Cập nhật: 08/03/2017 14:26:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình yêu cầu các lực lượng chức năng mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm khai thác cát trái phép từ ngày 15/3 đến 1/6... Các bộ trên cơ sở chức năng của mình cần tạm dừng cấp phép xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ các dự án xã hội hoá.

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình Yêu cầu có biện pháp ngăn chặn ngay khai thác cát trái phép Ảnh" VGP/Lê Sơn

Khai thác cát, sỏi: Quá nhiều sai phạm

Chiều 7/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương về các tình hình khai thác cát, sỏi trái phép đang gây bức xúc dư luận xã hội hiện nay.

Báo cáo của Văn phòng Chính phủ cho biết: Thời gian qua, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước với diễn biến phức tạp, hoạt động công khai gây bức xúc trong dư luận.

Theo thống kê, hiện có 80 quy hoạch khoáng sản khác nhau, bao gồm cát và sỏi được UBND cấp tỉnh phê duyệt. Có 108 dự án nạo vét luồng đường thuỷ theo hình thức xã hội hoá có tận thu sản phẩm, trong đó, có 32 dự án đã thu hồi xong, 55 dự án đang triển khai, 21 dự án đã phê duyệt hồ sơ đề xuất, chấp thuận chủ trương, có 506 mỏ cát được cấp giấy phép.

Hiện nay, các vi phạm chủ yếu là hoạt động không đúng địa điểm, khai thác vượt số lượng được cấp phép, không thực hiện đầy đủ thủ tục về đánh giá tác động môi trường, không ký quỹ cải tạo và phục hồi môi trường, không giám sát môi trường xung quanh, không thực hiện đầy đủ phương án bảo đảm an toàn giao thông.

Đối với các dự án khơi thông luồng lạch trên cả nước, các đơn vị này có dấu hiệu lợi dụng việc được cấp phép để khai thác ngoài khu vực, vi phạm về độ sâu, thực hiện không đúng đề án nạo vét đã được phê duyệt, vi phạm về phương tiện khai thác, kê khai không đầy đủ khối lượng khoáng sản tận thu, nộp không đầy đủ tiền cấp quyền và phí tài nguyên với các thủ đoạn khai thác bán trực tiếp cho các tàu, dẫn tới việc các cơ quan chức năng không kiểm soát được số lượng và doanh thu.

Trước tình hình trên, Văn phòng Chính phủ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tạm dừng cấp phép xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ các dự án xã hội hoá để nhà đầu tư chủ động trong việc xây dựng kế hoạch nạo vét và sử dụng sản phẩm tận thu. Tiếp tục tạm dừng cấp phép các dự án xã hội hoá nạo vét tận thu sản phẩm, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án đã được cấp phép đang thi công.

Khẩn trương ban hành Nghị định về quy chế quản lý nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải và vùng nước cảng biển, tạo cơ sở pháp lý cụ thể, khắc phục tình trạng lợi dụng các dự án nạo vét để khai thác cát trái phép. Nghiên cứu, sản xuất vật liệu thay thế cát tự nhiên, cũng như ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi các tổ chức, cá nhân sử dụng tiết kiệm tài nguyên hoặc sử dụng các vật liệu thay thế.

Đồng thời, rà soát thực hiện thăm dò, khai thác bãi cát lòng sông, điều chỉnh quy hoạch bến bãi tập kết cát của địa phương, bảo đảm phù hợp, quản lý chặt chẽ tài nguyên cát. Quản lý chặt chẽ hoá đơn thuế và hợp thức hoá chứng từ đối với việc mua bán cát sỏi xây dựng. Tăng cường quản lý, kiểm tra khai thác cát ở những dòng sông giáp ranh giữa các địa phương, nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương. Thành lập các đoàn liên ngành để kiểm tra các địa phương trọng điểm, điểm nóng trong hoạt động khai thác trái phép. Mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trong hoạt khai thác cát trái phép. Tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân, doanh nghiệp chấp hành tốt quy định của Nhà nước.

Đồng chí có dám hứa trước Chính phủ không để khai thác cát trái phép không?

Phát biểu tại cuộc họp, đa số các địa phương tán thành việc dừng xuất khẩu cát như kiến nghị của Văn phòng Chính phủ.

Đại diện lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cho biết, sẽ không cấp phép thêm các giấy phép khai thác và đến năm 2018 chỉ còn 2 giấy phép khai thác phục vụ nhu cầu xây dựng trên địa bàn. Đại diện tỉnh Hưng Yên cho biết: Không khuyến khích việc cấp phép khai thác cát vì hạ thấp lòng sông, thay đổi dòng chảy, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân, không có lợi ích nhiều cho phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, gây nhiều bức xúc trong dư luận.

Trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng Thường trực về nguyên nhân khó xử lý hình sự các trường hợp khai thác cát trái phép, nhiều đại biểu cho là việc xác định “gây hậu quả nghiêm trọng rất khó”, vì khai thác cát trái phép thường vào ban đêm, qua nhiều tỉnh, nhiều đối tượng mua bán ngay sau khi khai thác, nên chủ yếu xử phạt hành chính. Đến nay, trên cả nước mới duy nhất Hà Nội truy tố hình sự được một vụ vi phạm.

Báo cáo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng cho biết: Đến nay, Hà Nội đã cơ bản ngăn chặn, không còn tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn. Đối với doanh nghiệp đang khai thác có giấy phép, Thành phố đang tăng cường kiểm tra sát sao việc chấp hành pháp luật và quản lý nhà nước đối với công tác này trên địa bàn.

Phó Thủ tướng Thường trực hỏi ngay: Liệu sau một thời gian hiện tượng khai thác cát trái phép trở lại không? Thưa Phó Thủ tướng là không. Đồng chí có dám hứa trước Chính phủ không để xảy ra khai thác cát trái phép hay không? Xin hứa chắc chắn.


Ảnh: VGP/Lê Sơn

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng, tình hình khai thác cát trái phép và có phép nhưng vi phạm đang gây hệ lụy nghiêm trọng. Nhu cầu xây dựng là cần thiết, luồng lạch vẫn cần nạo vét, nhưng thực tế không quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên này sẽ sớm cạn kiệt.

“Phải quyết tâm lập tại trật tự,  phải quản lý thế nào để các doanh nghiệp không lợi dụng, vi phạm. Đánh giá lại toàn bộ các đơn vị được cấp phép hiện nay một cách toàn diện, có kế hoạch thanh tra, kiểm tra một cách kỹ lưỡng tất cả các vấn đề có liên quan”, Thượng tướng Lê Quý Vương kiến nghị.

Xử lý nghiêm minh

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nêu rõ: Với đà khai thác hiện nay, nguồn tài nguyên này sẽ sớm cạn kiệt với nhiều hệ lụy làm xói mòn, ảnh hưởng dòng chảy tự nhiên, gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản của người dân, mất an ninh trật tự, gây bức xúc với người dân.

Để việc khai thác cát sỏi đúng quy định, chúng ta đã ban hành nhiều quy định, Chính phủ và Thủ tướng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý, đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn, xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát trên sông và cửa biển.

Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng này là địa bàn khai thác cát rộng, kéo dài, số lượng đối tượng khai thác rất lớn, sống ven sông, thông thạo có thể nói là chuyên nghiệp, thường xuyên hoạt động rất tinh vi… Hoạt động bơm hút rất nhanh, diễn ra vào ban đêm, ở địa bàn giáp ranh, có mạng lưới chân rết rộng để cảnh giới, nên việc bắt giữ, xử lý còn khó khăn.

Về chủ quan, theo Phó Thủ tướng Thường trực, một số cấp uỷ và chính quyền địa phương còn buông lỏng quản lý, nương tay, thậm chí bao che cho hành vi sai phạm. Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý, xử lý còn chưa đồng bộ, hiệu quả.

“Phải thấy một thực tế, hoạt động khai thác cát trái phép nhiều khi vẫn diễn ra công khai, ban ngày, liên tục mà không bị xử lý. Có tình trạng cơ quan chức năng địa phương buông lỏng quản lý, thậm chí bao che cho tội phạm nếu không nói là bảo kê. Đằng sau hoạt động của các đối tượng khai thác cát trái phép có bóng dáng của tội phạm có tổ chức, xã hội đen. Hầu như địa phương chưa đánh giá khách quan về tình hình bức xúc này. Do đó, cần một quyết tâm lớn của cả các cấp, các ngành với các giải pháp đấu tranh để ngăn chặn, đẩy lùi cho được tình trạng này”, Phó Thủ tướng Thường trực nhấn mạnh.

Đề cập đến nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu, để đấu tranh có hiệu quả với nạn khai thác cát trái phép, cần thực hiện nghiêm túc pháp luật hiện hành. Đồng thời, cần bổ sung và tăng cường chức năng của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm 138 từ Trung ương xuống địa phương đối với công tác này. Có cơ chế xử lý, phối hợp và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu địa phương, đơn vị trong chống nạn khai thác cát trái phép trên địa bàn. Với địa bàn giáp ranh mà các đối tượng khai cát trái phép lợi dụng để trốn tránh thì lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, phải chống cho được việc lợi dụng được nạo vét để tận thu cát.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu các lực lượng chức năng cần sớm mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm khai thác cát trái phép từ ngày 15/3 đến 1/6 nhằm lập lại trật tự hoạt động khai thác cát trong cả nước. Đồng thời, thực hiện rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật cho chặt chẽ để xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm nghiêm trọng.

Các bộ trên cơ sở chức năng của mình cần tạm dừng cấp phép xuất khẩu cát nhiễm mặn tận thu từ các dự án xã hội hoá, nghiên cứu và sản xuất các vật liệu thay thế cát tự nhiên, tiếp tục tạm dừng cấp phép các dự án xã hội hoá để nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khoáng sản theo thẩm quyền; kiểm soát nghiêm ngặt sản lượng khai thác khoáng sản thực tế của các tổ chức, cá nhân.

Có biện pháp quản lý chặt chẽ hoá đơn thuế đối với việc mua bán cát sỏi, ngăn chặn việc mua bán hoá đơn hoặc hợp thức hoá chứng từ đối với cát sỏi; thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để tổ chức thanh tra, kiểm tra tại các địa phương trọng điểm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người dân và doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định về khai thác cát sỏi, chủ động phát hiện và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm, tuyên truyền trung thực, khách quan về tình hình khai thác cát trái phép.

Các địa phương cần rà soát, đánh giá việc thăm dò, khai thác cát, đề xuất điều chỉnh quy hoạch các bến bãi, tăng cường kiểm tra khai thác cát sỏi tại những khu vực giáp ranh; nơi nào để xảy ra vi phạm kéo dài, gây bức xúc trong dư luận thì kiên quyết xử lý người đứng đầu, phát hiện người nào “bảo kê”, tiếp tay, bao che thì tuỳ tính chất mà xử lý nghiêm minh theo quy định.

 

Theo Lê Sơn /Chinhphu.vn

 

Tệp đính kèm