Một chứng bệnh hay gặp ở thầy cô giáo sau nhiều năm gắn bó với giảng đường là khàn tiếng. Chứng khàn tiếng ở thầy cô giáo thường do 3 nguyên nhân chính: viêm thanh quản mạn, hạt xơ dây thanh và cuối cùng là polyp dây thanh.
Rất dễ nhận thấy viêm mạn tính niêm mạc thanh quản khi nội soi Hạt xơ dây thanh
Trong lòng thanh quản có một cấu trúc gọi là dây thanh. Không khí được hít vào, thở ra khi đi ngang qua đây làm rung động dây thanh tạo nên âm thanh. Nói nhiều, nói to, la hét, nói lâu làm tổn thương dây thanh (thầy cô giáo, diễn viên kịch, người bán hàng, nhân viên sàn giao dịch chứng khoán…). Khi dùng dụng cụ nội soi dây thanh sẽ thấy các dạng thương tổn khác nhau trên dây thanh như: dây thanh dày và cứng, rung động kém (trong viêm thanh quản mạn), trên dây thanh có hạt xơ (trong hạt xơ dây thanh) hay có một “cục thịt thừa” trên dây thanh (còn gọi là polyp dây thanh). Các tổn thương như hạt xơ dây thanh, polyp dây thanh nếu để lâu không điều trị, hoặc điều trị không đúng phương pháp hoặc phẫu thuật có sai sót sẽ làm dây thanh bị “lõm” (lúc này bệnh nhân sẽ bị giọng “mái”, tức là nam nói giọng nữ và nữ lại nói giọng nam).
Viêm thanh quản mạn:
Nói nhiều trong thời gian dài gây nên viêm mạn tính lớp niêm mạc thanh quản khiến khàn tiếng, đôi khi mất tiếng hay tiếng nói “khào khào”. Rất dễ nhận thấy bệnh này khi nội soi thanh quản. Một khi bị bệnh, nên tuân thủ các phép điều trị sau:
- Nghỉ ngơi, hạn chế nói, hạn chế nói nhiều và nói to, sử dụng các dụng cụ hỗ trợ như miccrô, loa.
- Uống nhiều nước, đặc biệt là nước trà ấm. Bổ sung vitamin, hoa quả tươi.
- Thường xuyên vệ sinh mũi họng. Điều trị dứt điểm các bệnh: viêm họng, viêm xoang, viêm amiđan.
- Tránh các yếu tố kích thích: lạnh, khói bụi, thuốc lá: đeo khẩu trang, quàng khăn ấm.
- Chườm nóng trước cổ, súc miệng nhiều lần bằng trà, ngậm mật ong chanh.
- Không nên uống nước đá, khạc nhổ ảnh hưởng tới thanh quản.
- Tạo sự điều hòa giữa phát âm và thở.
- Xông hơi với các loại lá thơm có kháng sinh thực vật bay hơi như: lá cúc tần, lá chanh, lá bưởi, sả… Khí dung, chấm thuốc, bơm thuốc thanh quản hàng ngày.
Trên 2 dây thanh có hạt xơ làm cho 2 dây thanh khép không kín hoặc rung không đều. Làm cho phát âm nặng nề, tình trạng giọng nói ngày càng khàn, hay hụt hơi, gắng sức khi nói. Mức độ khàn phụ thuộc kích thước hạt xơ. Khàn giọng tăng nặng lên khi bị cảm lạnh, khi bị viêm họng hay khi la hét, hát hò nhiều. Cần tuân thủ các nguyên tắc điều trị sau:
- Tạm ngưng nói: bước điều trị đầu tiên. Giúp cải thiện chất giọng do giảm phù nề, teo bớt hạt xơ, nhưng triệu chứng khàn không rút lui hẳn. Triệu chứng khàn có thể tăng dần, ngoại trừ điều chỉnh tần suất và tần số giọng nói cho phù hợp (tức là thay đổi thói quen nói lớn, nói nhiều).
- Dùng thuốc kháng viêm: giảm phù nề, qua đó có giảm bớt khàn, nhưng không giải quyết tận gốc chứng khàn tiếng.
- Luyện âm: một phương pháp điều trị. Mục đích của luyện âm là giúp bệnh nhân nhận ra tình hình và những thói quen xấu của giọng nói sẽ sinh ra hạt dây thanh, từ dó giúp bệnh nhân tìm ra phương pháp cho giọng nói để giảm bớt tác động lên dây thanh. Tuy nhiên, cách này chỉ hiệu quả khi phát hiện sớm và cần nhiều thời gian lẫn công sức. Luyện âm giúp dây thanh mềm mại, uyển chuyển hơn nhằm cải thiện chất lượng giọng nói.
- Thủ thuật cắt hạt xơ: đa số trường hợp, khi hạt xơ đã xuất hiện trong một thời gian dài, các phương pháp điều trị khác đã lặp đi lặp lại nhiều lần nhưng không cải thiện được khàn giọng thì phương pháp này sẽ giải quyết tận gốc chứng khàn giọng.
Polyp dây thanh:
Ngoài triệu chứng khàn tiếng, bệnh nhân còn cảm thấy có vật gì vướng mắc trong cổ họng, phải khạc nhổ thường xuyên. Phương pháp điều trị triệt để là cắt polyp qua nội soi.
BS. NGÔ VĂN TUẤN
Theo suckhoedoisong.vn