Cập nhật: 18/02/2017 10:07:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang thực hiện nhiều giải pháp để kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học theo hướng tiếp cận mới.

Quang cảnh lễ khai mạc Kiểm định chất lượng giáo dục trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc Đại học quốc gia Hà Nội theo tiêu chuẩn Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Trong số các giải pháp đó, việc chú trọng yếu tố con người và sự gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp được đặc biệt quan tâm nhằm giúp các cơ sở giáo dục đại học tạo ra được nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Bồi dưỡng đội ngũ kiểm định viên đạt chuẩn

Để đáp ứng được yêu cầu kiểm định cho hàng trăm trường đại học như hiện nay, phó giáo sư-tiến sỹ Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết hiện nay, có 4 trung tâm kiểm định chất lượng được thành lập và đã đi vào hoạt động.

Đó là Trung tâm Kiểm định chất lượng của Đại học Quốc gia Hà Nội, Trung tâm Kiểm định chất lượng thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Kiểm định chất lượng của Đại học Đà Nẵng và Trung tâm Kiểm định chất lượng thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

"Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao nỗ lực của các trung tâm này trong thời gian qua. Là một mô hình mới, ngay sau khi được cấp phép hoạt động, các đơn vị đã rất nỗ lực cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công tác kiểm định chất lượng, đến nay đã đánh giá ngoài 32 cơ sở giáo dục đại học."

"Với quy mô 270 trường đại học, chu kỳ kiểm định là 5 năm, vậy một năm chúng ta phải đánh giá 50-60 trường. Với nguồn lực là 4 trung tâm như hiện nay, chúng ta cũng có thể hoàn thành được," phó giáo sư-tiến sỹ Mai Văn Trinh cho biết.

Tuy nhiên để đẩy nhanh tiến độ này, tới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có một số giải pháp hỗ trợ cho các trung tâm này mạnh thêm, hoạt động hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, xem xét thành lập thêm một số trung tâm mới phù hợp với nhu cầu đánh giá và hoạt động của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.

Song song với việc tiến hành kiểm định chất lượng theo các bộ tiêu chuẩn và do các trung tâm trong nước tiến hành, Bộ cũng khuyến khích các trường, các chương trình đào tạo tiến hành đánh giá ngoài theo các tiêu chuẩn quốc tế.

Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng số lượng trung tâm không quan trọng bằng số lượng người có đủ năng lực để đi đánh giá.

Bên cạnh đó, đối với một số lĩnh vực cạnh tranh, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến hệ quả, việc thành lập các trung tâm kiểm định phải đảm bảo sự độc lập, ổn định trong hoạt động của hệ thống.

Ví dụ ở một số nước trong khu vực, Philipines chẳng hạn, họ có 2 cơ quan kiểm định cho khoảng 1.000 trường đại học, các trường trong ASEAN chỉ có một cơ quan kiểm định, Hoa Kỳ có 6 cơ quan kiểm định cho 4.000-5.000 trường đại học.

Chính vì vậy, phát triển, bồi dưỡng đội ngũ kiểm định viên là việc cần làm đầu tiên của các trung tâm kiểm định. Kiểm định viên cần có khả năng thu thập và phân tích thông tin tốt. Bất cứ quốc gia nào, khi các đoàn đi đánh giá, họ tổ chức tập huấn, hướng dẫn cụ thể cho các thành viên trong đoàn.

Bởi những thành viên trong đoàn thường là thầy cô làm lãnh đạo như hiệu trưởng, hiệu phó…

Cho dù họ được đào tạo, tập huấn trong một thời gian nhất định, nhưng vì công việc chính của họ là đào tạo, quản lý tại nhà trường cho nên rất cần việc cập nhật, bổ sung kiến thức trong việc nắm bắt thông tư, tiêu chuẩn, tiêu chí mới.

Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Phương Nga nhấn mạnh đối với đội ngũ kiểm định viên, trước hết phải giỏi, không những giỏi về kỹ năng đánh giá mà giỏi về cả cách ứng xử.

Bởi khi đánh giá không phải các trường đã đồng ý ngay, mà làm sao đưa ra được kết luận mà trường “tâm phục khẩu phục.”

Kiểm định viên phải đưa ra được những tư vấn để giải quyết những tồn tại của trường, hướng đi như thế nào, điểm mạnh nào cần bứt phá...

Gắn kết cơ sở giáo dục với doanh nghiệp

Một trong những mục tiêu quan trọng của giáo dục đại học là phải đào tạo được người lao động có đủ kiến thức, kỹ năng để đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng.

Phó giáo sư-tiến sỹ Mai Văn Trinh cho biết từ lâu, chúng ta đã có chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội, nhất là trong khu vực đào tạo đại học-trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực và nhân lực chất lượng cao.

Mối liên hệ giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp là yêu cầu bắt buộc. Mối liên hệ này xuất phát từ việc dự báo tình hình, thông qua đó xây dựng, thiết kế chương trình đào tạo đến thực hiện quá trình đào tạo, đánh giá sinh viên.

Thời gian qua, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, trong đó có nhiều cơ sở giáo dục đại học đã gắn kết tốt với doanh nghiệp trong tất cả các khâu, kết quả là chất lượng đào tạo tốt và sinh viên ra trường có việc làm.

Trong các bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng, kể cả bộ hiện hành đều có khá nhiều các tiêu chuẩn, tiêu chí đề cập đến mối liên hệ giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, thể hiện qua các chỉ số như quá trình đào tạo, quản lý đào tạo, đánh giá sinh viên, hỗ trợ sinh viên của các doanh nghiệp.

Giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Quý Thanh chia sẻ trong các tiêu chuẩn kiểm định chất lượng có riêng yêu cầu khi xây dựng chương trình đào tạo mới, hoặc điều chỉnh chương trình đào tạo hiện có phải có sự tham gia của người sử dụng lao động. Bởi người sử dụng lao động chính là người đặt ra những yêu cầu về sản phẩm đào tạo.

Do đó, khi tham gia đánh giá ngoài tại các cơ sở giáo dục, đoàn đánh giá bắt buộc phải lấy ý kiến tham gia của đại diện các doanh nghiệp có sử dụng lao động của cơ sở giáo dục đại học. Mục đích để xem hai bên tham gia vào những đâu.

Các cơ sở lao động sử dụng lao động của nhà trường khi nhà trường có yêu cầu đóng góp để phát triển chương trình đào tạo bên sử dụng lao động tham gia tới đâu.

Về quy mô, điều này quan trọng để xác định quy mô đào tạo nhưng các trường đại học thường quên hoặc không đề cập rõ ràng.

Về mặt thị trường, thị trường cần lao động có tính chất như thế nào, quy mô ra sao thì nhà trường mới đưa ra bài toán quy mô tuyển sinh theo đầu ra và theo thị trường lao động.

Như vậy, tiếng nói của các nhà tuyển dụng là đặc biệt quan trọng và sự gắn kết này càng phải được tăng cường hơn nữa theo hướng thực chất, chứ không phải mang tính hình thức.

Liên quan đến việc công khai kết quả kiểm định của các trường, phó giáo sư-tiến sỹ Mai Văn Trinh nhấn mạnh việc công khai trong kiểm định chất lượng là điều bắt buộc, đã được ghi trong luật.

Đương nhiên kết quả đó sẽ tác động đến quá trình phát triển của nhà trường (cụ thể là tuyển sinh), việc tác động này sẽ theo hai phía; nếu như kết quả kiểm định tốt thì kết quả là tích cực và ngược lại. Chúng ta đang ở trong xã hội cởi mở và các trường đại học phải dần dần tự chủ trên chính nội lực của mình, tự chủ đó phải gắn với trách nhiệm xã hội và trách nhiệm giải trình.

Việc công khai này để cho học sinh, phụ huynh và xã hội giám sát, đặc biệt là các em học sinh chuẩn bị vào học biết được trường mạnh chỗ nào, yếu chỗ nào và cảm thấy có phù hợp với nguyện vọng của mình hay không.

Chính vì vậy, việc công khai kiểm định chất lượng là có lợi cho trường.

Bản thân các cơ sở giáo dục đại học phải có sự chuyển đổi, đầu tư phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng, để khẳng định vị thế trong hệ thống các trường đại học Việt Nam./.

VIỆT HÀ (TTXVN/VIETNAM+)

http://www.vietnamplus.vn/nhieu-giai-phap-dap-ung-cong-tac-kiem-dinh-giao-duc-theo-chuan-moi/431231.vnp

Tệp đính kèm