Hai mẩu chuyện nhỏ dưới đây xảy ra khá lâu, xin kể lại nhằm giúp các ông bố, bà mẹ trẻ cùng các cô trông giữ trẻ cũng như các chị giúp việc tại các gia đình có các bé nhỏ tuổi cần quan tâm, đề phòng bất trắc khi chăm sóc trẻ có thể dẫn đến tử vong cho bé, vì sơ suất gây sặc thức ăn vào đường thở, gây suy hô hấp.
Thủ thuật Heimlich cấp cứu trẻ khi bị dị vật đường thở.
Năm 1960, tại nhà trẻ của Sở Y tế và Bệnh viện Khu Tự trị Thái - Mèo đặt tại Thuận Châu (thuộc tỉnh Sơn La ngày nay) xảy ra một sự việc đau lòng vì bé gái 2 tuổi bị chết do sặc cháo, gây tắc thở. Nguyên do vì chị Th. - người trông giữ trẻ đã cố ép cháu nuốt thìa cháo trong khi cháu đang khóc quấy, không chịu ăn. Hoảng hốt, chị Th. đã bế cháu đến bệnh viện trong tình trạng môi mặt tím ngắt, tim ngừng đập, phổi ngừng thở, đồng tử giãn, hết phương cứu chữa... Cái chết của cháu xảy ra quá đột ngột, bất ngờ đã gây cú sốc nặng nề không chỉ cho bố mẹ cháu mà còn gây ra không khí căng thẳng cho cả cơ quan. Mất khá nhiều thời gian dàn xếp giữa các bên, sự việc mới ổn thỏa. Chị Th. nhiều năm là cô giáo kiểu mẫu đạt nhiều danh hiệu thi đua được mọi người quý trọng, đã phải nhận mức kỷ luật về vật chất là hạ bậc lương và chuyển sang làm hộ lý. Chị đã đóng góp phần chia sẻ mất mát với gia đình cháu (chị và gia đình cháu cùng là người địa phương, vốn có mối quan hệ thân tình như trong một gia đình từ nhiều năm trước nên tạo được sự cảm thông giữa hai bên). Cơ quan đã tổ chức ngay một đợt học tập để nâng cao kiến thức chăm sóc trẻ dành cho các chị công tác ở đây và ban nữ công cùng công đoàn cơ quan phân công thay nhau đến kiểm tra nhắc nhở thường xuyên và động viên giúp hoạt động của nhà trẻ sớm hoạt động đi vào ổn định, để các ông bố, bà mẹ có con gửi nhà trẻ yên tâm công tác...Thủ thuật Heimlich cấp cứu trẻ khi bị dị vật đường thở.
Vào năm 1972, tôi suýt mất đứa con trai khi cháu mới 2 tuổi. Số là đi công tác về, tôi mua chút quà cho cháu là gói kẹo bi - một loại kẹo làm từ đường được cô lên rồi viên tròn như viên bi, đóng gói bán cho khách mà không thu tem phiếu (nếu mua mỗi cái bánh mì, phải kèm theo tem gạo 225gr mỗi chiếc). Cháu mừng lắm, ngồi vào lòng bố rồi mở gói kẹo nhón một viên cho vào miệng, trong khi vừa ngậm viên kẹo lại vừa kể bi bô chuyện nhà cho bố nghe. Bỗng tôi thấy cháu ngừng nói, nhìn thấy mặt cháu biến sắc hơi tím tái, tôi vội cúi gập người cháu xuống gối của mình, rồi lấy tay phải ép mạnh vào bụng cháu, đẩy ngược lên phía trên đầu cháu làm áp lực ổ bụng tăng, đẩy cơ hoành ép vào hai đáy phổi, dồn không khí ngược từ phổi ra khí quản, tống viên kẹo bi bật ngược lại và nằm lại trong miệng, tôi vội móc viên kẹo bi ra khỏi miệng cháu, nhờ vậy, cháu thở lại được, da mặt và môi hồng trở lại, thật hú vía! (Nếu khi đó ẵm ngửa cháu mang đi cấp cứu thì chẳng khác nào đẩy viên kẹo bi vào sâu đường thở làm chẹn kín khí quản, gây tắc thở hoàn toàn và mọi sự chấm hết).
Bạn đọc ngoài ngành y cần hiểu biết đôi chút cấu tạo về cơ thể của người là thực quản đi từ miệng mang thức ăn, nước uống, thuốc men... xuống dạ dày, nó nằm ngay và gắn sát trước thanh quản (đoạn đầu của khí quản, có nhiệm vụ trong việc hít thở, trao đổi khí cho con người). Ở đầu thực quản có nắp đậy bằng một loại cơ, mở ra để đón thức ăn xuống thực quản, trong khi đó, thanh quản cũng có nắp nhưng được đóng kín lại, không để lọt thức ăn, uống vào đường thở. Nếu vừa ăn, vừa nói cùng lúc, hai nắp đậy thực quản và thanh quản cùng mở ra, dễ gây sặc vì thức ăn dễ dàng chui vào thanh quản, xuống khí quản, nếu nhẹ thì khí quản sẽ đẩy thức ăn ra, bật lên vòm mũi họng gây hắt hơi kèm thức ăn, uống, còn nặng hơn thì nguy hiểm. Vì vậy, khi cho bé ăn (cháo hoặc uống sữa, bú sữa...), nên lưu ý tuyệt đối không ép bé ăn, bú khi nó đang khóc phản ứng sẽ gây tai nạn cho bé. Phải thật bình tĩnh tìm cách hút thức ăn ra khỏi miệng bé, gấp người bé cúi tối đa, ép bụng, dồn lên phía trên, làm tăng áp lực không khí ở đường thở để tống dị vật ra ngoài, như mô tả ở trên. Các thức ăn trước khi chế biến cần cắt nhỏ, nấu nhừ, kẹo bánh cứng phải được người lớn làm nhỏ trước khi cho trẻ ăn, chỉ cho trẻ ăn ít một, không nên đùa giỡn, nói chuyện nhiều khi trẻ ăn vừa gây mất vệ sinh do vi khuẩn bắn qua nước bọt truyền cho người xung quanh, tạo ra thói quen không đẹp trong ăn uống sau này khi trẻ trưởng thành...
Đôi dòng tâm sự, xin chia sẻ cùng bạn đọc gần xa...
BS. Lâm Đức Hùng
Theo suckhoedoisong.vn