Trong các tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì thu nhập được coi là tiêu chí “cốt lõi”, tạo đòn bẩy để thực hiện các tiêu chí khác. Do vậy, trong quá trình xây dựng NTM, các địa phương luôn chủ động khai thác, phát huy hết những tiềm năng lợi thế và đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, theo đánh giá của các xã nông thôn mới, để đạt được tiêu chí thu nhập đã là khó, nhưng việc duy trì và nâng cao tiêu chí này còn khó hơn. Đây có thể coi như một thách thức đòi hỏi các xã nông thôn mới luôn phải nỗ lực thường xuyên với nhiều giải pháp.
Mô hình chăn nuôi theo hình thức VAC của gia đình ông Bùi Ngọc Bảo, xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên cho thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng/năm
Thanh Trù cán đích nông thôn mới vào năm 2014, diện mạo xã đã có nhiều đổi thay tích cực, cùng với đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Tuy là một xã ven đô của Thành phố Vĩnh Yên nhưng phần lớn người dân trong xã là làm nông nghiệp và lao động phổ thông nên việc nâng cao và giữ vững tiêu chí cho người dân là điều không đơn giản. Trao đổi với PV về vấn đề này Bà Phùng Thị Thúy Hiền, Phó chủ tịch UBND xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Đối với một xã ven đô thị, cuộc sống của người dân trước đây chủ yếu sống vào sản xuất nông nghiệp và làm nghề sản xuất gạch ngói thủ công, do vậy để nâng cao thu nhập cho người dân sau khi xóa lò gạch thủ công là một chuyện không hề dễ đối với xã Thanh Trù. Tuy nhiên, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Đảng ủy, chính quyền xã đã xác định cần phải chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng tăng tỷ trọng thương mại, dịch vụ, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Trên cơ sở đó, xã đã tích cực vận động, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân mạnh dạn đầu tư phát triển tiểu thủ công nghiệp và thương mại dịch vụ, đa dạng hóa các ngành nghề, hàng hóa kinh doanh; tăng cường các hoạt động xuất khẩu lao động; tích cực đưa các cây, con giống có giá trị vào sản xuất, đồng thời đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại để nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, thu nhập của người dân địa phương luôn ổn định và tăng cao theo hàng năm. Năm 2016 dự kiến thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 32 triệu đồng/ người/ năm tăng gần 4 triệu đồng so với năm 2015”.
Gia đình ông Bùi Ngọc Bảo, thôn Vinh Quang là một trong những gia đình tiên phong của xã Thanh Trù trong việc mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế gia đình theo hướng trang trại VAC. Với diện tích trên 3 ha, gia đình ông đang nuôi trên 70 con lợn rừng, lợn thương phẩm, hơn 300 gốc bưởi, xoài và hơn 1 ha diện tích thủy sản nuôi các loại cá thương phẩm có giá trị cao như: Nheo, Trắm cỏ, Trắm đen, Rô phi đơn tính… Hàng năm mô hình VAC đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu lãi từ 150 – 200 triệu đồng và giải quyết việc làm thường xuyên cho các thành viên trong gia đình.
Xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường chú trọng phát triển thương mại, dịch vụ nhằm nâng cao thu nhập cho người dân.
Xã Bình Dương huyện Vĩnh Tường cũng là xã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới vào năm 2014. Việc duy trì và nâng cao tiêu chí “ thu nhập” luôn được Đảng ủy, chính quyền xã quan tâm, thực hiện. Ông Phan Văn Nghê, Phó chủ tịch UBND xã chia sẻ: “ Tiêu chí thu nhập là một tiêu chí quan trọng, “cốt lõi” để nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn. Tuy nhiên, đây được coi là tiêu chí động, dễ bị thay đổi đòi hỏi các địa phương cần nhiều giải pháp, hướng đi riêng, cách làm phù hợp để duy trì và nâng cao hiệu quả của tiêu chí thu nhập. Đối với xã Bình Dương, sau khi hoàn thành chương trình xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng nhất là hệ thống giao thông nông thôn được đầu tư, mở rộng tạo thuận lợi cho người dân trong việc đi lại, giao thương hàng hóa, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, với lợi thế là nằm gần thị trấn Thổ Tang nơi có hoạt động giao thương buôn bán sầm uất và gần trung tâm huyện Vĩnh Tường, do vậy chúng tôi luôn khuyến khích và tạo điều kiện cho người dân trong việc phát triển thương mại – dịch vụ, công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Hiện nay, trên địa bàn xã có 860 hộ phát triển tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho trên 2.600 lao động; 685 hộ làm nghề dịch vụ, thương mại, tạo việc làm cho gần 1.600 lao động; trên 100 hộ kinh doanh vận tải. Hầu hết các hộ kinh doanh thương mại – dịch vụ và tiểu thủ công nghiệp đều có thu nhập ổn định và có mức sống khá giả. Cùng với thương mại, dịch vụ địa phương luôn chú trọng phát triển nông nghiệp một cách bền vững, khai thác hiệu quả diện tích đất nông nghiệp hiện có trên địa bàn, đưa các cây, con giống có giá trị, năng suất và tích cực đưa tiến bộ KHKT vào sản xuất, xây dựng các mô hình nông nghiệp hàng hóa năng suất, chất lượng cao để tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị canh tác. Nhờ vậy mà thu nhập bình quân đầu người năm 2015 của xã đạt gần 29 triệu đồng/ người/ năm, dự kiến năm 2016 tăng lên trên 30 triệu đồng/ người/ năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 3% . Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư khang trang, sạch đẹp”.
Xác định thu nhập là tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, tỉnh ta đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, ban hành nhiều cơ chế, chính sách tạo động lực, khuyến khích người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung chuyên canh, thâm canh cao với phương thức sản xuất tiên tiến theo hướng công nghiệp, hiện đại và các vùng chăn nuôi tập trung với quy mô lớn, từ đó tạo ra hướng đi mới liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp từng bước định hình phát triển chăn nuôi ổn định và bền vững. Đồng thời, từng bước khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống để tạo việc làm thường xuyên và nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn. Nhờ vậy, hết năm 2015, toàn tỉnh đã có 2 huyện và 68/112 xã đạt chuẩn NTM, trong đó riêng tiêu chí thu nhập đã có 97/112 xã đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ về Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2,5%. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn trên địa bàn ngày càng được nâng lên./.
Bài, ảnh: Thu Hoài