Cập nhật: 14/04/2017 14:22:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Người bệnh ngộ độc rượu methanol điều trị tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai).

Các hành vi gian dối, vi phạm những quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh rượu như việc sản xuất từ những nguyên liệu độc hại, bị cấm (như cồn Methanol) đã và đang gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người sử dụng và an sinh xã hội. Điều đó đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có những biện pháp quản lý chặt chẽ chất lượng mặt hàng này.

Theo số liệu thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương (Bộ Y tế) cho thấy: Tỷ lệ người bệnh điều trị tâm thần do rượu chiếm từ 5 đến 6% số người bệnh tâm thần và vẫn đang có xu hướng gia tăng. Tại Việt Nam, trong những năm gần đây vẫn ghi nhận được từ một đến bảy vụ ngộ độc rượu/năm (chiếm khoảng từ 1,5% đến 2,1% tổng số vụ ngộ độc thực phẩm/năm). Đáng chú ý, số người ngộ độc do rượu chỉ chiếm khoảng từ 0,5% đến 1% tổng số người ngộ độc, nhưng số người chết chiếm từ 6,8% đến 7% tổng số người chết do ngộ độc. Trong đó, nguyên nhân gây ra các vụ ngộ độc do rượu trắng là cao nhất, chiếm 42,9%; rượu ngâm thuốc là 36%; rượu ngâm củ ấu là 16%; rượu ngâm các loại động vật là 10,7%...

Phó Cục trưởng An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) TS Nguyễn Hùng Long cho biết: Theo số liệu thống kê, năm 2015 Việt Nam sản xuất khoảng 188 triệu lít rượu công nghiệp và dự kiến đến năm 2025 sản lượng ước đạt 440 triệu lít rượu công nghiệp. Tăng sản lượng rượu hằng năm đồng nghĩa với hệ lụy kèm theo là gây ra những hậu quả cho cộng đồng như ngộ độc rượu; các tổn hại về sức khỏe, tâm thần, tính mạng người tiêu dùng, nhất là ảnh hưởng trật tự xã hội và số vụ tai nạn giao thông sẽ ngày càng tăng theo. Đáng lo ngại, ở nước ta hiện nay rượu trắng có nhiều loại, phân chia theo nguồn gốc sản phẩm lên men rượu (gạo, ngô, sắn…) được ủ và chưng cất theo phương pháp truyền thống hay công nghiệp, hoặc được pha chế từ cồn thực phẩm.

Việc lạm dụng rượu về số lượng, chủng loại, trong số đó có nhiều loại rượu giả, rượu lậu, rượu tự pha không công bố tiêu chuẩn sản phẩm, nhất là hành vi gian dối, vi phạm những quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh rượu, sử dụng những nguyên liệu độc hại, bị cấm (cồn methanol) đã và đang gây ảnh hưởng tính mạng người tiêu dùng và an sinh xã hội. Methanol được sử dụng trong công nghiệp hóa chất, cũng như trong nhiều hoạt động của đời sống, cho nên cồn methanol có thể gây ngộ độc do uống nhầm hoặc uống loại rượu pha chế từ cồn công nghiệp. Vì methanol là một chất độc cực mạnh, cho nên chỉ cần uống từ 5 đến 15 ml có thể gây ngộ độc nặng; từ 15 ml trở lên là gây mù lòa và 30 ml có thể gây chết người. Theo số liệu thống kê, từ năm 2007 đến hết tháng 3-2017, trên cả nước ghi nhận được 58 vụ ngộ độc do sử dụng rượu không an toàn, làm 382 người ngộ độc, trong đó có 98 người chết, tập trung chủ yếu tại khu vực miền núi phía bắc và khu vực Đông Nam Bộ. Trong số 58 vụ ngộ độc nêu trên, thì số vụ sử dụng rượu trắng có hàm lượng methanol cao là 18 vụ (chiếm 31%); rượu ngâm cây rừng độc là 13 vụ (chiếm 22,4%)… Trong đó, số người chết do rượu có hàm lượng methanol cao là nhiều nhất, với 45 người (chiếm 45,9% tổng số người chết do sử dụng rượu không an toàn)…

Trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm và sức khỏe trường học (Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế) bác sĩ Trần Quốc Bảo cho biết: Kết quả điều tra năm 2015 về tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam cho thấy: Tỷ lệ uống rượu, bia ở Việt Nam là rất cao, có tới 77% số nam giới, trong đó 44% uống ở mức nguy hại và 11% số nữ giới hiện tại có uống rượu, bia trong ba mươi ngày vừa qua. Tỷ lệ nam giới uống rượu, bia ở nước ta cao hơn mặt bằng chung toàn cầu và của các khu vực, xếp thứ 22 trên thế giới và cao hơn tất cả các nước châu Á. Trong khi đó, việc sử dụng rượu, bia là nguyên nhân gián tiếp của 200 loại bệnh tật, chấn thương và là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 loại bệnh, điển hình như các bệnh rối loạn thần kinh, ung thư, đái tháo đường, tiêu hóa, tổn thương hệ miễn dịch…

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến ngộ độc rượu là do việc lạm dụng rượu, uống rượu không rõ nguồn gốc, tự ngâm động vật, thực vật; do gian lận nguyên liệu pha chế, nhất là tình trạng sử dụng methanol làm tăng độ cồn trong rượu. Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP), phòng, chống ngộ độc do rượu còn gặp nhiều khó khăn do thị trường sản xuất, kinh doanh rượu rất đa dạng, phức tạp, khó quản lý, vì mặc dù rượu được sản xuất hàng trăm triệu lít/năm, nhưng chủ yếu vẫn trong các hộ gia đình, làng nghề (chiếm đến 75%). Nhận thức về ATTP của người tiêu dùng, nhà sản xuất, kinh doanh chưa cao, trong khi đó nhu cầu sử dụng rượu của người dân rất cao về số lượng; nhất là thói quen sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, rượu giá rẻ của người dân còn rất phổ biến. Công tác kiểm soát an toàn đối với nguyên liệu sản xuất rượu chưa đạt hiệu quả cao, vẫn còn nguồn cung cấp, kinh doanh nguyên liệu không bảo đảm để sản xuất rượu; chính quyền không ít địa phương chưa vào cuộc quyết liệt, có trách nhiệm trong công tác quản lý vệ sinh ATTP trên địa bàn…

Nhằm khắc phục những khó khăn, bất cập nêu trên, cũng như tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc rượu, nhất là rượu có hàm lượng methanol cao, các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong quản lý như: quy định quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, nhất là các cơ sở nấu rượu thủ công. UBND các địa phương phối hợp chặt chẽ các cơ quan chức năng trong việc quản lý sản xuất, kinh doanh rượu theo quy định về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh hộ cá thể, hộ gia đình, khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Phát hiện sớm và xử lý nghiêm các vi phạm, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo cho người tiêu dùng; phát triển năng lực hệ thống quản lý, giám sát và phòng, chống ngộ độc do rượu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng trong sản xuất, kinh doanh rượu an toàn…

 

Theo THÁI SƠN/ nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm