Ba tỉnh, thành phố miền Trung gồm Đà Nẵng, Quảng Bình, Quảng Trị vừa đồng loạt ra quân hưởng ứng Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) với mục tiêu tăng cường kiểm soát việc tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn và kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu.
Sáng 15/4, UBND TP. Đà Nẵng đã phát động "Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2017 với chủ đề "Sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm tươi sống an toàn, kiểm soát rượu, phòng tránh ngộ độc rượu".
Tại lễ phát động, UBND TP. Đà Nẵng đã yêu cầu các ban ngành, đoàn thể, các quận, huyện phối hợp tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về ATTP; thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, kiểm soát các nguy cơ chủ yếu gây ngộ độc thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm.
Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; lập danh sách các cơ sở sản xuất, giết mổ, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn. Các đơn vị chức năng cũng vận động người dân tố giác các cơ sở sản xuất kinh doanh, sử dụng chất cấm, tiêu thụ và vận chuyển thực phẩm không an toàn...
Ông Nguyễn Đình Phúc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng, cho biết Thành phố hiện có khoảng 300 hộ nhỏ, lẻ sản xuất rượu thủ công, trong đó có chỉ có 3 cơ sở được cấp phép sản xuất rượu thủ công để kinh doanh; 2 doanh nghiệp được cấp phép sản xuất rượu công nghiệp.
Hiện Sở Công Thương quản lý, cấp giấy phép kinh doanh rượu, buôn bán rượu cho 24 doanh nghiệp; 428 tổ chức, cá nhân được tuyến quận, huyện quản lý, cấp giấy phép. Đến nay, Thành phố chưa phát hiện các trường hợp sử dụng methanol, cồn công nghiệp để sản xuất, pha chế rượu...
Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu; đồng thời yêu cầu tất cả các cửa hàng ăn uống khi kinh doanh phải có đăng ký kinh doanh rượu, kê khai rõ nguồn gốc các loại rượu..
Trước đó, ngày 13 và 14/4, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị cũng đã tổ chức lễ phát động Tháng hành động vì ATTP năm 2017 cũng với chủ đề trên.
Tại lễ phát động, Ban chỉ đạo VSATTP tỉnh Quảng Trị yêu cầu các cấp, các ngành phải tập trung truyền thông để cảnh báo tác hại, ngăn chặn việc sử dụng hóa chất hoặc cồn công nghiệp trong sản xuất rượu, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; kiểm soát chặt chẽ mức tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, quả và tồn dư hóa chất, kháng sinh, ô nhiễm vi sinh vật trong thịt, thủy sản nuôi trồng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Mục tiêu đặt ra trong Tháng hành động là 100% tàu thuyền đánh bắt thủy sản, cơ sở chế biến và thu gom bảo quản thủy sản, cơ sở nuôi trồng thủy sản chấp hành đầy đủ các quy định về bảo đảm an toàn thực phẩm; không để xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm do rượu, do sản phẩm thủy sản từ nuôi trồng, chế biến, đánh bắt và bảo quản; phổ biến đến các cơ sở đánh bắt, chế biến, kinh doanh thủy sản những nội dung cơ bản của Luật An toàn thực phẩm và các văn bản hướng dẫn thi hành…
Còn tại tỉnh Quảng Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, Trưởng ban Chỉ đạo ATVSTP tỉnh Trần Tiến Dũng yêu cầu các cấp liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc triển khai các hoạt động bảo đảm chất lượng ATTP; tăng cường công tác thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý; các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến thực phẩm nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật trong việc bảo đảm vệ sinh ATTP…
Theo Minh Trang/nhandan.com.vn