Cập nhật: 09/12/2016 09:09:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Với nhiều đầu sách hấp dẫn cùng không gian ngoài trời thoải mái, mô hình Thư viện xanh của các trường tiểu học tỉnh Bắc Ninh đang mang đến cho học sinh những kiến thức phong phú, khơi dậy niềm đam mê đọc sách trong các em, góp phần phát triển văn hóa đọc trong môi trường học đường.

 

Các em học sinh Trường Tiểu học Suối Hoa thích thú lựa

chọn sách tại Thư viện xanh. (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)

Mô hình Thư viện xanh được ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh phát động các trường tiểu học từ năm học 2008-2009. Đến nay, trên 90% các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã đưa mô hình Thư viện xanh vào hoạt động. Đây là một trong những tiêu chí nằm trong chương trình “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra từ năm 2008 trong các trường học.

Mô hình Thư viện xanh được triển khai với mục tiêu nâng cao văn hóa đọc, phát triển các kỹ năng, kiến thức do phong trào đọc sách hiện nay đang bị mai một bởi một số kênh khác như truyền hình, Internet… Đây không chỉ là nơi bồi dưỡng kiến thức mà còn tạo môi trường thân thiện để học sinh phát triển toàn diện tri thức, hình thành thói quen đam mê đọc sách, tự rèn luyện bản thân. Qua đó, góp phần rèn luyện kỹ năng đọc, kỹ năng tương tác giữa các học sinh và phát triển văn hóa đọc trong trường học.

Được triển khai đầu tiên trên địa bàn thành phố Bắc Ninh, mô hình Thư viện xanh trường Tiểu học Suối Hoa (thành phố Bắc Ninh) thu hút các em học sinh vào những giờ ra chơi, hoạt động ngoại khóa. Thầy Trần Thế Anh, Tổng Phụ trách Đội, trường Tiểu học Suối Hoa cho biết: Hiện nay, toàn trường có khoảng 1.000 cuốn sách, gồm sách giáo khoa, sách tham khảo, truyện tranh, tạp chí, từ điển… Đặc biệt, nhà trường đã tổ chức mô hình học tiếng Anh ngay tại thư viện theo các hình thức phong phú, khuyến khích học sinh chủ động làm quen và ghi nhớ các từ mới. Khác với các thư viện truyền thống, Thư viện xanh có không gian rộng mở, không cần người quản lý hay sổ sách theo dõi, sẽ góp phần giáo dục tính tự nguyện, tự giác, chủ động của các em học sinh trong việc đọc và giữ gìn sách.

Em Nguyễn Thảo Nhi, học sinh lớp 3A6, trường Tiểu học Suối Hoa cho biết, vào giờ ra chơi, em và các bạn thích đọc sách hoặc truyện tranh bằng tiếng Anh. Sau những giờ học tiếng Anh, những từ nào chưa hiểu em thường ra thư viện tra từ điển. Những cuốn sách được xếp theo các chủ đề nên rất dễ tìm và dễ đọc.

 

Em Chí Dũng và Ngọc My lớp 2A6 Trường Tiểu học

 Suối Hoa đọc sách. (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)

Mô hình Thư viện xanh ở mỗi trường được các thầy cô sáng tạo theo những cách làm khác nhau để phù hợp với không gian của nhà trường cũng như sở thích của học sinh. Tại trường Tiểu học Vũ Ninh 1 (thành phố Bắc Ninh), mô hình Thư viện xanh được triển theo hình thức mới với những chiếc tủ sách bằng gỗ treo ở gốc cây. Hiện, trường có 7 tủ sách với khoảng 1.300 cuốn sách, được chia thành các chủ đề như sách giáo khoa, sách tham khảo, sách văn học, truyện thiếu nhi, báo và tạp chí các loại…

Để xây dựng mô hình Thư viện xanh đạt hiệu quả, Ban Giám hiệu trường Tiểu học Vũ Ninh 1 phối hợp với giáo viên tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của mô hình, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ từ các phụ huynh và học sinh. Tận dụng diện tích không gian nhỏ hẹp nhưng có các gốc cây lớn, trường đã đóng các tủ sách nhỏ, nhiều màu sắc để thu hút các em học sinh đọc sách hàng ngày. Các hàng ghế đá được đặt ngay dưới các bóng mát cây xanh ngoài sân trường, giúp học sinh dễ dàng chọn lựa sách ngồi đọc trong giờ ra chơi.

Cô Lê Thị Xuyến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Vũ Ninh 1 cho biết, với mô hình Thư viện xanh, các em có cơ hội trao đổi với nhau các kiến thức mới hoặc kiến thức chưa hiểu, phát huy trí tưởng tượng phong phú, gợi sự thích thú cho các em học sinh.

Tuy nhiên, việc đưa vào hoạt động mô hình Thư viện xanh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh còn gặp một số khó khăn, nhất là về kinh phí. Theo ông Vương Bá Chính, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh, hầu hết mô hình Thư viện xanh trên toàn tỉnh hiện nay được huy động chủ yếu từ nguồn kinh phí xã hội hóa, từ phụ huynh học sinh và học sinh do nguồn kinh phí nhà nước còn hạn chế. Những năm học tới, ngành Giáo dục và đào tạo tiếp tục nhân rộng các mô hình tới các trường, phấn đấu đạt 100% các trường tiểu học trong toàn tỉnh có Thư viện xanh; đưa các Thư viện xanh vào hoạt động hiệu quả, theo đúng vai trò của các thư viện trong trường học.

Cùng với đó, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục phát động nhà trường làm tốt công tác xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực trong xã hội đầu tư, xây dựng và nâng cấp các thư viện; tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, cán bộ trực tiếp phụ trách thư viện các nhà trường để nâng cao nghiệp vụ công tác thư viện, giúp các thư viện hoạt động hiệu quả, thu hút ngày càng nhiều học sinh đến đọc sách, báo./.

 

Các em học sinh trực tiếp trao đổi bài học với nhau

 tại Thư viện xanh. (Ảnh: Diệp Trương/TTXVN)

Theo DIỆP TRƯƠNG (TTXVN/VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/nang-cao-van-hoa-doc-o-truong-tieu-hoc-qua-mo-hinh-thu-vien-xanh/419850.vnp

Tệp đính kèm