Cập nhật: 27/02/2017 09:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nghề y là một nghề đặc biệt vì liên quan trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng con người.

Các bác sĩ chăm sóc bệnh nhân tại khoa Thần kinh- BV Bạch Mai.

Do đó, vấn đề y đức được đặt ra từ rất sớm và ngày càng đỏi hỏi cao hơn. Vậy ngày nay, y đức được đánh giá bằng cách nào, khi toàn ngành đang hướng tới sự hài lòng người bệnh?

Làm việc tại một chuyên khoa khó và phức tạp bậc nhất của ngành y, Giáo sư Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Việt Đức luôn bận rộn khi mỗi ngày Trung tâm tiếp nhận gần 100 ca u não và chấn thương sọ não… Áp lực công việc nhiều nhưng ông luôn tận tâm, nỗ lực cứu sống người bệnh, gần gũi, chia sẻ khó khăn, khiến gia đình bệnh nhân cảm động, chưa một lời oán trách. Có những người bệnh hôn mê cả năm trời đã hồi phục sau khi người nhà kiên trì chăm sóc theo sự hướng dẫn của ông.

Nếu như Giáo sư Đồng Văn Hệ quan niệm rằng, y đức là lương tâm và trách nhiệm cao thì Tiến sỹ Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho rằng, y đức không chỉ là đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất mà còn là ứng xử sao cho bệnh nhân và người nhà của họ yên tâm, tin tưởng, hài lòng, dù bệnh nhân của ông toàn là những người bị suy giảm hoặc rối loạn tâm thần.

Tiến sỹ Nguyễn Doãn Phương cho biết: “Hãy coi bệnh nhân là khách hàng để phục vụ tối đa. Đó là phương châm của tôi suốt 20 năm làm nghề. Lúc nào bệnh nhân đến, tôi cũng rất vui vẻ. Tôi luôn nói với nhân viên của Viện Sức khỏe tâm thần rằng hãy làm vui lòng người bệnh. Bệnh nhân nào tôi cũng cho số điện thoại. Bệnh nhân gọi điện ngoài giờ làm việc cũng phải tư vấn cho bệnh nhân hài lòng. Điều quan trọng là hãy làm cho người dân yên tâm từ sự tận tụy của thầy thuốc”.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn có những y, bác sỹ gây phiền hà, nhũng nhiễu hoặc thờ ơ với nỗi đau bệnh nhân. Năm 2016, toàn ngành đã xử lý kỷ luật hơn 6000 nhân viên y tế vi phạm y đức. Trước quyết tâm loại bỏ những “con sâu” ra khỏi ngành của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, người dân mong muốn việc đổi mới toàn diện ngành y, hướng tới sự hài lòng người bệnh, trong đó có vấn đề xử lý thông tin đường dây nóng và hòm thư góp ý cần được thực hiện nghiêm và thực chất.

Bà Bùi Thị Bắc ở phố Khâm Thiên (Hà Nội) thường xuyên khám và điều trị bệnh mãn tính tại Bệnh viện Xanh-pôn cho biết: “Tôi thấy có một số điều dưỡng vẫn gắt gỏng với bệnh nhân, nhất là với những bệnh nhân lần đầu đến khám, thái độ hướng dẫn của nhân viên y tế chưa nhiệt tình. Tôi mong muốn khi đi khám không phải chờ đợi lâu và những người nằm viện không phải nằm ghép nữa”.

Theo Giáo sư Phạm Mạnh Hùng, nguyên Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, y đức thể hiện ở mọi khía cạnh của người thầy thuốc. Cụ thể, bác sỹ là người biết nhiều bí mật của bệnh nhân, vì vậy cần cân nhắc khi nói ra sự thật phũ phàng. Thầy thuốc cũng là người có quyền lực cao, nắm trong tay sinh mạng bệnh nhân nên dễ sinh ra lợi dụng hoặc ngụy biện để làm sai nếu không có lương tâm. Cùng một loại bệnh nhưng mỗi cơ thể một khác nên khi điều trị không được phép chủ quan, dù bác sỹ có nhiều kinh nghiệm chăng nữa.

Nghề y không chỉ trau dồi nghiên cứu khoa học tự nhiên mà còn phải học cả khoa học xã hội, trong đó có tâm lý học, xã hội học, kinh tế học, nghệ thuật học. Đặc biệt, phải đặt sức khỏe và tính mạng bệnh nhân lên trên hết. Chữa bệnh là làm phúc, không được nghĩ đến việc người bệnh trả ơn. Giáo sư Phạm Mạnh Hùng cũng cho rằng, y đức còn thể hiện ở cách cư xử của y, bác sỹ khi bệnh nhân tử vong.

 

Toàn ngành Y tế đang hướng tới sự hài lòng người bệnh?

Giáo sư Phạm Mạnh Hùng nói: “Tâm lý của những người sắp chết là sợ cô đơn, lo không có ai bên cạnh lúc chia xa. Nhưng có những thầy thuốc ít quan tâm đến điều này, thậm chí đuổi hết người nhà ra. Tôi đã từng can thiệp khi thấy cảnh tượng, bệnh nhân vừa chết, nhân viên y tế rút kim truyền dịch nhưng không cầm máu khiến máu chảy loang ra khăn trắng, người nhà bệnh nhân kêu lên rất thảm thiết, đau khổ. Lúc đó, không chỉ đòi hỏi người thầy thuốc phải cầm máu cho bệnh nhân mà còn phải cài lại cúc áo cho họ, đặt lại chân tay ngay ngắn, nâng hàm lê để người chết không bị há mồm ra, vuốt mắt cho họ và dành một phút nói lời chia buồn với gia đình của người quá cố”.

Trong bối cảnh tiền lương của y, bác sỹ được tính vào giá dịch vụ y tế như hiện nay và chính sách thông tuyến, đề án bệnh viện vệ tinh đang được triển khai, tạo nên một cuộc cạnh tranh mạnh mẽ giữa các bệnh viện. Do đó, việc nâng cao y đức không chỉ là trách nhiệm mà trở thành cơ hội nếu bác sỹ và bệnh viện không muốn thiếu vắng bệnh nhân, nguồn thu ít, thu nhập giảm. Hơn nữa, trước yêu cầu ngày càng cao của người dân hiện nay thì y đức chỉ được ghi nhận khi người bệnh được hài lòng./.

Theo Văn Hải/VOV.VN

Tệp đính kèm