Cập nhật: 01/12/2016 09:03:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Chóng mặt là triệu chứng của rối loạn thăng bằng, do một số nguyên nhân gây nên. Thuật ngữ chóng mặt bao hàm một phạm vi rất rộng, từ cảm giác váng đầu nhẹ cho đến tình trạng chóng mặt nặng.

Chóng mặt được định nghĩa là một ảo giác về sự vận động, bản thân người bệnh cảm thấy như chính mình hay ngoại cảnh xung quanh đang vận động hoặc đang xoay vòng hay nghiêng ngả hoặc thấy như đang rơi từ trên cao xuống dù thực tế không có sự vận động nào.

Chóng mặt xảy ra khi nào?

Ý thức về một sự thăng bằng bình thường của cơ thể đòi hỏi một tác động qua lại phức tạp giữa các bộ phận sau đây:

- Tai trong (còn gọi là mê nhĩ): giám sát các hướng của vận động, ví dụ như rẽ ngoặt, xoay vòng, tiến - lùi, từ bên nọ sang bên kia và lên - xuống.

- Hai mắt: cũng giám sát vị trí của cơ thể trong không gian và các hướng của vận động.

- Các thụ thể áp lực trong các khớp của chi dưới và cột sống, cho biết phần nào của cơ thể đang đưa xuống thấp và chạm đất.

- Các thụ thể cảm giác của cơ và khớp (còn gọi là các thụ thể bản thể) cho biết các phần nào của cơ thể đang vận động.

- Hệ thần kinh trung ương (não và tuỷ sống) xử lý các thông tin đến từ bốn hệ thống nói trên để duy trì sự cân bằng và thăng bằng của cơ thể.

Kết quả là trong sự vận động của đầu, cổ, chân, mắt cùng phần còn lại của cơ thể, con người luôn giữ được sự thăng bằng và mắt vẫn nhìn thấy rõ khi đang di chuyển.

Chóng mặt xảy ra khi có sự trái ngược về thông tin giữa tai trong và các hệ thống giác quan khác, hoặc khi có một khiếm khuyết trong sự tích hợp trung ương ở não về các thông tin từ tiền đình đi lên. Nói cách khác, các triệu chứng của chóng mặt và say tàu xe xuất hiện khi mà hệ thần kinh trung ương tiếp nhận các thông tin trái ngược đến từ bốn hệ thống khác nhau.

Chẩn đoán

Khi khám một người bệnh than chóng mặt, trước hết cần phân biệt để loại trừ các trường hợp thường được gọi là “chóng mặt tiền ngất”. Trong các trường hợp này, người bệnh không có một cảm giác nào bất thường về vận động hay di chuyển, chỉ thấy bị lả đi, choáng váng, tối sầm mắt như sắp ngất xỉu (ví dụ trong tụt huyết áp, giảm đường huyết), hoặc như bị mất thăng bằng mà không do nguyên nhân tiền đình (ví dụ trong các bệnh thần kinh như Parkinson, chứng mất điều hòa của tiểu não, hoặc khi có các vấn đề về xương-khớp hay tác dụng phụ của một số thuốc). Hiếm khi chóng mặt có thể là triệu chứng của một vấn đề thần kinh nghiêm trọng hơn, như: đột quỵ do nhồi máu não hay chảy máu não, đa xơ cứng…

Với những trường hợp chóng mặt thực sự, có nguồn gốc tiền đình, cần xác định xem do các nguyên nhân ngoại biên (giới hạn đến thần kinh VIII trước khi đi vào thân não) hay trung ương (thân não hay não). Nếu là một chóng mặt do rối loạn tiền đình ngoại biên, sẽ xác định nguyên nhân chóng mặt là ở một bên tai hay ở cả hai bên. Sau cùng sẽ xác định xem các triệu chứng trên là do một tổn thương đang ổn định hay đang tiến triển.

Nhiều bệnh lý khác nhau có thể ảnh hưởng đến tai trong hoặc hệ tiền đình và gây ra chóng mặt. Trong đó có một cách có thể giúp cho chẩn đoán phân biệt bớt phức tạp là căn cứ trên độ dài thời gian từ lúc bắt đầu cơn chóng mặt cho đến lúc kết thúc:

Các cơn chóng mặt ngắn (từ vài giây đến vài phút): loại chóng mặt hay gặp nhất là chóng mặt tư thế kịch phát lành tính.

Cơn chóng mặt nặng nhưng ngắn, xảy ra ngay lúc đổi tư thế đầu khi trở mình trên giường hoặc khi ngồi dậy buổi sáng. Thường không rõ nguyên nhân và khỏi dần theo thời gian.

Chóng mặt kéo dài hàng phút có thể gặp trong các cơn thiếu máu não thoáng qua.

Các cơn chóng mặt dài trung bình (từ nửa giờ đến vài giờ): các loại chóng mặt này hiếm gặp hơn và được cho là do tăng áp lực của dịch tai trong. Bệnh Ménière (hay bệnh tăng dịch nội bạch huyết) gây ra các cơn chóng mặt nghiêm trọng và kéo dài vài giờ. Thường kèm theo nôn và có thể mở đầu bằng giảm thính lực, cảm thấy đầy trong tai và ù tai.

Các cơn chóng mặt dài hơn (từ nhiều ngày đến nhiều tuần):

Viêm mê nhĩ (do nhiễm trùng tai trong) hoặc viêm dây thần kinh tiền đình (thường do virút) có thể gây ra chóng mặt xoay tròn nghiêm trọng. Cơn chóng mặt xảy ra đột ngột, kèm theo buồn nôn hoặc nôn và rối loạn thăng bằng, kéo dài từ dăm ba ngày đến 2 - 3 tuần.

Trong bệnh nhức nửa đầu (migraine), thời gian chóng mặt rất thay đổi (từ vài giây đến vài ngày) và tỷ lệ gặp khá cao. Trong nhức nửa đầu: các triệu chứng nặng hơn nhiều so với đau đầu thông thường, một vài người thấy có “tiền triệu” thị giác trước khi lên cơn nhức nửa đầu.

Phân biệt chóng mặt trung ương với chóng mặt ngoại biên

Chóng mặt trung ương: thường do các bệnh của hệ thần kinh trung ương cùng với các thương tổn của dây VIII. Hiếm có một sang thương ở hệ thần kinh trung ương gây chóng mặt mà không có các dấu hiệu thần kinh khác. Thường đi kèm với các khiếm khuyết thần kinh như: triệu chứng của các dây thần kinh sọ, rối loạn điều chỉnh thị lực, rối loạn điều hòa (có thể là chỉ điểm quan trọng nhất các bệnh của tiểu não), dấu hiệu Romberg (+) (dấu hiệu cho biết mất sự kiểm soát của các thụ thể bản thể khiến cho người bệnh đứng không vững khi nhắm mắt), yếu liệt chi, giảm hay mất cảm giác, chảy máu hay thiếu máu của tiểu não, của các nhân tiền đình và các kết nối trong thân não…

Chóng mặt trung ương thường bắt đầu từ từ, có xu hướng nhẹ hơn nhiều so với chóng mặt ngoại biên. Khám cẩn thận hệ thần kinh, tim mạch và huyết áp là quan trọng để nhận biết những người bệnh chóng mặt trung tâm. Huyết khối trong tim có thể đưa đến đột quỵ, các dấu hiệu rung nhĩ hay mạch chậm có thể gợi ý một đột quỵ đang diễn ra.

Khác với các sang thương tiền đình ngoại biên, các rối loạn tiền đình trung ương thường có rung giật nhãn cầu (chứng rung giật nhãn cầu gồm vận động chậm của mắt về một phía, tiếp sau là một vận động phục hồi nhanh về phía đối diện) liên tục và bất thường.

Chóng mặt ngoại biên: thường bắt đầu đột ngột, kết hợp với buồn nôn hay nôn, người bệnh than phiền về nghe. Những dấu hiệu sau đây có thể giúp gợi ý một sang thương ngoại biên: bệnh viêm tai giữa cấp, viêm tai giữa mạn có thủng thượng nhĩ hoặc có cholesteatoma, hoặc nghe kém một bên, nhiễm trùng tai trong do virút thường đi kèm với nhiễm trùng đường hô hấp trên. Khác với chóng mặt trung ương, trong chóng mặt ngoại biên thường không có rung giật nhãn cầu hoặc chỉ đôi khi có theo chiều ngang và sẽ nhanh chóng biến mất.

Có 2 nghiệm pháp thường được sử dụng trong chẩn đoán phân biệt:

Nghiệm pháp Dix-Hallpike: một phép thử để xác định chứng chóng mặt tư thế kịch phát lành tính. Người bệnh ngồi thoải mái trên bàn khám và được trấn an là không lo bị té ngã khi lên cơn chóng mặt. Người bệnh phải luôn mở mắt để bác sĩ có thể quan sát xem có xuất hiện dấu hiệu rung giật nhãn cầu hay không? Người bệnh đang ngồi được đặt nằm ngửa xuống nhanh, xoay đầu 45O sang một bên và ưỡn ra sau khoảng 200, quan sát mắt người bệnh trong khoảng 30 giây. Sau đó, đỡ người bệnh ngồi lên lại, đợi thêm khoảng 30 giây, và lặp lại nghiệm pháp cho phía bên kia. Nếu chứng rung giật nhãn cầu xoay tròn xảy ra, nghiệm pháp được xem là (+) cho một tình trạng giảm chức năng một bên của hệ thống tiền đình ngoại biên chủ yếu gây ra bởi một bệnh cấp của tiền đình. Nếu nghiệm pháp (-), có thể là một rối loạn chức năng thần kinh trung ương.

Nghiệm pháp mắt búp bê (còn được gọi là nghiệm pháp xoay đầu nhanh): phương pháp khám này dùng để thử phản xạ tiền đình - nhãn cầu của người bệnh hôn mê hay còn tỉnh. Người bệnh còn tỉnh thì được yêu cầu chăm chú nhìn vào mũi (hay mắt) của bác sĩ khám. Dùng tay xoay đầu người bệnh thật nhanh sang phải rồi sang trái. Khi xoay đầu về phía kém chức năng tiền đình ngoại biên, mắt người bệnh sẽ giật mạnh và có thể xảy ra một chuỗi các pha giật để hiệu chỉnh lại đích nhìn. Nghiệm pháp khi đó được gọi là (+), người bệnh được xác định mắc một chứng bệnh của tiền đình mà không phải của thân não.

Lời khuyên của thầy thuốc:

Cần hiểu rõ chóng mặt có thể làm cho bạn mất thăng bằng, dễ té ngã dẫn đến chấn thương nghiêm trọng.

- Ngồi hay nằm xuống ngay lập tức khi bạn bắt đầu cảm thấy chóng mặt.

- Tránh thay đổi tư thế đột ngột, nằm xuống ngồi lên từ từ, nhất là khi quay hay xoay đầu.

- Bỏ hẳn hay giảm sử dụng những thứ không tốt cho tuần hoàn như: thuốc lá, rượu, cà phê, muối. Uống đủ nước.

- Giảm tối đa các stress và tránh các chất mà bạn dị ứng.

- Điều trị các nhiễm trùng, nhiễm lạnh, cúm, sung huyết xoang và các nhiễm trùng hô hấp.

- Loại bỏ các thảm dày trải sàn và các dây điện gây vấp ngã. Đặt thảm chống trượt trong bồn tắm và sàn buồng tắm.

- Tránh lái xe hay vận hành các máy móc nặng nếu bạn bị chóng mặt thường xuyên.

- Cầu thang hay lối đi lại phải được chiếu sáng tốt về đêm khi bạn rời khỏi giường.

- Chống gậy khi đi lại cho vững, nếu cần.

 GS.TS.BS. PHẠM KIÊN HỮU

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm