Cập nhật: 05/12/2016 08:40:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tỷ lệ mắc ung thư đang gia tăng ở các nước đang phát triển. Thực hiện những thói quen sống lành mạnh như dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư.


1. Tránh xa thuốc lá dưới mọi hình thức

Trong khi hút thuốc có thể gây ung thư ở các bộ phận khác nhau của cơ thể như phổi, dạ dày, thực quản, tụy và khoang miệng, sử dụng các loại thuốc lá đường miệng cũng làm gia tăng nguy cơ mắc các loại ung thư miệng khác nhau. Thậm chí hít phải khói thuốc cũng là yếu tố nguy cơ lớn gây ung thư, vì vậy nên tránh xa thuốc lá dưới mọi hình thức.

2. Ăn nhiều hoa quả và rau củ

Hoa quả và rau củ giàu các chất dinh dưỡng và chất xơ có lợi cho cơ thể. Thiếu những loại vi chất dinh dưỡng nhất định có thể làm tăng nguy cơ phát triển ung thư. Chất xơ có trong hoa quả và rau củ giúp ngăn cản các gốc tự do gây ung thư tiếp xúc với đường tiêu hóa. Do vậy, tiêu thụ lượng hoa quả và rau củ thích hợp có thể giảm khả năng phát triển ung thư ruột.

3. Tránh xa thịt chế biến sẵn

Tiêu thụ quá nhiều thịt chế biến sẵn đặc biệt là thịt đỏ có liên quan với gia tăng nguy cơ ung thư đại tràng, ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, một số chuyên gia tin rằng ăn thịt đỏ ở lượng vừa phải có thể giảm nguy cơ phát triển ung thư và nó là một nguồn protein, vitamin và khoáng chất tốt. Bộ Y tế Anh đã kêu gọi người dân cắt giảm lượng tiêu thụ thịt đỏ từ 90g/ngày xuống 70g/ngày để giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng. Tại Ấn Độ, người ta ít sử dụng thịt đỏ mà thay vào đó là những nguồn thực phẩm giàu protein khác. Nếu bạn là người thích thịt đỏ, bạn có thể ăn 2 lần/tuần là hợp lý.

4. Ăn vừa đủ carbohydrat

Carbohydrat là nguồn năng lượng, chất xơ và glucose chính. Tuy nhiên, thừa carbohydrat lại có thể gây hại. Carbohydrat phức có trong rau và hoa quả tươi, các loại đậu, các loại hạt và ngũ cốc toàn phần chưa chế biến như gạo nâu, lúa mì vv…Carbohydrat đơn có trong gạo trắng, đường trắng, mì trắng và các thực phẩm tinh thế khác. Carbohydrat đơn có thể gây rối loạn hàm lượng đường huyết và tăng nguy cơ phát triển một số loại ung thư như ung thư đại tràng, ung thư vú bằng cách tăng bài tiết yếu tố tăng trưởng 1 giống insulin – có thể dẫn tới khối u.  

5. Duy trì cân nặng hợp lý

Chỉ số BMI là chỉ số quan trọng về cân nặng và tốt nhất là nên theo dõi chặt chẽ nó. Thừa cân hoặc béo bụng có liên quan tới nguy cơ cao hơn bị ung thư đại tràng, vú và nội mạc tử cung vì mỡ tích tụ ở những khu vực này làm tăng khả năng phát triển khối u. Mô mỡ sản sinh nhiều estrogen, mà lượng hormon này cao có liên quan với nguy cơ ung thư vú, nội mạc tử cung và các dạng ung thư khác. Béo phì thường làm tăng lượng insulin và yếu tố tăng trưởng 1 giống insulin, từ đó tăng nguy cơ phát triển khối u.

6. Sử dụng kem chống nắng

Tiếp xúc với ánh nắng quá nhiều liên quan trực tiếp tới những loại ung thư da nhất định. Do vậy, cần bảo vệ cơ thể khỏi tia cực tím bằng cách hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và mặc quần áo bảo vệ, đeo kính khi ra ngoài trời ngay cả khi trời râm.

7. Tiêm phòng

Có một số loại ung thư có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. Tiêm vắc xin viêm gan b làm giảm tỷ lệ mắc bệnh gan mạn tính và ung thư gan. Nhiễm vi-rút u nhú ở người (HPV) có liên quan trực tiếp tới sự phát triển ung thư cổ tử cung và ung thư vùng đầu và cổ ở nam giới. Vì vậy, hãy tư vấn bác sĩ để nhận được lời khuyên.

8. Quan hệ tình dục an toàn

Bạn có thể bị những loại ung thư nhất định từ các hoạt động tình dục không được bảo vệ và không an toàn. Có sự gia tăng tỷ lệ ung thư cổ tử cung ở những người có nhiều bạn tình. Bạn cũng có thể bị nhiễm HIV và viêm gan C vốn có thể gây ra các loại ung thư khác. Vì vậy hãy thực hành tình dục an toàn để giảm nguy cơ ung thư.

9. Kiểm tra sức khỏe thường xuyên

Kiểm tra sức khỏe thường xuyên có thể phát hiện ung thư sớm. Ví dụ, làm xét nghiệm phết cổ tử cung (Pap test) trước tuổi 40 và chụp nhũ ảnh hàng năm giúp giảm tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung và ung thư vú ở phụ nữ.

BS Cẩm Tú

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm