Cập nhật: 04/12/2016 10:46:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các nghiên cứu đã cung cấp cho chúng ta một vài gợi ý về các nguyên nhân của bệnh viêm ruột. Nguyên nhân của bệnh viêm ruột đã được chứng minh là do sự phối hợp của các yếu tố về gen và môi trường.

Bệnh viêm ruột, bao gồm cả bệnh Crohn và bệnh viêm loét đại tràng là một căn bệnh còn nhiều điều bí ẩn. Cả 2 tình trạng này đều là tình trạng mãn tính và nghiêm trọng, có nguyên nhân là do một phản ứng miễn dịch bất thường, dẫn đến tiêu chảy, đau quặn bụng, chảy máu trực tràng, sốt, đau khớp, mất cảm giác ngon miệng và mệt mỏi. Đó là chưa kể đến các biến chứng của viêm ruột như rò ruột hoặc các biến chứng nghiêm trọng khác cần phải phẫu thuật để cắt bỏ đoạn ruột bị viêm đi.

Dưới đây là một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến nguy cơ bị viêm ruột của bạn.

Nơi bạn sinh sống

Những người sống ở các quốc gia phương Tây như Mỹ và châu Âu có nguy cơ bị bệnh viêm ruột cao hơn so với những người sống tại các khu vực khác trên thế giới. Nguyên nhân có thể là do các yếu tố liên quan đến lối sống như hút thuốc lá, chế độ ăn hoặc do ô nhiễm không khí. Tuy nhiên trong khoảng 20 năm trở lại đây, các nước Mỹ Latin, Nhật Bản, Đông Nam Á và Ấn Độ là những khu vực có những ca bùng phát bệnh viêm ruột.

Tuổi

Mặc dù có một sự tăng vọt các ca bệnh mới mắc viêm ruột ở những người trong độ tuổi từ 50-60 tuổi, nhưng đa số các ca bệnh viêm ruột đều đang ở tuổi thanh thiếu niên hoặc là người trưởng thành trẻ tuổi. Và các bác sỹ nhi khoa tin rằng, bệnh viêm ruột đang có xu hướng “trẻ hóa”. Khoảng 15% số bệnh nhân mắc bệnh viêm ruột trước tuổi 18. Và có những bằng chứng tương đối xác thực cho thấy, bạn bị bệnh càng trẻ, thì bệnh càng diễn biến nghiêm trọng. Có một số chuyên gia cho rằng, nếu bệnh phát triển sớm thì nguyên nhân do gen sẽ nhiều hơn, còn nếu bệnh phát triển muộn, thì có thể đó là do các yếu tố về môi trường.

Tình trạng hút thuốc

Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe là một điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, vì một số lý do, mà người hút thuốc sẽ có nguy cơ bị viêm loét đại tràng thấp hơn. Nhưng với bệnh Crohn thì ngược lại. Bệnh Crohn sẽ phổ biến ở những người hút thuốc lá hơn, và việc hút thuốc lá cũng làm các triệu chứng bệnh Crohn diễn biến nặng hơn ở những người này.

Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa

Những người (thường là những người dưới 20 tuổi) đã từng phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa vì viêm ruột thừa sẽ có nguy cơ bị viêm loét đại tràng thấp hơn và nếu mắc bệnh thì bệnh sẽ ở dạng nhẹ hơn. Tuy nhiên, việc cắt bỏ ruột thừa chỉ đem lại lợi ích nếu phẫu thuật được tiến hành trước khi bệnh viêm loét đại tràng được chẩn đoán.

Những người đã bị viêm loét đại tràng rồi sẽ không thu được lợi ích gì từ việc phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa cả. Các nghiên cứu cũng cho thấy rằng, việc cắt bỏ ruột thừa cũng có thể trì hoãn việc phát triển bệnh Crohn. Mối liên quan này có thể là do hệ miễn dịch. Việc cắt bỏ ruột thừa có thể dẫn đến thay đổi một số đáp ứng miễn dịch và có thể sẽ cung cấp miễn dịch bảo vệ chống lại bệnh viêm loét đại tràng.

Tiền sử gia đình

Tiền sử gia đình chắc chắn là một yếu tố làm tăng nguy cơ bị viêm ruột của bạn. Tuy nhiên, các yếu tố liên quan đến di truyền phức tạp hơn bạn nghĩ. Có khoảng 30 gen có liên quan đến bệnh viêm loét đại tràng và 71 gen liên quan đến bệnh Crohn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, yếu tố môi trường mới là yếu tố đầu tiên kích hoạt sự phát triển của 2 tình trạng bệnh này. Sự phối hợp của các yếu tố về di truyền và môi trường là hoàn toàn đúng. Bởi, với các cặp song sinh cùng trứng, nếu một người bị bệnh Crohn thì nguy cơ người còn lại cũng bị bệnh Crohn chỉ là 50%. Với bệnh viêm loét đại tràng, con số này còn thấp hơn, chỉ là 6%.

Tiếp xúc với các loại ký sinh trùng

Có một giả thuyết được đưa ra là, việc tiếp xúc với các ký sinh trùng đường ruột có thể làm giảm nguy cơ bị bệnh viêm ruột. Nhiều nhà khoa học tin rằng, hệ miễn dịch của con người đã phải tiến hóa qua hàng triệu năm để đối phó với các tác nhân xâm lược từ bên ngoài.

Những người sống ở các quốc gia phát triển, có điều kiện sống tốt, có thể sẽ ít tiếp xúc với các loại ký sinh trùng hơn và do vậy có thể sẽ có các đáp ứng miễn dịch bất thường khi gặp vi sinh vật lạ, và gây ra bệnh viêm ruột. Tuy nhiên, giả thuyết này vẫn chưa được chứng minh. Một số nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu xem liệu việc điều trị bệnh viêm ruột bằng các ký sinh trùng đường ruột có thể giúp làm giảm nhẹ triệu chứng hay không.

Dùng thuốc

Các yếu tố môi trường ảnh hưởng đến nguy cơ bệnh viêm ruột có thể bao gồm cả việc dùng thuốc. Ví dụ, một số nghiên cứu đã cho thấy mối liên quan giữa việc dùng thuốc tránh thai hàng ngày trong thời gian dài với việc tăng nguy cơ bị viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Trị liệu hormone thay thế trong thời gian dài cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh Crohn. Các loại thuốc khác, ví dụ như isotretinoin dùng để trị mụn, cũng đóng một vai trò nhất định. Các loại thuốc giảm đau không chứa steroid (NSAID) cũng có thể làm nặng thêm các triệu chứng viêm ruột nhưng không làm tăng nguy cơ mắc bệnh của bạn.

Chế độ ăn

Có một số nghiên cứu mâu thuẫn nhau về việc, liệu một số thói quen ăn uống nhất định có làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm ruột hay không. Một nghiên cứu tại Nhật Bản báo cáo lại rằng, phụ nữ tiêu thụ nhiều protein, đặc biệt là protein động vật sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh Crohn. Một số nghiên cứu khác, lại thấy rằng, có mối liên quan giữa chế độ ăn giàu chất béo và nhiều đường với tình trạng viêm ruột.

Chủng tộc

Bệnh viêm ruột phổ biến ở những người da trắng có nguồn gốc Bắc Âu hơn, so với người dân có gốc Do Thái. Nguyên nhân là do những nhóm người nay thường có các gen liên quan với bệnh viêm ruột nhièu hơn, cũng như sống ở các khu vực công nghiệp nhiều hơn.

Tuy nhiên, tới nay, khoảng cách về dân tộc đang được thu hẹp lại. Các triệu chứng viêm ruột cũng có thể sẽ khác nhau giữa các nhóm dân tộc khác nhau, và đây là một lĩnh vực cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn. Một số nghiên cứu cho rằng, người Mỹ gốc Phi sẽ có thể cần phải phẫu thuật vì bệnh viêm ruột nhiều hơn là người da trắng.

Vi khuẩn trong ruột

Đường ruột có chứa hàng nghìn tỷ vi khuẩn giúp bạn tiêu hóa thức ăn. Chúng là những lợi khuẩn, hay vi khuẩn có lợi. Tuy nhiên, nếu bạn bị nhiễm các loại vi khuẩn có hại, ví dụ như salmonella và  campylobacter, thì có thể những loại vi khuẩn này sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm ruột của bạn. Cả 2 loại vi khuẩn này đều có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua thức ăn bị nhiễm bẩn và là nguyên nhân gây ra hàng nghìn ca ngộ độc thức ăn mỗi năm.

Liên Hương

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm