Cập nhật: 31/12/2016 10:01:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

  

GS. Nguyễn Đình Đầu bên cuốn sách “Nguyễn Đình Đầu – hành trình của một tri thức dấn thân”.

Nhà nghiên cứu, GS Nguyễn Đình Đầu đã dành trọn cuộc đời mình cho các công trình nghiên cứu về lãnh thổ Việt Nam qua từng thời kỳ. Đặc biệt, ông có trong tay một bộ sưu tập khổng lồ hơn 3.000 tấm bản đồ về Việt Nam, trong đó có những tấm do người Việt Nam vẽ và nhiều tấm do chính người Trung Quốc hoặc nhiều nước phương Tây vẽ. Và điều đặc biệt là những tấm bản đồ quý giá ấy đều khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

GS Nguyễn Đình Đầu rất nổi tiếng trong lĩnh vực Địa lý học - Lịch sử Việt Nam và được giới nghiên cứu đánh giá là một nhà khoa học nghiêm túc, tận tụy và có nhiều cống hiến quan trọng cho khoa học Việt Nam.

Sinh năm 1920 tại Hà Nội, từ nhỏ ông đã theo giúp mẹ kiếm sống và học tại trường tiểu học Pháp - Việt. Trong thời gian 1940-1941, chàng thanh niên Nguyễn Đình Đầu được giao nhiệm vụ vẽ bản đồ khi theo ông Hoàng Đạo Thúy (1900-1994, một nhà cách mạng và nhà hoạt động văn hóa xã hội Việt Nam - PV) đi làm công tác hướng đạo xung quanh Hồ Tây. Và nhờ vậy, ông sớm bộc lộ sự đam mê với các bản đồ cổ về Việt Nam.

Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Khoa học - Xã hội thuộc Đại học Công giáo Paris (Pháp) năm 1953, ông Nguyễn Đình Đầu đã về sinh sống và làm việc tại Sài Gòn. Xuất phát từ năng khiếu và niềm đam mê vẽ bản đồ, từ đó ông đã dành hết tâm huyết để nghiên cứu lịch sử nước nhà thông qua bản đồ cổ.

GS Nguyễn Đình Đầu giới thiệu một tấm bản đồ cổ do ông sưu tầm được, trong đó có miêu tả một cách chi tiết về thềm lục địa cũng như hải đảo Việt Nam.

Đến nay, GS Nguyễn Đình Đầu sưu tầm được hơn 3.000 tấm bản đồ Việt Nam từ cổ chí kim với hàng trăm tấm rất quý giá miêu tả một cách chi tiết về thềm lục địa cũng như hải đảo Việt Nam. Trong đó, có những tấm xuất hiện đã rất lâu từ thế kỷ 15, hay nhiều tấm bản đồ mà Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng không có. Bên cạnh đó, đa số bản đồ thế giới ông phải mua từ nước ngoài, cá biệt có một bản đồ ở Thư viện Quốc gia Pháp tại Paris, ông phải vẽ lại để nghiên cứu vì không được sao chụp.

GS Nguyễn Đình Đầu chia sẻ: “Tôi xem bản đồ là phương tiện quan trọng để nghiên cứu vì bản đồ giải mã được nhiều vấn đề còn bí ẩn, mơ hồ. Điều quan trọng là bản đồ đem lại chứng cứ xác thực, khoa học và trả lại sự thật cho lịch sử”.

Và trên thực tế, qua việc nghiên cứu hàng nghìn tấm bản đồ của mình, ông nhận thấy rằng, hầu hết bản đồ Trung Hoa vẽ về Việt Nam từ thế kỷ 15, hoặc trước nữa, cho tới đầu thế kỷ 20, đều ghi tên biển phía Đông Việt Nam là Giao Chỉ Dương (Giao Chỉ là một tên gọi trước đây của Việt Nam) hay Đông Dương Đại Hải hoặc Đông Nam Hải, đều có nghĩa là biển của Giao Chỉ hay đơn giản là Biển Đông của Việt Nam. Còn với bản đồ của nhà hàng hải Diogo Ribeiro người Bồ Đào Nha, sau khi phát hiện quần đảo Pracel (cách gọi Hoàng Sa và Trường Sa của người phương Tây) nằm ở giữa Biển Đông vào năm 1525, ông Diogo Ribeiro đã xác định quần đảo này thuộc chủ quyền Cochin (phiên âm người phương Tây khi gọi Giao Chỉ - PV) nên ghi bờ biển Pracel (Costa de Pracel) ở duyên hải Quảng Ngãi ngày nay.

Nói về chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam, GS Nguyễn Đình Đầu dẫn các bản đồ thế giới của phương Tây, theo đó, trong 4 thế kỷ từ 16-19, các bản đồ này đều ghi - vẽ quần đảo Paracel hay Pracel ở giữa Biển Đông và bờ biển Paracel luôn đặt ở bờ biển Quảng Nam - Khánh Hòa. Và GS Nguyễn Đình Đầu cũng cho rằng ông chưa từng thấy một bản đồ thế giới nào ghi bờ biển Paracel là ở Nam Trung Hoa, ở Phi Luật Tân (Philippines) hay ở Mã Lai (Malaysia). Điều đó cho thấy rằng, Hoàng Sa và Trường Sa đã được thế giới khẳng định là của Việt Nam trong các bản đồ thế giới trong suốt 5 thế kỷ qua.

Tiếp tục thể hiện ý chí một lòng sắt son với cương vực của Tổ quốc Việt Nam, mới đây, tại “Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam” diễn ra ở Tp. Hồ Chí Minh (từ 1-8/6), GS Nguyễn Đình Đầu đã cho ra mắt công chúng công trình nghiên cứu có giá trị mang tên “Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa”.

Tác phẩm chú trọng đến hai yếu tố mang tính quyết định trong việc xác định chủ quyền lãnh thổ - lãnh hải, đó là chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý. Qua đó, tác phẩm thực sự là một hệ thống tư liệu khoa học, khách quan, giúp cho các nhà khoa học, các nhà quản lý và người đọc hiểu một cách chính xác, hệ thống về các vấn đề liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam. Tư liệu này còn là một nguồn cứ liệu khoa học trong quá trình xử lý tranh chấp theo công pháp quốc tế…

PGS.TS Phan Thanh Bình, Giám đốc Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh cho rằng: “Tác phẩm “Chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa” không chỉ là một kết quả nghiên cứu và công bố khoa học công phu, có giá trị lịch sử cao, mà còn thể hiện một trách nhiệm và sự lao động nghiêm túc của một nhà khoa học, của một người Việt Nam yêu nước. Đây là một tác phẩm quý về Biển Đông và Hoàng Sa - Trường Sa mà GS Nguyễn Đình Đầu đã dành cả đời mình để nghiên cứu cho đề tài lãnh thổ Việt Nam”./.

 

http://biendao.vietnamplus.vn/nguoi-nam-giu-bo-ban-do-quy-ve-chu-quyen-bien-dao-viet-nam/3417.vna

 

 

Tệp đính kèm