PGS.TS Đỗ Thị Hà, Viện Dược liệu luôn mong muốn phát minh ra những sản phẩm dược liệu để điều trị bệnh ung thư...
Tại Việt Nam, số trường hợp mắc mới ung thư tăng nhanh từ 68.000 ca năm 2000 lên 126.000 ca năm 2010 và dự kiến sẽ vượt qua 190.000 ca vào năm 2020. Mỗi năm có khoảng 115.000 người chết vì ung thư, tương ứng 315 người/ngày.
Nhìn thấy bệnh nhân đau đớn vì bị ung thư và những tổn thất rất lớn do căn bệnh này mang lại, khởi nghiệp từ công tác nghiên cứu khoa học, PGS.TS Đỗ Thị Hà (sinh năm 1977), Phó trưởng khoa Hóa thực vật, Viện Dược liệu luôn khao khát tìm ra những sản phẩm dược liệu hữu hiệu để điều trị ung thư cho bệnh nhân.
Từ năm thứ 3 trên giảng đường ĐH Dược Hà Nội, PGS.TS Đỗ Thị Hà đã theo học một thầy giáo chuyên nghiên cứu về tác dụng của cây thuốc. Chính người thầy này đã truyền niềm đam mê nghiên cứu khoa học cho chị.
Sau khi tốt nghiệp ĐH năm 2001, PGS.TS Đỗ Thị Hà xin về công tác tại khoa Hóa thực vật, Viện Dược liệu. Đến năm 2005, chị Hà đã được cử sang Hàn Quốc học tiếp lên bậc cao hơn. Trong thời gian sinh sống, học tập và làm việc ở đây, PGS.TS Đỗ Thị Hà nhận thấy Hàn Quốc là đất nước có nền khoa học công nghệ ứng dụng phát triển nhưng áp lực công việc với các nhà khoa học tương đối cao.
Họ thường làm việc từ 8h30 sáng cho đến tận 22h đêm, thậm chí từ 22h ngày hôm nay cho đến tận đầu giờ sáng hôm sau nếu như việc thí nghiệm chưa kết thúc. Ngoài ra, chuyện các nhà khoa học phải vào tận rừng sâu để lấy mẫu nghiên cứu trên các loại cây dược liệu trong tiết trời lạnh buốt, đường phủ đầy tuyết trắng là không hiếm...
Với sự lao động không ngừng, trong thời gian học ở Hàn Quốc, PGS.TS Đỗ Thị Hà đã có hơn 20 bài báo đăng trên các tạp chí uy tín thế giới. Đến nay, chị đã công bố hơn 100 bài báo và công trình khoa học ở trong và ngoài nước cũng như tham gia một số đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước.
Tất cả các đề tài nghiên cứu của PGS.TS Đỗ Thị Hà đều chuyên về các hợp chất tự nhiên từ dược liệu, cây thuốc Việt Nam theo tác dụng sinh học để tìm ra hợp chất tiềm năng ứng dụng trong khám chữa bệnh và điều trị cho bệnh nhân.
Nhà khoa học Đỗ Thị Hà (áo dài vàng, thứ 2 từ phải sang) là một trong 5 nhà khoa học nữ xuất sắc Việt Nam năm 2016 được vinh danh nhận Giải thưởng Khoa học L'Oréal - UNESCO Vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học
Khám phá những công dụng của dược liệu trong điều trị ung thư
Năm 2012, bắt nguồn từ việc thu thập dược liệu đặc trưng của Việt Nam như loại cây bảy lá một hoa, PGS.TS Đỗ Thị Hà đã cùng các đồng nghiệp chuyên tâm nghiên cứu, sàng lọc dược liệu có tác dụng chống ung thư vào thực tiễn cuộc sống.
Thực tế, loại cây bảy lá một hoa là dược liệu đã được sử dụng trong dân gian từ khá lâu trong nỗ lực ức chế tế bào ung thư trên người. Tuy nhiên, loại cây này lại chưa có các nghiên cứu khoa học chính thức về nguồn dược liệu tiềm năng ở vùng núi Tây Bắc.
Vì vậy, theo PGS. TS. Đỗ Thị Hà, những phát hiện mới trong nghiên cứu sẽ giúp nhận diện cấu trúc của hợp chất chính trong thân rễ của nguồn dược liệu từ cây thân bảy lá một hoa thông qua phương pháp phổ hiện đại. Từ đó giúp xây dựng cấu trúc của hoạt chất chính và đánh giá tác dụng sinh học trên các loại ung thư như: ung thư gan, ung thư vú, ung thư biểu mô… để tìm ra hoạt chất chính cho nghiên cứu, phát triển thành sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư cho tương lai.
Trải qua quá trình nghiên cứu cơ bản, PGS. TS. Đỗ Thị Hà cho biết, trong vòng 5 năm tới, chị và các đồng nghiệp sẽ tập trung nghiên cứu ứng dụng và phát triển sản phẩm dược từ tác dụng của loại cây bảy lá một hoa đối với việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân bị ung thư.
Đường đến thành công của nhà khoa học không rắc đầy hoa mà đằng sau mỗi công trình nghiên cứu khả thi là sự lao động miệt mài, nghiêm túc. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất đối với họ chính là có được nguồn kinh phí hỗ trợ cho công tác nghiên cứu vì có những nguyên vật liệu, hóa chất có giá thành lên đến hàng trăm, hàng tỷ đồng.
Là một nhà khoa học trẻ tuổi và khởi nghiệp từ con đường nghiên cứu các dược liệu, PGS.TS Đỗ Thị Hà mong muốn có được môi trường làm việc với đầy đủ các thiết bị để có thể phát huy trí tuệ sáng tạo, niềm đam mê cho nghiên cứu. Ngoài ra, chị cũng ước tất cả những nghiên cứu cơ bản của chị và đồng nghiệp sẽ được các cơ quan, ban ngành quan tâm để có thể ứng dụng vào điều trị cho các bệnh nhân bị ung thư./.
Theo Bích Lan/VOV.VN