Cập nhật: 23/04/2017 10:31:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Đa dạng sinh học (ĐDSH) có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội và môi trường tại Việt Nam. Tuy nhiên, việc bảo tồn ĐDSH đang đối mặt với nhiều mối đe dọa do sự gia tăng dân số, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, nhất là tình trạng săn bắt, buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã (ĐVHD). Đây được coi là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến công tác bảo tồn ĐDSH ở nước ta hiện nay.

Từ năm 2010 đến năm 2016, lực lượng kiểm lâm cả nước đã phát hiện và xử lý hơn 174 nghìn vụ vi phạm pháp luật về quản lý, phát triển, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản. Trong đó, số vụ vi phạm các quy định về quản lý ĐVHD là 4.305 vụ, tịch thu hàng nghìn kg sản phẩm ĐVHD và hơn 60 nghìn cá thể ĐVHD các loại, trong đó 3.418 cá thể thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm. Riêng năm 2016, toàn ngành hải quan đã phát hiện và bắt giữ 26 vụ vận chuyển ngà voi và các sản phẩm từ ngà voi với tổng số lượng gần năm tấn, cùng hàng tấn tê tê, vảy tê tê, rùa, chân tay gấu, sừng tê giác… được nhập lậu về tiêu thụ tại Việt Nam, hoặc trung chuyển sang nước thứ ba. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng tiếp tục phát hiện hàng chục vụ buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ ĐVHD trái phép. Điển hình mới đây, Công an tỉnh Hà Tĩnh đã bắt giữ ba đối tượng về hành vi buôn bán, vận chuyển trái phép 12 cá thể voọc đã chết có tổng trọng lượng 71 kg đang được vận chuyển đến nơi tiêu thụ…

Các chuyên gia nhận định: Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến tỷ lệ mất ĐDSH của Việt Nam là tình trạng săn bắt, buôn bán, tiêu thụ ĐVHD tiếp tục gia tăng thời gian qua, nhất là một số loài được quảng bá có các tính năng như bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực, chữa bệnh nan y (dù có rất ít bằng chứng khoa học chứng minh), cho nên đã trở thành đối tượng bị săn lùng, khai thác tận diệt. Trong khi đó, do lực lượng mỏng, trang thiết bị, phương tiện còn hạn chế, các đơn vị chuyên trách chưa theo kịp thủ đoạn tinh vi, chuyên nghiệp của các đối tượng vận chuyển, buôn bán trái phép các ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm...

Ngoài ra, phải kể đến hoạt động gây nuôi ĐVHD chưa được quản lý, kiểm soát hiệu quả. Kết quả điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy: trong số 22 loài đang được gây nuôi trong các trang trại, có 12 loài nuôi thuộc đối tượng bị đe dọa cấp quốc gia, sáu loài nuôi thuộc đối tượng đe dọa toàn cầu… Mặc dù, đã có những quy định của pháp luật về vấn đề này như quy định kiểm soát nguồn gốc con giống, nguồn gốc cá thể nuôi thương mại nhưng việc kiểm soát cá thể gây nuôi còn theo hồ sơ, giấy phép, mà không có quy định về việc đánh dấu cá thể gây nuôi. Do vậy, dẫn đến việc lợi dụng hoạt động này để trà trộn, buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm và khuyến khích việc tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD. Công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức và pháp luật về bảo vệ ĐVHD chưa được quan tâm đúng mức…

Cục trưởng Bảo tồn ĐDSH (Tổng cục Môi trường) TS Phạm Anh Cường cho rằng: ĐDSH có vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội và môi trường tại Việt Nam, là cơ sở bảo đảm an ninh lương thực; duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng… Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ĐDSH Việt Nam đang đối mặt với nhiều mối đe dọa như sự gia tăng dân số và mức tiêu dùng, thay đổi phương thức sử dụng đất, xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng, khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên, sự du nhập của các loài ngoại lai xâm hại, ô nhiễm môi trường và những tác động của biến đổi khí hậu... Đặc biệt đáng báo động là tình trạng khai thác, buôn bán, tiêu thụ ĐVHD nguy cấp vẫn diễn ra chưa kiểm soát được, cho nên nhiều loại tiếp tục bị suy giảm, đứng trước nguy cơ tuyệt chủng như hổ, voi… Tại các khu bảo tồn, tình trạng khai thác trái phép các loài hoang dã vẫn diễn ra do mâu thuẫn giữa đói nghèo, phát triển và bảo tồn; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phát triển hạ tầng làm chia cắt và thu hẹp sinh cảnh của nhiều loài hiện nay…

Do vậy, cần có những biện pháp hiệu quả ngăn chặn kịp thời tình trạng săn bắt, buôn bán, thiêu thụ ĐVHD, nhất là từng bước ngăn chặn tình trạng suy giảm ĐDSH, bên cạnh việc tiếp tục củng cố hệ thống chính sách và pháp luật về ĐDSH; kiện toàn, bổ sung khung pháp lý, cơ chế, chính sách về quản lý và bảo vệ các loài ĐVHD, nhằm bảo đảm tính răn đe và nghiêm minh của pháp luật. Tăng cường phối hợp liên ngành trong quản lý buôn bán, tiêu thụ ĐVHD. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an, Tư pháp giải quyết ba vấn đề chính của nạn buôn bán trái phép ĐVHD gồm: săn bắn, buôn bán và làm giảm nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm ĐVHD một cách toàn diện, đồng bộ…

Các chuyên gia, các nhà khoa học cũng cho rằng, đối với các cơ sở gây nuôi thương mại ĐVHD, chủ trang trại phải chịu trách nhiệm chứng minh nguồn gốc hợp pháp gây nuôi trong cơ sở của mình, thay vì các cán bộ thi hành pháp luật như hiện nay. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, phổ biến pháp luật về bảo vệ ĐVHD tới cộng đồng dân cư; công khai thông tin về các vụ vi phạm và đối tượng vi phạm trong các vụ buôn bán, vận chuyển trái phép ĐVHD trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, có cơ chế khen thưởng kịp thời, nhằm khuyến khích người dân tố giác vi phạm và các cán bộ thực thi có nhiều thành tích trong việc bắt giữ các đối tượng buôn bán trái phép ĐVHD...

Theo TRUNG TUYẾN/ nhandan.com.vn

Tệp đính kèm