Cập nhật: 06/12/2016 09:26:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo các kết quả của một nghiên cứu tiền lâm sàng được đăng trên tờ Cancer Research của Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ...

Theo các kết quả của một nghiên cứu tiền lâm sàng, được đăng trên tờ Cancer Research của Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ, phụ nữ béo phì có thể loại trừ tăng nguy cơ ung thư vú khi mãn kinh bằng cách thực hiện các biện pháp quanh giai đoạn mãn kinh để phòng ngừa tăng cân và kiểm soát các tác động chuyển hoá của béo phì.

TS Paul S. MacLean, PGS Nội khoa tại Trung tâm Sức khoẻ và Hạnh phúc Anschutz ĐH Colorado ở Aurora, Colo nói “Phụ nữ mãn kinh béo phì tăng nguy cơ mắc ung thư vú và có kết quả lâm sàng xấu hơn so với những phụ nữ gầy mãn kinh. Lý do dẫn đến điều này còn chưa rõ”.

“Rất tiếc là khó thực hiện các nghiên cứu cần thiết để làm rõ vấn đề này ở người. Vì vậy, chúng tôi đã sử dụng các mô hình chuột béo phì, ung thư vú và mãn kinh để mô phỏng tốt nhất mối liên quan giữa béo phì tiền mãn kinh và tăng tỉ lệ ung thư vú sau mãn kinh”.

Trong thời kỳ mãn kinh, phụ nữ thường tăng cân do họ ăn nhiều hơn mức mà cơ thể họ cần. Trong một nghiên cứu trước, MacLean và các đồng nghiệp đã sử dụng chuột và thấy rằng tăng cân sau phẫu thuật cắt buồng trứng, mô hình giống mãn kinh, thúc đẩy phát triển khối u vú ở chuột béo phì.

Trong nghiên cứu này, họ xác nhận rằng cả béo phì và ăn nhiều sau phẫu thuật cắt buồng trứng đều thúc đẩy tăng trưởng và tiến triển khối u ác tính.

Một lý do là chuột béo phì không thể giải quyết được các nguồn năng lượng dư thừa, dưới dạng glucose và chất béo từ thực phẩm, vốn tích tụ do hậu quả của cho ăn quá nhiều sau phẫu thuật cắt buồng trứng. Chuột gầy tích trữ glucose thừa và chất béo từ từ thực phẩm vào trong gan, mỡ, cơ và các mô vú lành, là đáp ứng chuyển hoá bình thường khi ăn nhiều. Ngược lại, các mô lành của chuột béo phì không thể hấp thụ thêm glucose và chất béo từ thực phẩm, nhưng các khối u vú lại hấp thụ mạnh glucose.

Một lý do thứ hai về tăng trưởng và tiến triển khối u ở chuột béo phì so với chuột gầy là vì các khối u từ hai nhóm chuột là có những đặc tính phân tử khác nhau. Các khối u của chuột béo phì có mức biểu hiện thụ thể progesteron (PR) cao hơn, vốn có liên quan với tăng biểu hiện gen liên quan đến sử dụng năng lượng và tăng sinh.

Mô hình tương tự về tăng biểu hiện gen, liên quan với sử dụng năng lượng và tăng trưởng tế bào, được thấy ở các khối u vú dương tính PR người từ phụ nữ mãn kinh. Theo MacLean, bằng chứng xác đáng, cho thấy béo phì và cho ăn nhiều trong giai đoạn chuyển tiếp mãn kinh thúc đẩy tăng trưởng và tiến triển khối u, là thuốc trị tiểu đường metformin làm giảm gánh nặng u ở chuột béo phì sau phẫu thuật cắt buồng trứng.

MacLean nói “Nếu các kết quả của chúng tôi trên chuột đúng ở người thì điều này đồng nghĩa với giai đoạn quanh thời kỳ mãn kinh là giai đoạn cửa sổ quan trọng để xác định nguy cơ ung thư vú sau này. Điều này có nghĩa rằng nguy cơ phụ nữ béo phì bị ung thư vú sau mãn kinh và kết quả lâm sàng kém có thể giảm bằng những thay đổi lối sống trong giai đoạn mãn kinh, như hạn chế tiêu thụ thực phẩm, tăng tập luyện và/hoặc sử dụng các thuốc trong thời gian mãn kinh như metformin để cải thiện kiểm soát chuyển hoá”.

MacLean và các đồng nghiệp hiện đang đánh giá giả thiết này trên mô hình chuột.

Thái Mỹ

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm