Cập nhật: 12/02/2017 10:44:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

TS Vũ Đình Chuẩn

Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT) vừa ban hành quy chế kỳ thi THPT quốc gia năm 2017, với nhiều điểm mới so với những năm trước, nhất là thí sinh dự thi theo hình thức trắc nghiệm, làm bài thi tổ hợp. Vì vậy, việc ôn tập làm sao để dự thi đạt kết quả tốt nhất là mối quan tâm hàng đầu của thí sinh, phụ huynh và các thầy giáo, cô giáo. Phóng viên Báo Nhân Dân trao đổi với TS VŨ ÐÌNH CHUẨN, Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ GD và ÐT) chung quanh những băn khoăn liên quan việc ôn tập của học sinh hiện nay.

 Phóng viên (PV): Năm 2017, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia có nhiều điểm mới so với những năm trước đây, vậy Bộ GD và ÐT có lưu ý gì các trường và thí sinh chung quanh phương pháp ôn tập?

TS Vũ Ðình Chuẩn: Ðể dự thi đạt kết quả tốt, các trường cần hướng dẫn để học sinh hiểu rõ những điều chỉnh của năm 2017 so với năm 2016, chủ yếu là khâu tổ chức kỳ thi, gồm cả hình thức của đề thi (từ tự luận sang trắc nghiệm đối với một số môn), từ đó yên tâm học tập và chuẩn bị tốt cho kỳ thi. Những đổi mới của kỳ thi nhằm tạo cho học sinh nhiều cơ hội chọn trường, chọn ngành phù hợp.

 

 Việc ôn tập cần thực hiện ngay trong quá trình dạy học sau mỗi chủ đề dạy học, mỗi chương, mỗi học kỳ, cuối năm học và không có thay đổi gì nhiều so với năm học trước, ngoại trừ việc học bao quát chương trình lớp 12, chú trọng hơn hình thức kiểm tra theo phương thức trắc nghiệm đối với các môn Toán, Lịch sử, Ðịa lý, Giáo dục công dân. Bên cạnh đó, giáo viên cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả quy trình biên soạn và thực hiện đề kiểm tra theo nội dung và cấp độ khó… như hướng dẫn của Bộ GD và ÐT, bảo đảm học sinh được luyện tập đầy đủ theo bốn mức độ yêu cầu của các câu hỏi kiểm tra, đánh giá trong quá trình học tập.

 Ðáng chú ý, sau khi hoàn thành chương trình lớp 12, nhà trường và giáo viên cần thực hiện các giải pháp hiệu quả, tổ chức ôn tập cho học sinh phù hợp từng nhóm đối tượng, theo năng lực. Bên cạnh việc giúp học sinh nắm vững kiến thức, kỹ năng, các thầy, cô giáo cần dành thời gian hướng dẫn học sinh biết cách phân tích đề thi, trình bày bài thi theo đặc thù từng môn thi, hình thức thi (trắc nghiệm hay tự luận), cách phân bố thời gian hợp lý để giải quyết đề thi tương ứng thời gian quy định mỗi môn thi. Ðặc biệt, hướng dẫn học sinh cách thức trả lời câu hỏi trắc nghiệm, tránh bị trừ điểm do những lỗi kỹ thuật...

 PV: Ðối với điểm mới năm nay là đề thi trắc nghiệm, nhất là hình thức trắc nghiệm tổ hợp môn, theo đồng chí, phương pháp ôn tập nào giúp thí sinh đạt kết quả tốt nhất khi làm bài thi có các câu hỏi vận dụng, sáng tạo linh hoạt?

TS Vũ Ðình Chuẩn: Ngay từ đầu năm học, trong hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2016-2017, Bộ GD và ÐT đã nêu rõ, những câu hỏi ở “mức độ vận dụng” thì học sinh phải kết nối và sắp xếp lại các kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết thành công các tình huống, vấn đề đặt ra. Những câu hỏi ở “mức độ vận dụng cao” thì yêu cầu học sinh giải quyết, đưa ra những phản hồi hợp lý đối với các tình huống, vấn đề mới, không giống như đã được hướng dẫn trong quá trình học.

 Vì vậy, trong quá trình học tập, học sinh cần ôn luyện bám sát yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng theo chương trình giáo dục phổ thông, nhất là kiến thức, kỹ năng trong chương trình lớp 12 một cách vững chắc; đồng thời, cần liên hệ thực tiễn, để vận dụng được kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các tình huống, vấn đề một cách linh hoạt, sáng tạo.

 

 PV: Một số ý kiến cho rằng tài liệu ôn tập môn Giáo dục công dân rất ít, trong khi đây là môn thi lần đầu và bao gồm nhiều kiến thức pháp luật, kinh tế, xã hội và các kiến thức hàn lâm…, khiến việc tổ chức ôn tập rất khó khăn. Bộ GD và ÐT đã có hướng dẫn, hỗ trợ gì giúp giáo viên và học sinh ôn tập môn học này?

TS Vũ Ðình Chuẩn: Ðối với môn Giáo dục công dân, các kiến thức về pháp luật, kinh tế, xã hội… đều thể hiện trong sách giáo khoa. Học sinh có thể tham khảo thêm tài liệu (nếu thấy cần thiết), nhưng về cơ bản, phải nắm kiến thức, kỹ năng trong chương trình lớp 12 một cách vững chắc, từ đó tăng cường liên hệ, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào giải quyết các tình huống, vấn đề gắn với thực tiễn thì sẽ đạt kết quả tốt trong kỳ thi.

 Thời gian qua, Bộ GD và ÐT đã tập huấn cho cán bộ, giáo viên cốt cán các sở GD và ÐT về việc xây dựng ma trận (nội dung, cấp độ khó) trong đề kiểm tra, đánh giá theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Các sở GD và ÐT cũng tổ chức tập huấn cho giáo viên thực hiện việc ra đề kiểm tra, đánh giá theo quy trình chuẩn hóa đúng hướng dẫn. Bộ GD và ÐT đã chỉ đạo các sở GD và ÐT, các cơ sở giáo dục nghiên cứu, giúp học sinh làm quen các bộ đề thi minh họa trong quá trình dạy học và ôn luyện.

 PV: Hiện nay, nhiều trường THPT tập trung quá nhiều vào ôn tập kiến thức thi mà không chú ý các hoạt động toàn diện trong giáo dục học sinh. Bộ GD và ÐT có chỉ đạo gì để các trường không cắt xén chương trình, vừa bảo đảm đánh giá học sinh trung thực, khách quan, công bằng, đúng năng lực vào cuối năm học; vừa bảo đảm giúp thí sinh hoàn thành tốt kỳ thi?

TS Vũ Ðình Chuẩn: Ðể dạy học và ôn tập thi THPT quốc gia hiệu quả, ngày 7-2 vừa qua, Bộ GD và ÐT có công văn yêu cầu các cơ sở giáo dục tiếp tục chỉ đạo việc tăng cường nền nếp, kỷ cương và chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục; chú trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm công dân đối với xã hội, cộng đồng của học sinh; thực hiện nghiêm kế hoạch giáo dục, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo dục phù hợp thực tiễn địa phương, cơ sở giáo dục; hoàn thành chương trình lớp 12 theo hướng dẫn Khung kế hoạch thời gian năm học 2016-2017 và hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông. Thực hiện nghiêm hướng dẫn nhiệm vụ năm học 2016-2017; tuân thủ việc xây dựng ma trận đề kiểm tra một tiết và kiểm tra cuối học kỳ, bảo đảm kết hợp một cách hợp lý giữa hình thức tự luận, trắc nghiệm, không được áp dụng hoàn toàn hình thức trắc nghiệm khách quan đối với các bài kiểm tra một tiết và kiểm tra học kỳ hai. Bộ GD và ÐT nghiêm cấm việc cắt xén chương trình học.

PV: Trên thị trường hiện có quá nhiều tài liệu tham khảo của các nhà xuất bản. Nhiều nhà xuất bản gửi công văn đề nghị các sở GD và ÐT triển khai xuống các trường học, vận động học sinh mua tài liệu ôn tập. Bộ GD và ÐT có lưu ý gì, để học sinh và phụ huynh lựa chọn tài liệu ôn thi phù hợp; đồng thời, có chỉ đạo gì để tránh tình trạng học sinh bị “ép” mua sách ôn tập?

TS Vũ Ðình Chuẩn: Ngay từ tháng 11-2016, trong hướng dẫn kiểm tra và sơ kết học kỳ một, Bộ đã yêu cầu và nghiêm cấm giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp lạm dụng vị trí công tác, thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc phụ huynh mua sách hướng dẫn kiểm tra, đánh giá, luyện thi hoặc ép buộc học sinh học thêm, luyện thi dưới bất kỳ hình thức nào.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Theo Mạnh Xuân (Thực hiện)

 Báo Nhân dân điện tử

Tệp đính kèm