Cập nhật: 31/03/2017 14:33:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu tại hội thảo.

Đó là thông tin được Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) Nguyễn Thị Liên Hương thông tin sáng 30-3, tại hội thảo góp ý cơ chế thuê dịch vụ xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện công lập.

Hội thảo nhằm lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo Quyết định quy định về thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế trong các bệnh viện công lập, để hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

40% cơ sở y tế chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế đúng quy chuẩn

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) cho biết, theo kết quả thực hiện Đề án 2038 (Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011-2015 và định hướng giai đoạn 2020), trong số 13.511 cơ sở y tế của cả nước hiện mới có khoảng 60% cơ sở có hệ thống xử lý nước thải y tế đảm bảo quy chuẩn, tiêu chuẩn; 40% còn lại vẫn chưa đạt.

Tỷ lệ nước thải y tế được xử lý cả bệnh viện tuyến Trung ương và tuyến tỉnh đều chưa đạt mục tiêu đề ra. Tỷ lệ chất thải rắn y tế nguy hại được xử lý tại tuyến Trung ương là 95%, tại tuyến tỉnh là 71,2% (chưa đạt mục tiêu của Đề án) và đạt 78,4% ở tuyến huyện.

Về cơ chế xử lý chất thải rắn y tế nguy hại, hiện nay có 60,4% bệnh viện thuê vận chuyển ra ngoài và xử lý và 39,6% bệnh viện tự xử lý ở những nơi không có đơn vị cung cấp. Đối với cơ chế xử lý nước thải y tế, hiện nay chúng ta đang có hai mô hình xử lý, nhưng hầu hết là xử lý tại chỗ. Kinh phí đầu tư cho xử lý nước thải y tế chủ yếu từ ngân sách nhà nước với quy mô dưới 20 tỷ đồng.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, nguyên nhân chủ yếu không đạt mục tiêu Đề án là thiếu kinh phí để đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế. Tính đến nay, hiện còn khoảng 400 bệnh viện cần đầu tư mới hoặc nâng cấp hệ thống xử lý nước thải y tế. Đồng thời đối với các bệnh viện đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải y tế thì công tác vận hành, duy tu, bảo trì, bảo dưỡng cũng còn gặp khó khăn do thiếu kinh phí vận hành và thiếu cán bộ có chuyên môn kỹ thuật phù hợp để quản lý, vận hành công trình xử lý nước thải y tế, dẫn đến hiệu quả xử lý nước thải y tế không ổn định và tuổi thọ công trình không cao.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long bày tỏ, với chủ trương xã hội hóa hiện nay, thì việc áp dụng xã hội hóa trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với cơ sở y tế còn gặp khó khăn đối với xử lý nước thải y tế. Vì theo Quyết định số 1466/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành, không quy định cơ sở cung cấp dịch vụ xử lý nước thải y tế thuộc loại hình cơ sở thực hiện xã hội hóa. Tại Nghị định 15 về đầu tư theo hình thức đối tác công tư quy định, một trong các điều kiện dự án được lựa chọn thực hiện theo hình thức đối tác công tư phải đáp ứng là có tổng vốn đầu tư từ 20 tỷ đồng trở lên. Trong khi thực tế, đối với đầu tư công trình xử lý nước thải y tế chủ yếu là đầu tư tại chỗ và hầu hết các dự án đầu tư công trình xử lý nước thải y tế đều dưới 20 tỷ đồng.

Do đó, ngành y tế cần một cơ chế chính sách phù hợp, khả thi để thu hút và huy động các thành phần xã hội tham gia vào xử lý nước thải y tế, tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn và tăng tính chuyên nghiệp trong vận hành hệ thống. Bộ Y tế đã chủ động trình và đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng cơ chế chính sách đặc thù về xử lý chất thải y tế để bảo đảm đạt mục tiêu về xử lý chất thải y tế. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ liên quan, Bộ Y tế đã hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về thuê dịch vụ xử lý nước thải y tế.

Nhiều băn khoăn trong thuê dịch vụ xử lý chất thải y tế

Tại hội thảo, nhiều ý kiến được đại diện lãnh đạo các cơ sở y tế đưa ra đóng góp để sát hơn với thực tiễn khi triển khai cơ chế dịch vụ thuê ngoài xử lý chất thải y tế.

Theo Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An – Nguyễn Danh Linh, Bộ Y tế cần phải công bố một công nghệ chuẩn trên toàn quốc để các bệnh viện cơ sở lấy công nghệ đó áp dụng cho việc xử lý nước thải tại các bệnh viện. Đồng thời, ông cũng chỉ ra thực trạng, khi đấu thầu thì chủ đầu tư thương thảo với nhà thầu chấp nhận công nghệ, nhưng khi xảy ra sự cố không xử lý đúng chất lượng thì lại xin các cấp có thẩm quyền.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định cho biết, một trong những khó khăn của các bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến tỉnh trong việc thuê dịch vụ xử lý chất thải y tế là họ chưa có quyền tự chủ. Trong khi cơ chế giá dịch đang được kiểm soát và khống chế thì việc thuê dịch vụ xử lý chất thải y tế lại phải theo đúng định giá thị trường.

Ông cũng cho rằng, cơ chế thuê dịch vụ này sẽ khó khăn với các bệnh viện tuyến dưới, bệnh viện ít số giường hoặc các cơ sở y tế có ít bệnh nhân. Việc chịu trách nhiệm trước pháp luật về vấn đề chất lượng của việc xử lý chất thải y tế liệu sẽ nằm ở các bệnh viện hay đơn vị được thuê cũng được ông đặt câu hỏi tại hội thảo?

Đánh giá điều này, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, việc giám sát xem đơn vị được thuê có thực hiện đúng theo nghĩa vụ hợp đồng hay không là của các bệnh viện. Ngoài giám sát theo quý, các bệnh viện có thể thực hiện giám sát đột xuất, lấy mẫu gửi đi xét nghiệm để có cơ sở làm việc với đơn vị được thuê, xem họ có thực hiện xử lý chất thải y tế bảo đảm đúng chất lượng hay chưa.

Thứ trưởng cũng đồng tình ý kiến cho rằng, nhiều đơn vị y tế như y học cổ truyền, y tế dự phòng hoặc bệnh viện tuyến dưới… không thể có kinh phí để thuê dịch vụ xử lý chất thải y tế. Những đơn vị này, công suất sử dụng ít, số giường bệnh và người bệnh ít, thì chính các nhà đầu tư cũng thể hào hứng.

Trước những ý kiến cho rằng có nên quy định giá trần thuê dịch vụ hoặc quy định thời hạn về hợp đồng, Thứ trưởng cho rằng, cơ chế khuyến khích các cơ sở y tế lựa chọn công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Do đó, không thể quy định giá trần với việc thuê dịch vụ này vì sẽ hạn chế việc sử dụng công nghệ của các cơ sở y tế. Thêm nữa, nếu quy định về thời hạn, sẽ làm ràng buộc chủ đầu tư và cơ quan thuê dịch vụ. Ví dụ như có những đơn vị được thuê tới 10 năm nhưng họ không xử lý chất thải y tế đúng tiêu chuẩn thì sẽ khó cho chủ thuê dịch vụ xử lý.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, những ý kiến của các đại diện cơ sở y tế đưa ra tại hội thảo sẽ được nghiên cứu, bổ sung, để sớm hoàn thiện nội dung dự thảo Quyết định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành. Mục tiêu Bộ Y tế đặt ra đến năm 2020 là 100% cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế đạt yêu cầu về môi trường.

 

THIÊN LAM

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm