Lần đầu tiên, các trường phái hội họa Huế sẽ được tái hiện trên những bộ áo dài tại Festival nghề truyền thống Huế 2017.
Vừa qua, tại Hà Nội, UBND TP Huế phối hợp cùng Bộ Thông tin Truyền thông tổ chức cuộc họp báo giới thiệu Festival nghề truyền thống Huế 2017.
Festival nghề truyền thống Huế 2017 diễn ra từ ngày 28/4 - 2/5/2017. Ảnh: huefestival.com
Festival Nghề truyền thống Huế lần thứ VII với chủ đề “Tinh hoa Nghề Việt” sẽ diễn ra từ ngày 28/4 - 2/5/2017. Đây là sự kiện văn hóa, du lịch và kinh tế lớn, có ý nghĩa quan trọng nhằm khẳng định và nâng cao vị thế của Huế “Cố đô xanh - di sản thế giới - Thành phố an toàn và thân thiện”, tôn vinh những giá trị tinh hoa của di sản.
Họp báo giới thiệu Festival nghề truyền thống Huế 2017 tại Hà Nội.
Tại Festival, nhiều nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân bàn tay vàng từ các làng nghề ở Huế và các làng nghề tiêu biểu trên cả nước cùng những sản phẩm độc đáo sẽ tham dự và được tôn vinh.
Du khách, người dân Huế cũng sẽ được thưởng ngoạn và cùng trải nghiệm nhiều hoạt động nghề sống động, tinh hoa của bao thế hệ nghệ nhân trong một không gian trữ tình, lãng mạn bên bờ sông Hương và cầu Tràng Tiền.
Nhà Thiết kế Minh Hạnh cho biết, sự kiện sẽ có sự xuất hiện của hàng trăm chiếc áo dài mô phỏng những tác phẩm hội họa đẹp nhất của các tác giả người Huế.
Festival áo dài từng được tổ chức tại Huế. Ảnh: L.N
“Trình diễn áo dài tại Festival làng nghề nhằm tạo ra bản sắc cho chiếc áo dài. Từ trước đến nay, áo dài đã được trình diễn khắp nơi trên cả nước nhưng để tạo ra được bản sắc thì các NTK vẫn đang tìm kiếm. Mới đây, các NTK Việt Nam đã tìm ra được điều đặc biệt có thể làm nên bản sắc cho tà áo dài, đó là sự gặp gỡ giữa Hội họa Huế và vẻ đẹp chiếc áo dài”, NTK Minh Hạnh cho biết.
Ông Nguyễn Đăng Thạnh, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Huế, Phó Trưởng ban thường trực BTC Festival nghề truyền thống Huế 2017 cho biết: “Hội họa Huế đã trải quan thời gian và có rất nhiều tên tuổi không chỉ làm rạng danh cho mảnh đất Huế mà còn góp thành tựu lớn cho mỹ thuật đất nước. Chủ đề Hội họa trong tà áo dài thực sự là cuộc gặp gỡ đầy ý nghĩa của áo dài và hội họa Huế. Tác phẩm hội họa của các cố họa sỹ như Tôn Thất Đào, Đinh Cường, Bửu Chỉ, Võ Xuân Huy ...và các NKT như Quang Huy, Chu La, Vũ Việt Hà, Minh Hạnh ... không chỉ mang lại giá trị vật chất cho cuộc sống mà còn mang giá trị tinh thần vô giá, biểu đạt được giá trị thẩm mỹ của một trang phục bao đời đã thấm sâu vào tâm hồn người phụ nữ Việt Nam”.
Festival nghề truyền thống Huế năm 2016. Ảnh: T.L
Sẽ có 100 chiếc xích lô được sử dụng để chở những du khách mặc áo dài đi quanh một số con đường trọng điểm của thành phố. Ngoài ra, màn trình diễn áo dài của 200 nữ sinh Huế dự kiến cũng sẽ tạo nên sự bất ngờ và là một trong những điểm nhấn cho sự kiện.
Festival nghề truyền thống Huế gồm 13 nhóm nghề: Thêu, Kim Hoàn, Mộc mỹ nghệ, Đồng, Gốm, Nón lá, Hoa giấy Thanh Tiên, Tranh lành Sình, Dệt – May, Mây tre, Pháp lam, các sản phẩm khác có thương hiệu và truyền thống lâu đời, với sự tham gia của trên 300 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, bàn tay vàng đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước.
Một số thiết kế áo dài in tác phẩm hội họa của các hoa sĩ người Huế được trình diễn tại buổi họp báo.
Ngoài ra, sự kiện còn có sự tham gia của các thành phố có quan hệ kết nghĩa, hợp tác với Huế ở các quốc gia Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Festival nghề truyền thống Huế sẽ được khai mạc vào lúc 20h ngày 28/4/2017 tại sân khấu Quảng trường Quốc học.
Chương trình thời trang Hội tụ bản sắc Châu Á sẽ diễn ra vào lúc 20h ngày 29/4 tại cầu Tràng Tiền.
Chương trình Lễ hội áo dài với chủ đề Hội họa Huế và Áo dài sẽ diễn ra vào lúc 20h ngày 30/4 tại cầu Tràng Tiền.
Chương trình nghệ thuật Hát mừng tổ quốc thống nhất diễn ra tối 30/4 do Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế biểu diễn./.
Theo Đào Bích/VOV.VN