Cập nhật: 08/12/2016 09:23:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trong các bệnh về đường hô hấp thì viêm mũi là bệnh thường gặp nhất với triệu chứng điển hình là ngạt mũi, chảy nước mũi…

 

Phải rửa mũi trước khi dùng các thuốc điều trị viêm mũi.

Trong các bệnh về đường hô hấp thì viêm mũi là bệnh thường gặp nhất với triệu chứng điển hình là ngạt mũi, chảy nước mũi… khiến bệnh nhân cảm thấy khó chịu, mệt mỏi và có nhu cầu dùng thuốc để điều trị bệnh.

Viêm mũi có thể do cảm cúm, dị ứng, do nhiễm khuẩn… Căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh để lựa chọn dùng thuốc cho phù hợp. Cần lưu ý, chỉ dùng thuốc kháng sinh khi nguyên nhân gây viêm mũi là do vi khuẩn. Còn các trường hợp viêm mũi do cảm cúm, dị ứng chỉ cần dùng thuốc điều trị triệu chứng như thuốc chống dị ứng, chống ngạt mũi, nước muối sinh lý…

Thuốc rửa mũi: Dùng dung dịch nước muối loãng hoặc NaCl 0,9% (nước muối sinh lý) để rửa mũi bằng cách cho dung dịch nước muối vào lọ nhựa sạch rồi nhỏ vài giọt vào hốc mũi, sau đó cúi xuống và xì sạch dịch mũi. Thực hiện như vậy vài lần vào các buổi sáng, chiều, tối. Rửa mũi có tác dụng làm sạch mũi, làm loãng dịch tiết trong mũi và chống khô mũi. Các dịch tiết và bụi bẩn sẽ được tống ra khỏi mũi thông qua việc xì mũi, hắt hơi hoặc hút rửa mũi. Tuy nhiên, chúng ta phải lưu ý vấn đề giữ vệ sinh các chai, lọ xịt nhỏ mũi, nhất là phần tiếp xúc với mũi để tránh nhiễm khuẩn ngược dòng vào trong chai lọ, khi đó, lần dùng tiếp theo vô tình đưa vi khuẩn này vào mũi khiến bệnh dai dẳng, kéo dài. Tốt nhất không nên dùng chung lọ xịt, nhỏ mũi.

Cần lưu ý, khi bị viêm mũi, ngạt mũi, cần làm sạch mũi với nước muối sinh lý trước, trước khi dùng các thuốc điều trị khác. Rất nhiều trường hợp chỉ cần rửa mũi đúng cách đã đạt hiệu quả rõ rệt.

Thuốc chống dị ứng: Phổ biến nhất là các thuốc như chlorpheniramin, promethazin, loratadine… Đây là các kháng histamin, rất hiệu quả khi điều trị triệu chứng dị ứng như ho, sổ mũi nước, nổi mề đay, ngứa. Nhưng nhược điểm của thuốc là gây buồn ngủ (như chlorpheniramin, promethazin). Vì vậy, khi dùng thuốc, người bệnh cần tránh làm việc đòi hỏi sự tập trung, tỉnh táo như lái xe, làm việc trên cao… và không uống rượu khi đang phải dùng thuốc.

Thuốc điều trị nghẹt mũi, làm thông mũi: Gồm các thuốc như naphazolin, xylometazolin, oxymetazolin… Khi nhỏ thuốc vào niêm mạc mũi, các thuốc này có tác dụng làm co mạch tại chỗ, do đó giảm lưu lượng máu qua mũi giúp giảm sưng và sung huyết làm cho mũi hết ngạt và dễ thở tạm thời. Thuốc được dùng dưới dạng nhỏ mũi hoặc khí dung xịt vào mũi, có tác dụng nhanh, duy trì trong nhiều giờ. Vì thế, mỗi ngày chỉ nên nhỏ từ 2-3 lần và chỉ nên dùng trong vòng 7 ngày. Không dùng thuốc kéo dài vì dễ có tác dụng ngược, làm mũi bị nghẹt nhiều hơn. Không nên dùng thuốc cho người bị tăng huyết áp, xơ vữa động mạch, mạch nhanh, người bị viêm mũi mạn tính.

Thuốc chống viêm corticoid: Các thuốc này có hiệu quả nhất trong việc điều trị tất cả các thể viêm mũi, xoang mạn tính. Thuốc làm giảm tất cả các triệu chứng như ngứa niêm mạc mũi xoang, do đó làm thông mũi và giải quyết ứ tắc mũi xoang. Thuốc này tương đối an toàn khi sử dụng lâu dài do ít bị hấp thu vào máu.

Các thuốc kháng sinh: Việc dùng thuốc kháng sinh cần theo chỉ định của bác sĩ mà người bệnh cần tuân thủ điều trị. Nếu dùng thuốc không đúng chỉ định, vi khuẩn sẽ nhờn thuốc gây bùng phát bệnh trở lại.

BS. Nguyễn Bích Ngọc

Theo suckhoedoisong.vn

Tệp đính kèm