Loét aphthe (áp-tơ) gây tổn thương niêm mạc miệng, biểu hiện bằng những đốm loét đau ở miệng với vết loét nhỏ dưới 1cm...
Khám răng miệng định kỳ để phát hiện sớm bệnh áp - tơ. Ảnh: Trần Minh
Loét aphthe (áp-tơ) gây tổn thương niêm mạc miệng, biểu hiện bằng những đốm loét đau ở miệng với vết loét nhỏ dưới 1cm, hình bầu dục hoặc tròn có bờ màu đỏ. Vị trí thường thấy ở phần niêm mạc phía trong của miệng.
Loét áp-tơ là một bệnh chưa rõ nguyên nhân, tuy nhiên, các nhà nghiên cứu có đề cập đến các yếu tố nguy cơ như: do vi khuẩn hay virut, do rối loạn nội tiết, di truyền, thần kinh, miễn dịch... Ngoài ra, chấn thương miệng, rối loạn nội tiết, stress, dùng thuốc (bao gồm các thuốc kháng viêm như ibuprofen và các thuốc beta-blocker như atenolol), dị ứng với thực phẩm (chocolat, hạt dẻ, các loại thực phẩm có vị chua như dứa và các chất bảo quản thực phẩm như benzoic acid và cinnamaldehyde), sử dụng kem đánh răng có chứa sodium lauryl sulfate, thiếu sắt, folic acid hoặc vitamin B12, C, PP, một số bệnh ở đường tiêu hóa... cũng được coi là yếu tố nguy cơ gây bệnh. Ban đầu, bên trong niêm mạc miệng xuất hiện một hoặc nhiều đốm trắng to, hơi mọng nước, vài ngày sau đồng loạt vỡ ra tạo thành vết loét. Vết loét to dần gây đau, khó chịu, ăn uống kém. Nếu không có biến chứng, vết loét tự lành sau 10 - 15 ngày rồi lại tái diễn đợt khác tương tự.
Ðiều trị loét áp-tơ miệng
Việc điều trị loét áp-tơ vì chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh nên chủ yếu là điều trị triệu chứng nhằm giảm số lượng và kích thước của vết loét, giảm đau, giảm thời gian lành vết thương, giảm khả năng tái phát.
Thuốc bôi tại chỗ và súc miệng
Một số thuốc có bản chất là thuốc tê có thể được chỉ định dùng tại vết loét dưới dạng gel, thuốc bôi dạng dầu hoặc dung dịch. Có thể sử dụng một số thuốc sau đây:
Nitrate bạc: bôi trực tiếp lên tổn thương. Thuốc làm bớt đau ngay sau khi bôi và lành thương tổn trong vòng 3-5 ngày; Kem bôi có chứa triamcinolone acetonide, hoặc amlexanox (aphthasol); Gel 2% lidocaine dùng bôi chỗ loét cũng cho tác dụng tốt; Debacterol là phức hợp phenol sulfonate với sulfuric acid có tác dụng tương tự nitrate bạc. Đây là một hình thức đốt tiêu hủy vết loét bằng hóa chất. Cảm giác đau hầu như giảm ngay và vết thương sẽ lành sau 3 - 5 ngày. Thuốc bán theo toa và chỉ được dùng bởi nha sĩ hoặc bác sĩ; chlorhexidine (cyteal, eludril): Dung dịch súc miệng sát khuẩn giúp mau lành loét.
Bên cạnh đó, bệnh nhân cần súc miệng bằng nước muối sinh lý 0,9%, không nên súc miệng với nước muối tự pha quá mặn sẽ tăng kích thích đau nhiều hơn; Trong trường hợp bệnh nhân bị loét thường xuyên, súc miệng bằng dung dịch chlohexidine 0,12% cũng là một biện pháp phòng bệnh có hiệu quả, đồng thời giúp ngăn ngừa bội nhiễm trong quá trình lành vết thương; Dung dịch tetracycline (achromycin, panmycin, sumycin, tetracap) dùng súc miệng có thể giúp giảm đau và lành loét nhanh chóng. Tuy nhiên, thuốc không giúp ngăn ngừa tái phát. Khi dùng quá 5 ngày, thuốc có thể gây kích ứng và tạo điều kiện cho nấm phát triển.
Lưu ý: Khi dùng thuốc bôi, nên bôi thuốc vào trước các bữa ăn khoảng 1 giờ để vừa có tác dụng kháng viêm mà vừa có tác dụng giảm đau, bôi trước khi đi ngủ buổi tối 1-2 giờ để thuốc phát huy tác dụng tốt nhất.
Thuốc uống
Người bệnh loét áp-tơ cần được bổ sung vitamin PP, vitamin B12, vitamin C, viên sắt và folic acid hoặc vitamin tổng hợp trong thời gian ngắn để nâng cao thể trạng và thúc đẩy vết loét nhanh lành.
Trong trường hợp có bội nhiễm, bác sĩ sẽ chỉ định cho dùng kháng sinh. Kháng sinh biseptol (cotrimoxazol) có hoạt chất sunfamethoxazon và trimethoprim có tác dụng tốt cho điều trị bệnh nhiệt miệng. Trường hợp có vết loét to và tồn tại dai dẳng gần như thường xuyên ở trong má, phải kết hợp uống thêm kháng sinh đặc hiệu vùng răng miệng là spiramycin và metronidazol.
Nếu có bội nhiễm nấm tại chỗ thì cần uống thêm thuốc kháng nấm (kết hợp bôi thì càng tốt) như fluconazol, itraconazol hoặc nistatin.
Đối với trường hợp bệnh nặng, bác sĩ có thể xem xét cho dùng corticosteroid đường uống sau khi cân nhắc giữa lợi ích và tác hại. Tác dụng phụ của thuốc bao gồm tăng cân, suy giảm miễn dịch, xương giòn dễ gãy, tăng tiết acid dẫn đến loét dạ dày...
Làm gì để phòng bệnh?
Nên khám răng miệng định kỳ để phát hiện và điều trị dứt điểm các tổn thương do răng gây ra, vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Nên tránh những nguyên nhân có thể gây chấn thương, dù rất nhẹ ở miệng. Đề phòng tái phát cần dùng nước súc miệng có bán tại các nhà thuốc để súc miệng theo quy định. Ăn uống đầy đủ chất, chú ý bổ sung thực phẩm giàu kẽm, nên ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, uống đủ nước mỗi ngày. Tránh ăn uống các loại thức ăn có tính chất kích thích tại chỗ như: các loại mắm, tiêu, ớt, gia vị cay; các loại thức uống có cồn, caffein... Trong giai đoạn viêm và tránh các căng thẳng thần kinh không cần thiết giúp tránh tái phát bệnh.
DS. Hà Lê
Theo suckhoedoisong.vn