Là quốc gia ven biển, với vị trí chiến lược, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành kinh tế biển như dầu khí, du lịch, thủy sản…, với mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển. Tuy nhiên, việc quản lý, khai thác, sử dụng còn nhiều bất cập, dẫn đến nguồn tài nguyên biển, ven biển nhanh chóng cạn kiệt, môi trường ngày càng suy thoái và ô nhiễm.
Đoàn viên, thanh niên tỉnh Bình Định tham gia vệ sinh
môi trường, làm sạch bãi biển khu vực thành phố Quy Nhơn.
Theo nguyên Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN và MT), TS Nguyễn Thái Lai: Thế kỷ 21, là thế kỷ của đại dương, cho nên kinh tế biển sẽ đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia có biển. Báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OCED), tổng sản lượng kinh tế đại dương toàn thế giới năm 2010, đạt giá trị khoảng 1,5 nghìn tỷ USD. Việt Nam, có chiều dài bờ biển hơn 3.260 km, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa rộng gấp khoảng ba lần diện tích đất liền, chứa đựng nhiều hệ sinh thái quan trọng và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng. Do vậy, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Là quốc gia ven biển, với vị trí chiến lược, Việt Nam có quá trình phát triển kinh tế - xã hội gắn liền với việc quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên biển. Trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, xác định đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả với tầm nhìn dài hạn; phấn đấu kinh tế biển và ven biển đóng góp đạt khoảng từ 53% đến 55% tổng GDP của cả nước. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế biển ở nước ta thời gian qua còn chưa tương xứng với các điều kiện tiềm năng và lợi thế sẵn có hiện nay.
PGS, TS Nguyễn Chu Hồi (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Hiện nay, cơ cấu ngành nghề kinh tế biển chưa hợp lý, chưa có mô hình phát triển phù hợp. Trong khi đó, về mặt quản lý tài nguyên biển và ven biển, tính đến nay, vẫn còn khoảng 15 bộ, ngành, lĩnh vực dịch vụ và 28 địa phương ven biển đang khai thác, cũng như trực tiếp quản lý Nhà nước về biển, đảo ở mức độ khác nhau theo thẩm quyền được Chính phủ giao. Đặc biệt, phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất quản lý Nhà nước đối với biển đảo theo tinh thần của Chiến lược biển và nguyên tắc đã được quy định trong Luật Biển Việt Nam (năm 2012) chưa được thể chế hóa theo đúng nghĩa của nó. Điều đó khiến cho hiệu quả phát triển kinh tế biển đạt được còn thấp so với yêu cầu thực tế và thiếu bền vững dẫn đến nguồn tài nguyên biển - ven biển nhanh chóng cạn kiệt, môi trường ngày càng suy thoái và ô nhiễm…
Đáng chú ý, do ảnh hưởng từ khu vực cửa sông và sự tiếp nhận chất thải của các hoạt động phát triển kinh tế ven biển, một số vùng biển có hàm lượng tổng chất rắn lơ lửng trong nước (TTS) cao. Sự gia tăng hàm lượng chất hữu cơ và dầu mỡ trong nước biển cũng là vấn đề cần quan tâm đối với chất lượng nước biển ven bờ Việt Nam trong những năm gần đây. Bên cạnh đó, chất lượng môi trường biển và vùng ven biển Việt Nam đang tiếp tục suy giảm. Tính đến nay, đã có 70 loài hải sản được đưa vào danh sách đỏ để bảo vệ, 85 loài ở tình trạng nguy cấp ở nhiều mức độ khác nhau. Mới đây nhất, sau sự cố ô nhiễm môi trường biển tại bốn tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế trong tháng 4-2016, do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra, làm cho hải sản và sinh vật biển chết hàng loạt, nhất là ở tầng đáy tại khu vực này. Theo kết quả khảo sát của các nhà khoa học (trong tháng 4 và tháng 5-2016) cho thấy: các rạn san hô là đối tượng bị ảnh hưởng mạnh nhất trong các hệ sinh thái biển, 100% các rạn san hô trong khu vực khảo sát đều có dấu hiệu bị tẩy trắng; nhóm san hô cành hầu hết bị chết hàng loạt. Điển hình như tại các khu rạn: Hòn Sơn Dương (Hà Tĩnh), tỷ lệ san hô chết khoảng 90%; Hòn Nồm (Quảng Bình) và Hải Vân, Sơn Trà (Thừa Thiên - Huế), tỷ lệ san hô bị suy giảm là 66,7%. Sinh vật trên rạn san hô còn rất nghèo nàn, mật độ cá thấp…
Vì vậy, phát triển kinh tế biển gắn chặt với bảo vệ môi trường là điều hết sức quan trọng. Theo PGS, TS Nguyễn Chu Hồi, cần chú trọng giải quyết tốt các mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển; bảo đảm an sinh xã hội biển đảo; sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, với không gian kinh tế biển đảo và vùng nội địa; mở rộng hợp tác quốc tế và giữ vững chủ quyền biển, đảo theo nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Lấy việc sử dụng hợp lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, là những yếu tố nền tảng cho phát triển kinh tế biển hiệu quả và bền vững dựa trên việc bảo toàn nguồn vốn tự nhiên biển; bảo vệ và đầu tư cho các hệ sinh thái biển, ven biển, hải đảo…
Nhiều nhà khoa học cũng cho rằng, cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm sự hài hòa quyền lợi, lợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên để phát triển kinh tế biển với nghĩa vụ, trách nhiệm bảo vệ môi trường biển. Tăng cường giám sát, rà soát và quản lý các nguồn thải gây ô nhiễm ra môi trường biển; đầu tư, thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát môi trường tại các địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của cộng đồng về những tác hại của các vấn đề môi trường xuyên biên giới đối với tài nguyên và môi trường biển trong khu vực…
THÁI SƠN
Theo nhandan.com.vn