Đối với người lớn và trẻ nhỏ, các biểu hiện ban đầu của hạ canxi máu có thể chưa xuất hiện nên thường không được chú ý.
Khi bị hạ canxi máu do dùng thuốc, người bệnh có
thể sử dụng bổ sung bằng các thực phẩm giàu canxi.
Đối với người lớn và trẻ nhỏ, các biểu hiện ban đầu của hạ canxi máu có thể chưa xuất hiện nên thường không được chú ý. Tuy nhiên, người bệnh và người nhà nên chú ý đến các biểu hiện của bệnh này, nhất là khi có sử dụng một số loại thuốc điều trị loãng xương, loét dạ dày - tá tràng...
Hạ canxi máu xảy ra bất cứ lúc nào, trong thực tế, để phát hiện hạ canxi huyết, trước hết dựa vào các triệu chứng lâm sàng (người bệnh tự thấy hoặc người nhà, bác sĩ phát hiện). Hạ canxi máu khởi đầu bằng các triệu chứng: tê môi, lưỡi, các đầu ngón tay, đầu ngón chân, sau đó là sự co cơ khắp cơ thể. Co thắt các cơ ở tay tạo ra dấu hiệu “bàn tay đỡ đẻ”: (các ngón tay không xòe ra được). Co thắt các cơ ở chân tạo ra “dấu bàn đạp”: bàn chân duỗi ra như thể đang đạp xe đạp. Hạ canxi cũng đồng thời làm co thắt các cơ vùng mặt và các cơ toàn thân gây đau đớn; co thắt các cơ hô hấp gây khó thở. Nhưng để đánh giá đúng hạ hoặc giảm canxi huyết phải xét nghiệm máu. Sau khi xét nghiệm thấy nồng độ canxi huyết thanh toàn phần dưới 8,8mg/dl (2,20mmol/l) trong điều kiện protein huyết thanh bình thường hoặc canxi ion hóa dưới 4,7mg/dl (1,17mmol/l) được gọi là thiếu hoặc hạ canxi huyết.Khi bị hạ canxi máu do dùng thuốc, người bệnh có thể sử dụng bổ sung bằng các thực phẩm giàu canxi.
Các thuốc gây hạ canxi máu
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra tình trạng hạ canxi máu như thiếu hụt canxi do thiếu chất, thiếu hụt vitamin D, magie, suy tuyến cận giáp và do thuốc. Một số thuốc có thể làm ảnh hưởng đến giảm nồng độ canxi trong máu là:
Nhóm thuốc bisphosphonat như alendronat, etidronat, ibandronat (thuốc dùng để điều trị loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh hoặc loãng xương do dùng quá lâu dài thuốc corticosteroids điều trị bệnh về khớp, bệnh hen, Lupus, dị ứng, đặc biệt là bệnh hen suyễn có khi phải dùng corticsteroids suốt đời...). Lý do nhóm thuốc bisphosphonat gây hạ canxi huyết là vì thuốc làm ức chế sự hình thành hormon tuyến giáp từ đó gây ra tác dụng không mong muốn là hạ canxi huyết. Một số thuốc chống động kinh (phenobacbital...) có tác dụng phụ là ngăn cản gan chuyển hóa vitamin D thành dạng hoạt tính giúp hấp thu canxi cho cơ thể, nếu dùng thuốc này lâu, kéo dài sẽ làm hạ can xi huyết.
Thuốc calcitonin (thyrocalcitonin) cũng là một hormon tuyến giáp do một loại tế bào sản sinh ra. Calcitonin có tác dụng ức chế quá trình hủy xương bởi chúng có khả năng làm hạn chế hiện tượng mất canxi ở xương, vì vậy sẽ làm giảm nồng độ canxi trong máu, do đó, nếu sử dụng calcitonin liều cao trong một thời gian dài sẽ gây ra tác dụng phụ là hạ canxi máu.
Thuốc bơm proton: Người lớn và trẻ em đều có thể mắc bệnh về dạ dày - tá tràng (viêm loét dạ dày tá tràng, hội chứng trào ngược dạ dày thực quản...) và ngày nay, thuốc dùng để điều trị thường có loại PPI là loại ức chế bơm proton, có 5 thế hệ (omeprazole, lansoprazole, pantoprazole, rabeprazole, esomeprazole). Nhóm thuốc này ngoài tác dụng ức chế sinh dịch vị, chúng còn có tác dụng ức chế sự hấp thụ canxi, trong khi đó để điều trị bệnh dạ dày, đôi khi phải dùng đến chúng vài tháng hoặc lâu hơn, nhất là những bệnh nhân ổ loét sâu hoặc loét ở những vị trí nguy hiểm (bờ cong nhỏ, tiền môn vị, môn vị hoặc bệnh trào ngược dạ dày - thực quản hay tái phát) như vậy sẽ càng dễ làm giảm canxi máu.
Thuốc lợi tiểu furosemid: Thuốc làm tăng thải trừ những chất điện giải kèm theo tăng bài xuất nước nhưng cũng làm tăng đào thải canxi, magie trong cơ thể. Chính vì tác dụng này mà thuốc gây hiện tượng giảm canxi trong máu.
Ngoài ra, các thuốc có chứa estrogen, thuốc hạ huyết áp, magie, thuốc chống co giật (phenytoin, phenobarbital) và rifampicin (các thuốc này biến đổi chuyển hóa của vitamin D), các thuốc cản quang chứa ethylenediaminetetraacetate... cũng có thể gây hạ canxi máu, cần được chú ý khi sử dụng.
Làm gì để hạn chế hạ canxi huyết do dùng thuốc?
Một số bệnh, khi dùng thuốc có thể bị hạ canxi huyết, vì vậy, nên khám bệnh định kỳ để phát hiện có giảm canxi huyết hay không. Nếu có bác sĩ điều trị sẽ có phương hướng giải quyết kịp thời. Những trường hợp phải dùng thuốc, biết rằng chúng có thể gây hạ canxi huyết, nên có chế độ dinh dưỡng nhiều canxi (tôm, cua, ốc, nghêu, sò, mực...) và ăn các loại rau củ như cải thìa, đậu bắp, hoa cải, bí xanh, củ cải, đậu trắng, lạc, đậu đỏ, đậu xanh. Hàng ngày nên ra nắng khoảng từ 10-15 phút để da tổng hợp vitamin D.
TS.BS. Bùi Bảo Linh
Theo suckhoedoisong.vn