Lớp học hát của câu lạc bộ quan họ măng non (thuộc thôn Lộ Bao, xã Nội Duệ, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) được thành lập từ năm 2008. Đến nay, lớp học đã trở thành nơi ươm mầm những tài năng quan họ, góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể dân ca quan họ Bắc Ninh.
Một buổi sinh hoạt của câu lạc bộ Quan họ măng non. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)
Câu lạc bộ quan họ măng non khởi nguồn từ lớp học hát quan họ dành cho các cháu thiếu nhi thôn Lộ Bao. Ban đầu, lớp có 14 học viên và sinh hoạt trong dịp Hè để các cháu yêu quan họ trong vùng có thể theo học.
Liên tục trong suốt hơn 8 năm hoạt động, đến nay câu lạc bộ đã thu hút hơn 40 học viên từ 7 đến 20 tuổi tham gia sinh hoạt đều đặn. Tối thứ Bảy hàng tuần, các liền anh, liền chị nhỏ tuổi lại xúng xính áo tứ thân, vấn ba tầm đi học hát quan họ. Tại thủy đình thôn Lộ Bao, những bài hát quen thuộc của dân ca quan họ Bắc Ninh như “Khách đến chơi nhà,” “Mười nhớ,” “Cây trúc xinh,” “Mời trầu,” “Ngồi tựa mạn thuyền,” “Người ơi người ở đừng về”... lại vang lên.
Nhớ lại thời gian đầu mới hoạt động, bà Nguyễn Thị Hoàn, Chủ nhiệm câu lạc bộ măng non cho biết, trước đây câu lạc bộ chỉ là một lớp học nhỏ, được thành lập với mong muốn truyền dạy quan họ cho con em trong vùng. Sau đó, nhận được sự ủng hộ của chính quyền địa phương cũng như các nghệ nhân lớn tuổi trong vùng, lớp học không chỉ dạy hát mà còn là nơi tìm kiếm thế hệ kế cận, người “nối tiếp nghề chơi” quan họ.
“Ngày xưa chúng tôi được cha ông đi trước chỉ bảo tận tâm cách hát quan họ, nay cũng đến tuổi “xế bóng” nên mong muốn tìm được lớp trẻ để gìn giữ câu ca và những tập tục trong chơi quan họ của thế hệ đi trước. Tại đây, các cháu còn được học cách ứng xử khéo léo, tế nhị, kín đáo và mang đầy ý nghĩa của người Kinh Bắc, để trở thành những liền anh, liền chị thực thụ trong tương lai” - bà Hoàn nói.
Một buổi sinh hoạt của câu lạc bộ Quan họ măng non. (Ảnh: Thanh Thương/TTXVN)
Cũng theo bà Hoàn, người học hát quan họ cần nói tròn vành rõ chữ trước, sau đó mới cần đến kỹ năng thuộc nhịp, lời. Tuy nhiên, người học cần chăm chỉ luyện tập, hát đúng phong cách người quan họ là điềm tĩnh, chiêm nghiệm thì mới có thể ngấm và say lời ca tiếng hát được. Bởi hát quan họ không mang tính biểu diễn như hát chèo, quan họ càng mộc mạc, giản dị, chất phác càng dễ đạt độ “vang, rền, nền, nảy."
Tham gia lớp quan họ ngay từ những ngày đầu thành lập, em Nguyễn Tú Quỳnh, thành viên câu lạc bộ măng non cho biết: “Sau những giờ học căng thẳng, được tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ, em thấy rất vui và bổ ích. Đến với lớp học hát quan họ, em không chỉ được học hát mà còn được học văn hóa, cách ứng xử với mọi người xung quanh."
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, câu lạc bộ quan họ măng non không chỉ phục vụ người dân trong làng mà còn biểu diễn cho du khách thập phương trong các dịp lễ, Tết, giao lưu quan họ giữa các làng, xã... Lớp học không chỉ là nơi các tài năng quan họ có điều kiện phát triển, mà còn góp phần lưu giữ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa của dân ca quan họ Bắc Ninh.
Hiện toàn tỉnh Bắc Ninh có gần 300 câu lạc bộ quan họ, trong đó rất nhiều lớp quan họ dành cho thế hệ trẻ. Trong điều kiện hội nhập, với sự xuất hiện nhiều thể loại âm nhạc khác nhau, dân ca nói chung và dân ca quan họ Bắc Ninh nói riêng cần được bảo tồn, phát triển. Do đó, lớp học hát của câu lạc bộ quan họ măng non là một trong những mô hình góp phần không nhỏ vào việc nuôi dưỡng tình yêu với dân ca quan họ Bắc Ninh trong thế hệ trẻ./.
Theo DIỆP TRƯƠNG (TTXVN/VIETNAM+)
http://www.vietnamplus.vn/noi-uom-mam-tai-nang-quan-ho-gop-phan-bao-ton-gia-tri-van-hoa/422364.vnp