Cập nhật: 17/03/2017 15:17:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Quảng cáo trên in-tơ-nét đang được các doanh nghiệp trong và ngoài nước lựa chọn sử dụng như là kênh quảng cáo chủ lực, do tiết kiệm chi phí, tiếp cận được thị trường toàn cầu và mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, xu thế này cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực khi nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo buông lỏng kiểm soát.

Cục trưởng Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) Nguyễn Thanh Lâm cho biết, thời gian gần đây, Bộ đã phát hiện nhiều quảng cáo sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp trong và ngoài nước, kể cả một số thương hiệu toàn cầu, được gắn trong các đoạn phim có nội dung xấu, độc hại, vi phạm quy định của pháp luật Việt Nam, được phát trên kênh Youtube thông qua dịch vụ quảng cáo của Google. Theo thống kê sơ bộ, hiện có rất nhiều đoạn phim xấu, độc hại, phản động chống phá Ðảng và Nhà nước ta, do các tổ chức, thế lực thù địch xây dựng và phát tán trên 15 kênh mạng, nhiều nhất là trên kênh Youtube.

Ngay sau khi phát hiện nguy cơ rất đáng lo ngại này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản cảnh báo đến các doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo, các công ty kinh doanh dịch vụ quảng cáo. Chiều 16-3, tại buổi làm việc với Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, đại diện nhiều doanh nghiệp, thương hiệu lớn đang có sản phẩm, dịch vụ quảng cáo trên mạng, khẳng định: Trong hợp đồng ký kết giữa họ với các đại lý quảng cáo để quảng cáo sản phẩm, dịch vụ trên Youtube đều có điều khoản yêu cầu các đại lý quảng cáo không được đăng, phát quảng cáo trong những đoạn phim có nội dung không phù hợp pháp luật Việt Nam. Ngay sau khi nhận được thông tin cảnh báo từ Bộ, các doanh nghiệp đã yêu cầu đại lý quảng cáo tạm dừng quảng cáo trên Youtube và sẽ tiếp tục dừng quảng cáo trên kênh này nếu Google và các đại lý quảng cáo không có giải pháp ngăn chặn triệt để tình trạng vừa xảy ra.

Ðại diện các đại lý quảng cáo cho biết, khi ký hợp đồng với Google chạy chương trình quảng cáo cho các nhãn hàng đối tác của họ trên Youtube, họ đã lựa chọn vị trí hiển thị quảng cáo qua việc lọc từ khóa, phân loại nhóm để ngăn chặn việc xuất hiện nội dung quảng cáo của khách hàng trong các đoạn phim không phù hợp, thí dụ: lọc toàn bộ chủ đề về chính trị, phim quay trực tiếp, trò chơi điện tử, phim thảm kịch và xung đột vũ trang, sự kiện xã hội nhạy cảm, phim có nội dung người lớn. Tuy nhiên, phương pháp này không triệt để do có nhiều đoạn phim xấu, độc hại được người đăng tải xếp vào nhóm giải trí lành mạnh để "lách" thuật toán của Google. Tình trạng này nghiêm trọng tới mức, tại Liên hoan Quảng cáo Vương quốc Anh, diễn ra ở Luân Ðôn ngày 10-3-2017, ông Xô-ren, Giám đốc điều hành Công ty WPP, hãng quảng cáo lớn nhất trên thế giới, đã yêu cầu Google phải "đứng lên và chịu trách nhiệm" về dịch vụ quảng cáo trên nền tảng của mình.

Đánh giá về nguyên nhân khiến các doanh nghiệp, nhãn hàng bị quảng cáo ở đoạn phim xấu, độc hại trên kênh Youtube, đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an), cho rằng, do các doanh nghiệp có sản phẩm quảng cáo và các đại lý quảng cáo chưa kiểm soát tốt vị trí hiển thị quảng cáo sản phẩm, chưa chú trọng hậu kiểm. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do dịch vụ quảng cáo của Google, Youtube đang áp dụng chế độ quảng cáo tự động bằng các thuật toán, cho nên đã không kiểm soát hết các trường hợp nằm ngoài thuật toán. Bên cạnh đó, Google, Youtube chia sẻ lợi ích kinh tế từ quảng cáo cho tổ chức, cá nhân sản xuất những đoạn phim trên Youtube, trong đó, gián tiếp khuyến khích các đoạn phim xấu, độc được đăng tải nhiều hơn trên Youtube.

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, hiện nay, tình trạng này không chỉ còn là mối lo riêng của ngành quảng cáo Việt Nam mà đã thật sự trở thành mối lo ngại chung của các doanh nghiệp quảng cáo ở nhiều nước trên thế giới. Ngoài ra, tình trạng gắn quảng cáo trên các đoạn phim có nội dung vi phạm không chỉ tồn tại trên Youtube mà còn xuất hiện trên các website vi phạm bản quyền về nội dung như các website chia sẻ phim, chương trình truyền hình, chương trình thể thao không có bản quyền. Ðây cũng là vấn đề cần ngăn chặn và các cơ quan liên quan phải nghiên cứu xử lý trong thời gian tới. Trước mắt, Bộ kêu gọi các doanh nghiệp chung tay bảo vệ sự an toàn cho các thương hiệu, hướng tới xây dựng môi trường in-tơ-nét lành mạnh, an toàn cho mọi người sử dụng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động yêu cầu Google phối hợp để ngăn chặn và Google đã triển khai một số hành động cụ thể như: ngăn chặn, gỡ bỏ các đoạn phim có nội dung vi phạm theo yêu cầu của Chính phủ Việt Nam; hỗ trợ giải pháp cho các đại lý quảng cáo khắc phục hiệu quả hơn… Nhưng đến nay, Google mới chỉ chặn theo dõi trên lãnh thổ Việt Nam và gỡ được 42 trong tổng số rất nhiều đoạn phim xấu, độc hại. Rõ ràng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Google trong việc thay đổi các thuật toán để lọc, kiểm duyệt thì có thể ngăn chặn triệt để tình trạng vi phạm này.

 

MẠNH DƯƠNG

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm