tuổi tác, thường người bị polyp dạ dày gặp ở người đã có tuổi (trên 50 tuổi). Một số trường hợp do sử dụng thuốc điều trị bệnh dạ dày bởi vì dùng quá lâu thuốc ức chế bơm proton (PPI). PPI gồm có 5 thế hệ (esomeprazol, lansoprazole, omeprazole, pantoprazole và rabeprazole), nếu dùng bất kỳ thế hệ nào kéo dài (không theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh) đều có nguy cơ hình thành polyp dạ dày. Hoặc một số thuốc dùng để điều trị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (các thuốc ức chế thụ thể H2 như: famotidine (pepsid), cimetidine (tagamet), ranitidine (zantac) và các thuốc tăng cường làm rỗng dạ dày như: metoclopramide (reglan), domperidone (motilium), mosapride (zurma)...), và nizatidine (axít) có thể có liên quan đến khối u tuyến phình vị.
Đối với loại polyp tăng sản, thường gặp ở những người bị viêm dạ dày và polyp tuyến phình vị hình thành từ các tế bào tuyến được tìm thấy trên các lớp lót bên trong của dạ dày có thể xảy ra ở những người có chứng ung thư ruột kết được gọi là bệnh polyp có tính chất gia đình (di truyền). Hầu hết các polyp tuyến phình vị không có khả năng trở thành ung thư dạ dày, ngoại trừ xảy ra ở những người bị ung thư ruột kết di truyền. Loại polyp u tuyến hình thành từ các tế bào tuyến được tìm thấy trên các lớp lót bên trong của dạ dày do tế bào phát triển bị sai lạc bên trong ADN. Vì vậy, những thay đổi này làm cho các tế bào dễ bị tổn thương để trở thành ung thư. Đối với các loại polyp tăng sản có kích thước lớn hơn 2cm có nguy cơ trở thành ung thư cao hơn các polyp có kích thước nhỏ hơn 2cm.
Triệu chứng
Polyp dạ dày ít khi có triệu chứng điển hình, việc phát hiện polyp dạ dày là do tình cờ. Tuy vậy, một số người bệnh polyp dạ dày có cảm giác đau thượng vị, thỉnh thoảng có buồn nôn, đặc biệt khi polyp bị viêm loét, chảy máu, người bệnh sẽ thấy chán ăn, người gầy, thiếu máu kèm theo có rối loạn tiêu hóa (đầy hơi, phân lúc lỏng lúc rắn, sôi bụng…).
Biến chứng
Polyp dạ dày có thể gây một số biến chứng. Biến chứng nguy hiểm nhất của polyp dạ dày là chảy máu là do polyp gây loét dạ dày. Nếu chảy quá nhiều máu có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh và đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng của người bệnh. Nguy hiểm nhất là từ polyp dạ dày từ đơn độc có thể phát triển thành nhiều polyp có thể gây ung thư.
Các xét nghiệm cần thiết
Nội soi dạ dày là kỹ thuật đầu tiên cần được tiến hành. Qua nội soi, bác sĩ sẽ sinh thiết polyp để tiến hành xét nghiệm tế bào (tìm tế bào lạ và xét nghiệm vi khuẩn: HP). Việc xác định có tế bào lạ hay không là cực kỳ quan trọng, nếu không thấy tế bào lạ, người bệnh có thể yên tâm điều trị theo chỉ định của bác sĩ khám bệnh. Xét nghiệm vi khuẩn HP có ý nghĩa rất lớn trong việc điều trị kết hợp tiêu diệt chúng. Ngày nay, do kỹ thuật sinh học phân tử phát triển cho nên xác định vi khuẩn HP bằng kỹ thuật PCR (Polymerase Chain Reactin) không gặp mấy khó khăn, bởi vì hầu hết các cơ sở y tế đầy đủ trang thiết bị đều có máy đế xét nghiệm PCR.
Nguyên tắc điều trị như thế nào?
Việc điều trị polyp dạ dày do bác sĩ khám bệnh và tập thể bác sĩ quyết định (qua hội chẩn). Nguyên tắc là khi polyp nhỏ (kích thước dưới 10mm), đơn độc và không phải là u tuyến, chưa có biểu hiện gì hoặc biến chứng gì có thể không cần điều trị. Tuy vậy, người bệnh cần được theo dõi theo tư vấn của bác sĩ khám bệnh cho mình. Khi polyp có kích thước lớn hơn 10mm, hoặc xuất hiện nhiều polyp hoặc polyp tuyến, đã gây ra một số triệu chứng cần được loại bỏ khối u đó. Phương pháp loại bỏ polyp dạ dày chủ yếu thông qua phương pháp nội soi.
Khi xét nghiệm PCR xác định có vi khuẩn HP, người bệnh cần được dùng kháng sinh để tiêu diệt chúng theo phác đồ điều trị.
Lời khuyên của thầy thuốc
Người có tuổi bệnh bị polyp dạ dày khi chưa phải điều trị phẫu thuật cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ khám bệnh, nhất là kiểm tra bằng nội soi dạ dày. Người bệnh đã được điều trị phẫu thuật polyp dạ dày cần có sự theo dõi của bác sĩ, nghĩa là tái khám bệnh theo định kỳ.
Để phòng tránh polyp dạ dày, mọi người không nên hút thuốc lá, không nghiện rượu, bia. Cần có chế độ ăn, uống hợp lý, ăn chậm nhai kỹ, làm việc điều độ. Tăng cường tập thể dục, vận động cơ thể tùy thuộc vào lứa tuổi của mình như: đi bộ, chơi các môn thể thao nhẹ (cầu lông, bơi…).
PGS.TS.BS. BÙI KHẮC HẬU
Theo suckhoedoisong.vn