Polyp mũi là một bệnh thường gặp của mũi với mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu ở người trưởng thành. Bệnh xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau và có thể gây biến chứng nếu không phát hiện, điều trị đúng, sớm.
Một số hình ảnh polyp mũi ở người bị viêm mũi xoang dị ứng.
Polyp mũi là một bệnh thường gặp của mũi với mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu ở người trưởng thành. Bệnh xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau và có thể gây biến chứng nếu không phát hiện, điều trị đúng, sớm.
Polyp mũi do đâu mà có?
Polyp mũi được hình thành từ lớp niêm mạc của mũi hoặc của các xoang, là hậu quả của phản ứng viêm nhiễm liên tục bởi vi sinh vật gây bệnh hoặc do phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh (vi sinh vật, bụi, khói, hóa chất...). Do viêm mũi mạn tính khiến các mạch máu ở niêm mạc mũi tăng tính thấm tạo điều kiện cho nước tích tụ trong các tế bào. Theo thời gian, trọng lực sẽ kéo các mô ứ nước này xuống dưới, hình thành các polyp. Có thể có một hoặc nhiều polyp, từng chùm như chùm nho, thường mềm và có ánh ngọc trai, đặc như thạch.
Nguyên nhân gây nên polyp mũi
Nguyên nhân gây bệnh polyp mũi chưa được xác định một cách chắc chắn nhưng đây là một bệnh có rất nhiều nguyên nhân gây nên, gồm các yếu tố ảnh hưởng xấu xuất phát từ bên trong (vi sinh vật gây bệnh, đặc biệt là vi nấm) hoặc bên ngoài (hoặc cả hai), do tác động của môi trường sống bị ô nhiễm (khói bụi, hóa chất, khói thuốc, ẩm ướt, nhà ở chật chội, không thông thoáng…). Bệnh thường xuất phát từ viêm mũi xoang hoặc viêm mũi xoang dị ứng, mạn tính, sổ mũi mùa hoặc do bệnh hen phế quản và xơ nang phổi không được điều trị triệt để hoặc do phản ứng miễn dịch của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Ngoài ra, polyp mũi còn gặp ở người nhạy cảm với thuốc aspirin, một số thuốc chống viêm không steroid (NSAID) hoặc do di truyền hoặc do tuổi cao làm cho sức đề kháng suy giảm dễ mắc các bệnh về nhiễm trùng, dị ứng mũi gây polyp mũi.polyp mũi
Biểu hiện của polyp mũi
Khi bị polyp mũi, người bệnh thường có các triệu chứng giống như viêm mũi, viêm xoang, đó là sổ mũi (chảy mũi nước xanh hoặc vàng, mùi hôi) thường xuyên xảy ra kèm theo nghẹt mũi. Nghẹt mũi một bên hoặc hai bên. Lúc đầu, người bệnh ít chú ý nhưng khi polyp lớn dần, lúc đó có cảm giác khó chịu, nhất là khi phải thở bằng miệng, đặc biệt là lúc nằm (nằm nghiêng bên nào sẽ nghẹt mũi bên đó). Ngoài ra, có thể khứu giác bị giảm, thậm chí mất khứu giác (mất mùi, nhất là bệnh nặng). Người bệnh có thể ngáy nhiều khi ngủ, thậm chí ngáy to. Người bệnh có cảm giác nặng đầu.
Biến chứng do polyp mũi
Khi polyp mũi còn nhỏ, đơn độc (một vài polyp), chưa gây ra biến chứng gì nhưng nếu polyp lớn hoặc nhiều polyp (đa polyp) có thể gây những biến chứng cho người bệnh. Biến chứng thường hay gặp nhất là viêm xoang cấp hoặc mạn tính, khó thở tắc nghẽn mũi lúc ngủ gây khó chịu cho người bệnh, nhất là trẻ nhỏ và phải thở bằng mồm. Nếu thở bằng mồm kéo dài, về sau có thể làm biến dạng hàm răng (vẩu). Có thể gây biến đổi cấu trúc của mặt làm cho hai mắt xa nhau một cách bất thường, tuy vậy, biến chứng này hiếm gặp và thường xảy ra nhất ở những bệnh nhân xơ nang phổi.
Nguyên tắc điều trị
Khi nghi bị polyp mũi, cần khám chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị sớm bằng cách dùng thuốc. Khi polyp có kích thước lớn hoặc nhiều polyp gây khó thở có thể cần can thiệp ngoại khoa.
Có thể phòng được không?
Cần vệ sinh sạch sẽ mũi họng hằng ngày bằng cách đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy, khi ra đường nên đeo khẩu trang để tránh mắc các bệnh về tai mũi họng. Nhà ở cần thông thoáng, tránh tiếp xúc với khói, bụi, không hút thuốc trong nhà.
Khi bị polyp mũi và hen phế quản kết hợp, không dùng thuốc aspirin và các biệt dược có chứa aspirin vì có thể gây khó thở đột ngột và nghiêm trọng.
PGS.TS.BS. Bùi Khắc Hậu
Theo suckhoedoisong.vn