Theo khuyến cáo của Viện Y học ứng dụng Việt Nam, nếu chúng ta tiêu thụ một lon nước ngọt có ga mỗi ngày, có thể làm tăng 6,75kg cân nặng trong một năm.
Tại hội thảo về “Đồ uống và sức khỏe” diễn ra ngày 4-4 do Viện Y học ứng dụng Việt Nam tổ chức, các chuyên gia đưa ra nhiều cảnh báo về việc sử dụng đồ uống chưa đúng cách và còn nhiều hiểu biết sai lầm về các đồ uống sử dụng hàng ngày. Các nhà khoa học, các giáo sư, tiến sỹ, bác sỹ đầu ngành y khoa, dược khoa cũng đã cập nhật, cung cấp các thông tin khoa học hữu ích về các nhóm đồ uống và lợi ích của chúng với sức khỏe; thảo luận về vai trò của nước uống, nhu cầu nước uống đối với từng lứa tuổi và từng nhóm bệnh.
Theo PGS, TS Phạm Văn Hoan, Phó viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, đồ uống là nguồn cung cấp nước chính cho cơ thể, đóng góp khoảng 70-80% nhu cầu nước một ngày (thực phẩm chỉ đóng góp khoảng 20-30% nhu cầu).
Thống kê năm 2012 trên toàn cầu cho thấy, nước uống đóng chai (water) vẫn là loại nước giải khát được tiêu thụ chính trên toàn cầu (242 tỷ lít), xếp thứ hai là nước uống có ga (với con số xấp xỉ lượng nước đóng chai 220 tỷ lít). Con số này lớn hơn rất nhiều so với lượng nước ép trái cây được tiêu thụ (xếp hàng thứ ba, tương đương chỉ 71 tỷ lít trên toàn cầu).
Nước ngọt có ga là nguyên nhân gây ra tình trạng béo phì, nhất là ở giới trẻ hiện nay. Theo thống kê, tiêu thụ một lon nước ngọt có ga/ngày có thể làm tăng 6,75kg cân nặng/năm.
Một lon nước ngọt 600ml chứa lượng đường tương đương 36g. Mỗi ngày uống một lon nước ngọt 600ml, trong một năm, sẽ tiêu thụ thêm 23 kilogram đường. Lượng đường này trong các loại nước uống tăng lực là 24g/1lon 250ml. Tiêu thụ quá nhiều đường là nguyên nhân góp phần gây béo phì, yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh mạn tính như tiểu đường, tim mạch,…
Việc sử dụng đồ uống có cồn cũng sẽ gây ra nhiều bệnh tật nguy hiểm. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 1992, lạm dụng rượu bia là nguyên nhân gây ra 30 mã bệnh thuộc hệ thống phân loại ICD10 và là nguyên nhân liên quan của 200 mã bệnh. Cũng theo thống kê của WHO, số người tử vong vì sử dụng đồ uống có cồn đạt tới con số 3,3 triệu người tử vong/năm, và đồ uống có cồn là nguyên nhân góp phần gây ra 5,9% tỷ lệ chết chung.
TS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện y học ứng dụng cho biết, việc lạm dụng rượu bia có thể khiến mỗi người mất đi từ 0,6 năm sống cho đến khoảng 12,8 năm sống, và trung bình trên thế giới là mất đi 5,1 năm sống. Hay nói cách khác, trung bình, việc lạm dụng rượu bia có thể làm giảm đi khoảng 5 năm tuổi thọ của con người.
PGS, TS Phạm Văn Hoan khuyến nghị, để đáp ứng nhu cầu nước của cơ thể, cần phải bổ sung nước mỗi ngày. Nhu cầu nước hàng ngày của cơ thể sẽ tăng dần theo tuổi từ khi còn là trẻ sơ sinh (cần khoảng 0,6 lít nước) cho tới khi là trẻ nhỏ (khoảng 1,7 lít). Với người trưởng thành, nhu cầu nước của nam giới khoảng 2,5 lít/ngày nếu có mức độ lao động thể lực mức độ nhẹ, có thể tăng lên tới 3,2 lít/ngày nếu hoạt động thể lực ở mức độ trung bình và tăng lên tới 6 lít/ngày nếu hoạt động thể lực nhiều và sống trong điều kiện khí hậu nóng. Nhu cầu nước của nữ giới thấp hơn của nam giới cùng nhóm tuổi khoảng từ 0,5 - 1 lít nước.
Trước những hậu quả về bệnh tật và sức khỏe của người dân do lạm dụng đồ uống có cồn, đồ uống có ga, kể cả nước ép hoa quả, TS, BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam đưa ra lời khuyên, người dân nên giảm sử dụng đồ uống có cồn (rượu, bia), giảm các loại nước ngọt có ga. Mọi người nên sử dụng các loại nước đóng chai, nước ngọt không ga ít đường. Đặc biệt, tăng cường sử dụng các đồ uống truyền thống có nguồn gốc thiên nhiên như trái cây, các loại trà, trà thảo mộc có hàm lượng đường thấp. Sử dụng đồ uống cho từng đối tượng phù hợp với tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe và bệnh tật.
Theo THIÊN LAM/ nhandan.com.vn