Cập nhật: 01/03/2017 09:32:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), WHO vừa thông tin về một số thay đổi độc lực của virus cúm A/H7N9 từ độc lực thấp sang độc lực cao ở gia cầm.

Dịch bệnh do virus cúm A/H7N9 được phát hiện trên người đầu tiên vào tháng 4/2013 ở Trung Quốc. Sau đó một số quốc gia khác cũng phát hiện dịch bệnh này trên người gồm Malaysia (1 người) và Canada (2 người).

Từ năm 2013 đến nay, Trung Quốc đã có 5 đợt bùng phát với 1.222 người mắc, trong đó có 395 người tử vong tại 18 tỉnh, thành phố. Riêng một tháng gần đây, nước này đã ghi nhận 304 trường hợp nhiễm cúm A/H7N9.

Điều đáng nói là dịch bệnh do cúm A/H7N9 trên người ghi nhận tỷ lệ tử vong cao hơn (trên 40%). Nguồn lây bệnh chủ yếu là tiếp xúc với gia cầm.

Theo WHO, Trung tâm Phòng chống bệnh tật Trung Quốc đã có thông báo kết quả giải trình tự gene của virus được phân lập từ 2 bệnh nhân cúm A/H7N9 tại Quảng Đông, đã phát hiện một số thay đổi của virus cúm A/H7N9, cho thấy virus đã thay đổi từ độc lực thấp sang độc lực cao ở gia cầm.

Trước đó, theo thông báo của Trung tâm Phòng chống bệnh tật Đài Loan (Trung Quốc) về kết quả giải trình tự gene của virus được phân lập từ một bệnh nhân cúm A/H7N9 tại Đài Loan cũng phát hiện sự thay đổi của virus cúm A/H7N9 từ độc lực thấp sang độc lực cao ở gia cầm.

Sự liên tục thay đổi này như một đặc điểm tự nhiên của virus cúm do quá trình tái tổ hợp, vì vậy, quan trọng là phải tiếp tục cảnh giác với sự thích ứng của virus cúm gia cầm ở người và các loài động vật có vú khác. Hiện nay, chưa có bằng chứng về sự thay đổi của virus cúm A/H7N9 làm lây truyền dễ dàng từ người sang người.

Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, để phòng chống và kiểm soát dịch bệnh vào nước ta, tại các cửa khẩu, sân bay đã có máy đo thân nhiệt được đặt ngay lối vào khu vực nhập cảnh để kiểm tra sức khỏe của hành khách.

Đến nay, qua báo cáo của các địa phương, chưa phát hiện bất kỳ trường hợp nào nghi ngờ mắc cúm A/H7N9, nhưng công tác kiểm tra thân nhiệt của hành khách tại các cửa khẩu vẫn được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Bộ Y tế đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường ngăn chặn, bắt giữ gia cầm nhập lậu qua biên giới, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh trái phép, không để hiện tượng buôn bán, vận chuyển gia cầm và các sản phẩm gia cầm không được kiểm dịch, không rõ nguồn gốc trên thị trường, đặc biệt tại các chợ đầu mối.

Đồng thời xây dựng các kịch bản phòng, chống dịch, tăng cường giám sát dịch bệnh trên các đàn gia cầm, kịp thời thông báo cho ngành y tế địa phương khi phát hiện ổ dịch để phối hợp triển khai các biện pháp xử lý.

Đối với mỗi người dân, để chủ động ngăn ngừa sự lây truyền của virus cúm A/H7N9 sang người, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng, mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Thúy Hà

Theo baochinhphu.vn

Tệp đính kèm