Việt Nam là nước có tỷ lệ trẻ bị đuối nước cao so với các nước trong khu vực, mỗi năm có khoảng 3.500 vụ.
Năm nào cũng vậy, cứ bước vào mùa nóng, số vụ trẻ bị đuối nước lại gia tăng. Dù các địa phương đã và đang phổ cập bơi cho học sinh, nhưng việc này vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Dạy cho trẻ kỹ năng sinh tồn dưới nước sẽ hạn chế những cái chết thương tâm. (ảnh: kt).
Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng dự thảo đề xuất chính sách hỗ trợ phòng chống đuối nước trẻ em. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 có trên 80% trẻ em từ 6-15 tuổi được học bơi, học kỹ năng an toàn trong môi trường nước. 100% các tỉnh, thành phố kiện toàn mạng lưới dịch vụ dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho trẻ em 6 - 15 tuổi. 100% các tỉnh, thành phố xây dựng được đội ngũ giáo viên dạy bơi theo chương trình bơi an toàn. 100% số xã, phường thực hiện loại bỏ các nguy cơ gây đuối nước trẻ em.
Hơn 3.000 trẻ bị đuối nước mỗi năm
Vụ đuối nước xảy ra gần đây nhất vào ngày 1/5 tại xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Nạn nhân là em Nguyễn Tấn Hùng, học sinh lớp 8, ở xã Quế Thọ, huyện Hiệp Đức. Chiều 30/4, Hùng cùng gia đình đi tắm biển tại bãi tắm xã Bình Minh, huyện Thăng Bình thì gặp dòng nước xoáy cuốn ra xa, khi tìm thấy thì Hùng đã tử vong. Cũng trong ngày 30/4, em Nguyễn Xuân Thạch cùng 3 người bạn là học sinh lớp 10 Trường THPT Nguyễn Huệ, TP. Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, rủ nhau đi tắm tại bãi biển phía trước ngã 3 đường Độc Lập - Nguyễn Hữu Thọ, thuộc phường 9, TP. Tuy Hòa, trong lúc đang bơi thì gặp đợt sóng lớn nhấn chìm. 30 phút sau thi thể Thạch được tìm thấy.
Việt Nam là nước có tỷ lệ trẻ bị đuối nước cao so với các nước trong khu vực, mỗi năm có khoảng 3.500 vụ trẻ bị đuối nước. Trước tình hình đó, từ tháng 2/2010, Bộ GD&ĐT đã có công văn chỉ đạo các Sở GD&ĐT trên cả nước triển khai công tác phòng chống đuối nước. Cũng trong năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thể dục thể thao đến năm 2020, đảm bảo 100% số trường phổ thông đưa môn bơi vào chương trình ngoại khóa và đến năm 2020 sẽ phổ cập bơi thành công cho học sinh phổ thông và mầm non. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, nhất là ở vùng sâu vùng xa, những nơi có diện tích hồ ao, sông suối nhiều, việc phổ cập bơi cho học sinh lại chưa được chú ý. Theo một lãnh đạo Bộ GD&ĐT, việc tổ chức dạy bơi trong nhà trường vẫn còn hạn chế do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến số lượng trường học được đầu tư bể bơi rất ít (hầu như chưa có), không có giáo viên dạy bơi.
Tuy nhiên, việc các trường thiếu bể bơi và thiếu giáo viên không phải là không có cách giải quyết. Ví như TP. Quảng Ngãi đã tổ chức khóa dạy bơi cho thanh, thiếu niên ngay trên dòng sông Trà Khúc, đoạn qua xã Tịnh Long. Sau TP. Quảng Ngãi, một số xã, phường trên tỉnh cũng tận dụng đoạn sông thuận lợi nhất để làm hồ bơi hướng dẫn học sinh thuần thục kỹ năng bơi lội trên sông. Còn TP. Đà Nẵng thì huy động xã hội hóa để xây dựng các hồ bơi di động tại nhiều địa điểm khác nhau.
Các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, việc phổ cập bơi cho học sinh tiểu học được thực hiện tốt hơn. Tại quận Long Biên (Hà Nội), trong năm học 2016-2017, ngành giáo dục quận này đã chỉ đạo các trường tiểu học đưa nội dung phổ cập bơi vào chương trình học ngoại khoá của nhà trường. Chị Đào Thủy, có con học tại trường Tiểu học Đức Giang, quận Long Biên cho biết: “Nhà trường khuyến khích những học sinh chưa biết bơi tham gia vào lớp phổ cập bơi lội do nhà trường tổ chức. Tiền học bơi gia đình đóng góp, nhưng học sinh được nhà trường hỗ trợ xe đưa đón đến bể bơi, có giáo viên dẫn các em đi về và quản lý các em trong giờ bơi lội”.
Trang bị kỹ năng sinh tồn dưới nước
Trở lại 2 vụ đuối nước nêu trên, hai học sinh bị đuối nước không phải do không biết bơi mà do gặp dòng nước xoáy, do sóng lớn nhấn chìm. Vì thế, bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em cho rằng, bên cạnh việc phổ cập bơi cho trẻ cần quan tâm dạy trẻ kỹ năng sinh tồn dưới nước. Ngoài ra, trẻ còn cần được trang bị kỹ năng cứu người bị đuối nước, bởi thực tế đã xảy ra những cái chết thương tâm do các em lao mình xuống nước để cứu bạn mà không có kỹ năng.
Anh Nguyễn Thanh, chuyên gia dạy bơi nhiều năm tại Hà Nội cho rằng, khi anh được trường mời về phổ cập bơi cho các cháu, nhà trường cũng chỉ yêu cầu dạy cho các cháu biết bơi chứ chưa chú ý đến trang bị cho các cháu kỹ năng cứu người đuối nước, kỹ năng sinh tồn dưới nước…
Nguy hiểm đuối nước trên cạn
Đuối nước trên cạn xảy ra sau nhiều giờ trẻ đã rời khỏi môi trường nước. Phụ huynh cần chú ý đến những trẻ suýt chết đuối mà được cứu sống hay đi bơi mà vô tình bị sặc nước. Đôi khi trẻ chỉ nuốt vào một ngụm nước nhỏ nhưng bị tràn vào phổi có thể cản trở phổi cung cấp ôxy cho máu gây phù phổi, suy hô hấp dẫn đến chết đuối thứ cấp.
Theo bác sĩ Nguyễn Ngọc Toàn, Khoa cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh nhân bị đuối nước trên cạn sẽ bị phù phổi, suy hô hấp dẫn đến bị hôn mê sâu rồi tử vong, nếu có qua khỏi cũng để lại di chứng co giật, bại não. Vì thế, khi trẻ suýt chết đuối hoặc đi bơi về, cha mẹ cần chú ý nếu trẻ có biểu hiện ho, thở nhanh, thở rít, khó thở, sốt cao thì nên đưa con đến cơ sở y tế khám và theo dõi, bởi càng đến sớm càng giảm nguy cơ bị biến chứng./.
Theo Thu Minh/VOV.VN