Cập nhật: 15/03/2017 10:52:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Các vụ việc xâm hại trẻ em cần được giải quyết nhanh chóng và dứt điểm, đối tượng phạm tội phải bị đưa ra nghiêm trị trước pháp luật.

Trẻ em cần được chăm sóc, bảo vệ để phát triển trong môi trường an toàn: (Ảnh minh họa)

Mới đây, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu làm rõ vụ dâm ô trẻ em tại Vũng Tàu và vụ xâm hại trẻ em ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Dư luận đồng tình cao với các chỉ đạo kịp thời này và cho rằng, cần đưa các vụ việc ra ánh sáng để giữ vững niềm tin của người dân với pháp luật.

“Bức xúc và phẫn nộ” là cảm nhận chung của bất cứ ai khi theo dõi các vụ xâm hại trẻ em, nhất là khi các vụ việc ấy chưa được giải quyết dứt điểm, mặc dù đã xác định rõ được đối tượng xâm hại. Điển hình là vụ dâm ô hàng loạt trẻ em tại chung cư Lakeside Vũng Tàu. Đây là vụ án dư luận đặc biệt quan tâm, bởi các em gái bị dâm ô còn rất nhỏ, có em chỉ 6 tuổi và kẻ xâm hại là một ông già 76 tuổi sống cùng khu dân cư.

Sau khi chị Trần Thị Thu Thủy gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng việc người đàn ông này nhiều lần xâm hại con gái mình, đã có thêm 6 bé gái nữa được người thân và các nhân chứng xác nhận cũng bị xâm hại.

Chị Nguyễn Phương Thảo ở Hà Nội càng thấy lo lắng và hoang mang hơn khi ở ngay chính địa bàn mình sinh sống là quận Hoàng Mai, xảy ra vụ thanh niên ngoài 30 tuổi xâm hại bé gái chỉ mới 8 tuổi và đối tượng phạm tội cũng chưa được xử lý nghiêm minh.

Chị Nguyễn Phương Thảo cho biết: “Đây là những hành vi không thể chấp nhận được. Không hiểu vì sao mà đối tượng đã được xác định rõ mà lại không xử lý theo quy định của pháp luật. Mong là những vụ việc này phải được đưa ra ánh sáng, trừng trị thích đáng những kẻ vô đạo đức, vô lương tâm đấy để bảo vệ những đứa trẻ như con chúng tôi. Vì hàng ngày, con cái đi học, chúng tôi lo lắng và có các biện pháp bảo vệ con nhưng nói thật là cũng không thể phòng tránh hết được”.

Theo thống kê của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi ngày có 3 trường hợp trẻ em bị xâm hại tình dục được báo cáo. Thủ phạm trong các vụ bạo lực tình dục phụ nữ và trẻ em có gần 3/4 là người quen của nạn nhân. Phần lớn các vụ xảy ra ở những nơi được coi là an toàn như trường học, công sở hay thậm chí chính trong nhà của nạn nhân.

Tuy nhiên, chế tài xử lý đối tượng thực hiện hành vi này còn nhiều hạn chế. Bởi lẽ, để xác định dấu vết làm căn cứ khẳng định có hành vi xâm hại tình dục hay không là điều không đơn giản, do nó liên quan trực tiếp đến tâm lý, lời khai của người bị hại, người liên quan đến vụ án. Vì e ngại, sợ mọi người biết nên bị hại, người thân của họ thường cố tình che giấu hoặc khai báo không đúng sự thật, không hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra. Trong khi đó, nếu thiếu chứng cứ pháp y, việc xử lý các vụ xâm hại tình dục trẻ em gần như rơi vào ngõ cụt.

Bà Tạ Thị Minh Lý, nguyên Cục trưởng Cục Trợ giúp Pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng: “Về phía các cơ quan pháp luật thì phải chờ gia đình bị hại làm đơn thì mới vào cuộc vì theo quy định pháp luật, người bị hại hoặc đại diện hợp pháp phải làm đơn tố cáo. Điều này cũng làm chậm quá trình xử lý. Khi có thông tin, nhiều khi các cơ quan tiến hành tố tụng không vào cuộc ngay hoặc cho rằng, vụ này đã qua lâu rồi thì hòa giải được là tốt, làm giảm số vụ phạm tội trên địa bàn mình đang quản lý. Đây là nguyên nhân chậm trễ hoặc không xử lý. Cũng không loại trừ việc có sự tiêu cực trong này nên các cơ quan tiến hành tố tụng không giám sát kịp thời nên không đưa vụ việc ra ánh sáng ngay”.

 

Bà Ninh Thị Hồng, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam

Các vụ việc xâm hại trẻ em là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Sau khi trẻ bị xâm hại tình dục, tổn thương không chỉ về mặt thể chất mà còn để lại những vết sẹo trong tâm hồn và nỗi ám ảnh trong suốt cuộc đời của các em. Đặc biệt, với các em gái nhỏ tuổi thì việc hòa nhập với cộng đồng là rất khó khăn. Vì thế, công tác phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng xâm phạm tình dục trẻ em được đặt ra là rất cấp bách.

Tuy nhiên, để có thể phòng ngừa có hiệu quả các vụ xâm hại tình dục trẻ em thì phải tiến hành đồng thời nhiều giải pháp, trong đó cần chú trọng việc nâng cao tính răn đe và cảnh báo. Các vụ việc xâm hại trẻ em cần được giải quyết nhanh chóng và dứt điểm, đối tượng phạm tội phải bị đưa ra nghiêm trị trước pháp luật. Từ đó mới có thể giữ vững niềm tin của người dân với hệ thống các cơ quan pháp luật và để trẻ em được sống và phát triển trong môi trường an toàn.

Bà Ninh Thị Hồng, Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam kiến nghị: “Làm thế nào để án xâm hại tình dục trẻ em được phát hiện nhanh chóng vì mục tiêu bảo vệ trẻ em, trừng phạt thích đáng những kẻ xâm hại trẻ em. Nên chăng giữa ngành Y tế và công an có sự phối hợp để đưa ra những quy định giám định nhanh nhất.

Vì ngành công an muốn có chứng cứ rõ ràng nhưng làm thế nào để có chứng cứ khi một trẻ em bị xâm hại, những quy định để khám thương tật còn kéo dài và không phải cơ quan y tế nào cũng làm ngay. Không những thế, ngành y tế thì bảo phải đợi có giấy tờ cơ quan công an. Trong khi đó dấu vết chứng cứ lại mất đi, rất khó có được nữa”.

Tuy nhiên, để có thể bảo vệ trẻ em trước các nguy cơ bị xâm hại, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và việc xử lý theo đúng quy định của pháp luật, thiết nghĩ, các bậc phụ huynh cũng cần trang bị những kiến thức, kỹ năng cần thiết để trẻ có thể tự bảo vệ bản thân trong những trường hợp cần thiết./.

Theo Lê Thơm/VOV.VN

Tệp đính kèm