Việc ra đề thi THPT Quốc gia 2017 phải có sự đảm bảo về độ “khó” cho các đề thi để không có sự vênh nhau khi mỗi thí sinh làm một đề thi riêng.
Sau khi Bộ GD-ĐT công bố Quy chế thi THPT Quốc gia năm 2017, nhiều trường THPT đang yêu cầu giáo viên và học sinh thay đổi cách thức giảng dạy, học tập để có thể đáp ứng với phương thức thi mới.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai giảng dạy, ôn tập cho học sinh, có trường đã gặp phải những khó khăn, bất cập và mong muốn ngành Giáo dục có sự điều chỉnh kịp thời.
Bà Nguyễn Thị Thu Anh - Hiệu trưởng trường THCS &THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội cho biết, nhà trường đã chia học sinh học theo 3 ban: A (Toán, Lý, Hóa), A1 (Toán, Vật lý, tiếng Anh) và D (Toán, Ngữ văn, tiếng Anh). Tuy nhiên, với những đổi mới làm bài thi tổ hợp, cách thức chia như thế này đang khiến học sinh gặp khó khăn nếu chọn tổ hợp các môn Khoa học tự nhiên hay Khoa học xã hội.
Trước quy định chọn tổ hợp môn thi của Bộ GD-ĐT, để giúp học sinh ôn tập tốt cho kỳ thi THPT Quốc gia 2017, trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội cố gắng hoàn thiện chương trình học và đến khi nào tổng ôn thi thì sẽ tách học sinh theo từng tổ hợp.
Trong quá trình giảng dạy, lãnh đạo trường luôn đôn đốc giáo viên tập trung giảng dạy học sinh một cách tốt nhất, coi tất cả các môn đều là môn học chính. Giáo viên phải giảng cho học sinh nắm được kiến thức cơ bản ở các môn và rèn luyện cho các em việc tự lập trong học tập.
Độ khó của mỗi đề thi vênh nhau?
Hiện nay, việc ra đề kiểm tra một số môn của học sinh lớp 12 của trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội vẫn theo hướng kết hợp hình thức tự luận và trắc nghiệm. Bởi để làm được bài thi trắc nghiệm tốt thì học sinh phải nắm trắc kiến thức cơ bản và cũng khắc phục được tình trạng học sinh không học gì nhưng tự tích bừa mà vẫn được điểm. Nhà trường chỉ ra đề thi trắc nghiệm hoàn toàn khi tổ chức cho học sinh thi thử kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017.
Tuy nhiên, trong quá trình giảng dạy, ôn tập theo hình thức thi trắc nghiệm, nhà trường đã nảy sinh một số tình huống như: đối với môn Toán, các thầy cô giáo đã quen ra đề theo hình thức một bài tập có từ 2 đến 3 câu hỏi và để làm được bài tập đó thì trong đề thi chỉ có khoảng 5 câu hỏi. Còn trong đề thi Toán kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017 có thể ra từ 30 đến 40 câu hỏi trắc nghiệm thì việc giáo viên ra đề kiểm tra, ôn luyện phù hợp với kỳ thi là rất khó khăn.
Bà Thu Anh tiết lộ, ở trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội đã có chuyện thầy giáo ra đề kiểm tra trắc nghiệm nhưng cô giáo thẩm định đề làm đến 3 tiếng không xong một đề 90 phút. Nguyên nhân là do việc giáo viên ra đề kiểm tra thiếu kinh nghiệm. Vì vậy, việc ra đề kiểm tra của trường đang có sự điều chỉnh theo hình thức giáo viên ra đề, sau đó sẽ có người thẩm định lại đề đó. Người thẩm định sẽ trực tiếp làm đề kiểm tra và phát hiện những bất cập của đề để kiến nghị có sự điều chỉnh kịp thời.
Trong Quy chế thi THPT Quốc gia năm 2017 đã đề cập rõ là thí sinh có quyền lựa chọn dự thi cả 2 bài thi tổ hợp để tăng cơ hội xét tuyển vào đại học. Đây là mục đích tốt, tăng thêm cơ hội cho thí sinh lựa chọn bài thi tổ hợp theo năng lực, sở thích. Tuy nhiên, nhà trường cũng phải định hướng cho các em lựa chọn tổ hợp thi nào hợp lý nhất để các em không phải quá vất vả trong ôn luyện.
Việc ra đề thi trắc nghiệm theo hình thức mỗi thí sinh sẽ làm một đề thi riêng, không giống nhau đang khiến nhiều giáo viên và phụ huynh băn khoăn. Đó là việc đảm bảo độ “khó” như nhau cho các đề thi khác nhau vì nếu không làm được điều này thì sẽ không có sự công bằng tuyệt đối.
Theo bà Thu Anh, để giải quyết những băn khoăn trên, Ban soạn thảo ra đề thi của Bộ GD-ĐT cần xác định ma trận đề thi một cách rõ ràng, hạn chế thấp nhất sự vênh nhau về độ “khó” giữa các đề thi. Ngoài ra, công tác coi thi rất quan trọng, quyết định rất lớn đến việc sự công bằng, nghiêm túc và chất lượng làm bài thi của thí sinh nên cũng cần được Bộ GD-ĐT chú trọng quan tâm./.
Theo Bích Lan/VOV.VN