Việc kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện đang ở mức thấp, công tác giám sát nhiễm khuẩn chưa được thực hiện đúng quy định của Bộ Y tế. Đó là thông tin được Phó Cục trưởng Cục khám, chữa bệnh Hoàng Văn Thành thông tin tại Hội thảo khoa học kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện trong các cơ sở khám, chữa bệnh diễn ra ngày 18-4 tại Hà Nội.
Những con số đáng báo động
Phó Cục trưởng Hoàng Văn Thành cho biết, hiện nay có 72,06% bệnh viện đã xây dựng kế hoạch giám sát nhiễm khuẩn (GSNK) hằng năm, nhưng việc thực hiện GSNK vẫn rất thấp. Theo kết quả khảo sát của Bộ Y tế, mới chỉ có 35,29% bệnh viện có bộ phận GSNK chuyên trách. Việc triển khai GSNK kém, dẫn tới khó kiểm soát được thực trạng nhiễm khuẩn tại các cơ sở y tế.
Theo Phó Cục trưởng, các bệnh viện hiện tại chưa quan tâm đúng mức đến công tác giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện (GSNKBV), chưa chú ý kiện toàn bộ phận GSNKBV. Cụ thể, trong năm 2016 chỉ có 37,39% số bệnh viện thực hiện GSNKBV hiện mắc trong toàn bệnh viện; 23,84% thực hiện GSNKBV mắc mới tại các khoa trọng điểm; 28,63% bệnh viện thực hiện giám sát NKBV hiện mắc tại các khoa trọng điểm hoặc nhóm bệnh trọng điểm.
Tỷ lệ bệnh viện thực hiện GSNK đối với các bệnh trọng điểm thấp. Trong số 121 bệnh viện thực hiện GSNK vết mổ chỉ chiếm 25,42%. Những con số này còn thấp hơn trong giám sát viêm phổi thở máy (14,46%); giám sát nhiễm khuẩn huyết (12,61%) và giám sát nhiễm khuẩn tiết niệu (14,29%).
Trong tổng số 93 bệnh viện có thực hiện GSNK hiện mắc năm 2016, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện chung là 3,6% (cao nhất tuyến tỉnh với 5,06%, tuyến trung ương 2,79%, tuyến huyện 2,11% và bệnh viện tư nhân 1,45%). Giám sát vi sinh và vi khuẩn kháng thuốc dù tăng so với năm 2015 (8,1%), ở mức 13,45%, nhưng vẫn ở mức thấp. 40,97% bệnh viện thực hiện giám sát vi sinh trong môi trường tại những khu vực có nhiều nguy cơ lây nhiễm.
Theo nghiên cứu của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khảo sát trên khoảng gần 4.000 bệnh nhân của 15 khoa Hồi sức tích cực tại 15 bệnh viện trên cả nước cho thấy tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 27,3%. Các bệnh viện tuyến Trung ương có tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện cao hơn bệnh viện tuyến cơ sở. Nguy hiểm hiện nay là các vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh đặc trị dao động trong khoảng 50% đến 75%.
Gánh nặng kinh tế, sức khỏe từ việc kiểm soát nhiễm khuẩn thấp
Nhiễm khuẩn liên quan tới chăm sóc y tế là gánh nặng cho người dân cũng như cho các cơ sở khám, chữa bệnh. NKBV làm tăng tỷ lệ người bệnh tử vong, tăng biến chứng, tăng ngày nằm điều trị, tăng mức sử dụng kháng sinh, tăng sự kháng thuốc của vi sinh vật, tăng chi phí dùng thuốc và gánh nặng bệnh tật cho cả người bệnh và hệ thống y tế.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, hằng năm thế giới có khoảng 2 triệu bệnh nhân mắc nhiễm khuẩn bệnh viện làm 90.000 người tử vong và chi phí y tế tăng thêm 4,5 tỷ USD. Tại các nước phát triển, có khoảng 5 - 10% người bệnh nằm viện bị nhiễm khuẩn bệnh viện.
Tại Việt Nam, nghiên cứu trên gần 10.000 bệnh nhân của 10 bệnh viện, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện là 5,8% và viêm phổi bệnh viện chiếm tới 55,4%. Một nghiên cứu gần đây ở Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho thấy, NKBV làm kéo dài thời gian điều trị là 15 ngày với viện phí phát sinh ước tính là khoảng 2,9 triệu đồng/ca. Đây là con số không nhỏ đối với một nước có mức thu nhập GDP/người còn thấp như ở Việt Nam.
Câu chuyện đau xót của vụ việc hơn 100 trẻ em tử vong do dịch sởi vào năm 2014 là một bài học cho ngành y tế trong việc kiểm soát nhiễm khuẩn kém khiến bệnh nhi bị lây chéo bệnh. Nếu không có tình trạng quá tải ở tuyến trên, cộng với việc kiểm soát nhiễm khuẩn tốt hơn, thì đã không xảy ra nỗi đau lớn cho ngành trong việc kiểm soát nhiễm khuẩn.
Nhận định GSNK là một trong những yếu tố quan trọng để cải thiện tình hình NKBV, Cục Quản lý Khám chữa bệnh đã tiến hành xây dựng chính sách quốc gia về tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; ban hành các quy định, hướng dẫn thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Đồng thời, xây dựng các tiêu chuẩn đánh giá chất lượng thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn để đưa vào nội dung kiểm tra bệnh viện hằng năm và đánh giá chất lượng bệnh viện.
Nhiều đại biểu đưa ra đề nghị, cần sớm xây dựng và đưa vào hoạt động hệ thống GSNK quốc gia. Bộ Y tế cần chỉ đạo, hỗ trợ cho sáu bệnh viện gồm Bạch Mai, Chợ Rẫy, Trung ương Huế, Nhiệt đới Trung ương, Đại học Y - Dược TP Hồ Chí Minh và bệnh viện Nhi Đồng 1 hoàn thiện mô hình bệnh viện mẫu về KSNK. Trong đó, hoàn thiện hoạt động giám sát NKBV trước hết là GSNK huyết và nhiễm khuẩn tiết niệu.
Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo rửa tay là biện pháp hiệu quả và ít tổn hại kinh tế nhất đề phòng bệnh. Đội ngũ thầy thuốc cần vệ sinh bàn tay trước và sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân, trước khi làm các thủ thuật vô khuẩn, sau khi tiếp xúc với dụng cụ y tế nhiễm khuẩn là biện pháp quan trọng nhất để phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện. Bên cạnh đó, kỹ thuật vô khuẩn với các dụng cụ phẫu thuật, nội soi... cần được các nhân viên y tế Việt Nam tuân thủ nghiêm ngặt khi thực hiện các thủ thuật xâm nhập, phẫu thuật, chăm sóc vết thương như tại vùng da bệnh nhân dự kiến phẫu thuật. Ngoài ra, công tác giám sát nhiễm khuẩn từ đồ dùng, dụng cụ, chất thải y tế... cũng cần các cơ sở y tế lưu tâm để làm giảm tình trạng nhiễm khuẩn bệnh viện.
Theo THIÊN LAM//nhandan.com.vn