Cập nhật: 22/02/2017 09:22:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Giảm ô nhiễm không khí ngoài trời có thể giúp ngăn chặn 2,7 triệu ca sinh non mỗi năm trên thế giới.

Ô nhiễm không khí ngoài trời là nguyên nhân hàng đầu gây sinh non (Ảnh minh họa. Nguồn: AP)

Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí Môi trường Quốc tế (Environment International), những hạt bụi nhỏ li ti lơ lửng trong không khí vốn là khí thải từ xe ôtô, cháy rừng, hay tình trạng đốt rơm rạ, đốt củi… có thể làm tăng nguy cơ sinh non; cùng với các nguyên nhân khác như sức khỏe và tuổi tác của mẹ.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, ô nhiễm không khí không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe của người trực tiếp hít thở, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới đứa trẻ còn nằm trong bụng mẹ. Ô nhiễm không khí đe dọa mạng sống của trẻ em và tăng nguy cơ gặp các vấn đề về thần kinh, thể chất ở trẻ nhỏ.

Theo báo cáo, trung bình 1 phụ nữ mang thai sống ở Trung Quốc hay Ấn Độ phải hít lượng khí ô nhiễm cao gấp 10 lần so với phụ nữ sống ở vùng nông thôn tại Anh, Pháp.

Tổ chức Y tế Thế giới cho biết, mỗi năm, ước tính có 15 triệu trẻ em sinh non và gần 1 triệu trong số này chết do biến chứng. Biến chứng do sinh non là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi.

Đa số các ca sinh non liên quan đến ô nhiễm không khí xảy ra ở khu vực Nam và Đông Á, trong đó riêng Ấn Độ chiếm 1 triệu ca sinh non và Trung Quốc 500.000 ca.

Còn ở phía Tây vùng cận sa mạc Sahara châu Phi, Bắc Phi và Trung Đông, những ca sinh non chủ yếu liên quan đến bụi sa mạc./.

Theo Trần Nga/VOV.VN

Tệp đính kèm